Những mốc phát triển quan trọng trong năm đầu đời của bé

Chăm sóc trẻ sơ sinh thật sự rất vất vả, nhưng bù lại có rất nhiều điều để mong chờ. Chỉ trong năm đầu tiên thôi, con đã trải qua nhiều cột mốc phát triển quan trọng, mẹ đừng bỏ qua nhé!

Mời xem thêm:Theo dõi sự phát triển của bé bằng biểu đồ tăng trưởng

Lịch trình phát triển chiều cao và cân nặng của bé từ sơ sinh đến 8 tuổi

Bé có thể làm được gì trong 12 tháng đầu


1. Mỉm cười

2 tháng chăm con với những giấc ngủ vật vờ và đồng hồ sinh học chạy không giống ai, có lẽ bạn thấy nhiều lần con khóc, khó chịu. Đừng vội nản, sau 2 tháng đó, bạn đã được đền đáp bởi một phần thưởng vô giá: nụ cười của con. Nếu như trước đây, con chỉ có những nụ cười thoáng qua rồi biến mất, thì nay con đã cười thật sự. Khi nhìn thấy gương mặt của bạn, hay nghe giọng nói của bạn, con sẽ mỉm cười để hưởng ứng, thật tuyệt phải không nào? Nụ cười của con là một trong những điều hấp dẫn đến nỗi không thể cưỡng lại được.

2. Cười thành tiếng

Nếu tim bạn nhiều lần muốn ngừng đập vì tiếng khóc của con, sẽ đến lúc bạn được đền đáp bởi những thanh âm tuyệt diệu hơn nhiều: tiếng cười của con. Từ 4 tháng, bạn có thể mong đợi nghe được thanh âm ngọt ngào nhất mà bạn từng nghe.

Muốn con cười khanh khách, bạn có thể làm mặt hề, chạm vào con, chơi ú òa… là những cách rất dễ để có được tiếng cười của con.

3. Ngủ suốt đêm

Bạn đã mệt mỏi với chuyện phải thức dậy nửa đêm để cho con bú sữa? Ác mộng sẽ kết thúc vào khoảng 4-6 tháng, lúc đấy con có thể sẽ ngủ tròn giấc suốt một đêm luôn. Bạn cứ yên tâm nhé!

4. Ngồi

Khoảng 5 đến 6 tháng, hầu hết các bé đều có thể ngồi được với sự hỗ trợ của gối phía sau, chống tay phía trước hoặc bám vào tay mẹ. Trong khoảng 7-9 tháng, con có thể tự ngồi một mình một cách vững vàng.

5. Bò

Đến 9 tháng tuổi, hầu như tất cả các bé đều có thể di chuyển bằng cách bò. Một số bé khác lại thích trườn thay vì bò. Vì thế đây không phải là một dấu mốc quan trọng mà tất cả các bé đều trải qua.

6. Vẫy tay bái bai

Vẫy tay lúc bái bai không chỉ là một hành động dễ thương vô nghĩa, mà nó thể hiện sự liên kết giữa hành động với ngôn ngữ trong nhận thức của con. Con đã hiểu rằng, động tác vẫy tay này có liên quan đến cụm từ “bái bai”.

7. Ăn bốc

Sử dụng bàn tay một cách khéo léo vừa đủ để có thể đưa thức ăn vào miệng là cách trẻ ở độ tuổi 9-12 tháng tự làm để “cứu đói” cho mình. Đây cũng là khoảng thời gian con cực kỳ thích thú với việc khám phá thế giới bằng vị giác, vì thế, trẻ có thể sẽ cho mọi thứ có thể vào miệng để nếm. Do đó, bạn nên lưu ý không để những vật sắc nhọn, nguy hiểm… ở gần con và luôn để mắt đến con để đảm bảo an toàn.

8. Đứng

12 tháng tuổi, phần lớn các bé đều có thể tự đứng được một thời gian ngắn mà không cần sự trợ giúp nào. Nhiều bé còn có thể bước vài bước chập chững khi vịn vào tay mẹ hoặc những vật khác như bàn ghế, thành giường… Đây là khoảng thời gian quan trọng để chân con trở nên cứng cáp và có thể tự đi được.

9. Bước một vài bước

Trong khoảng thời gian 9 đến 17 tháng, các bé lần lượt thực hành “bước một vài bước” một mình mà không cần sự trợ giúp nào. Tất nhiên, tốc độ phát triển của mỗi bé rất khác nhau, vì thế bạn đừng sốt ruột nếu bé đã mừng sinh nhật 1 tuổi rồi mà vẫn chưa tự bước vài bước được. Sớm muộn gì rồi con cũng sẽ tự đi được thôi.

10. Nói một tiếng

“Ta” “da” “ha” “ma”… là những tiếng đầu đời bé dễ dàng bật ra để gọi ba mẹ. Cuối năm, con có thể nói được ít nhất 1 tiếng và tích cực bắt chước người lớn để phát âm. Bạn sẽ sớm nghe được một tiếng “ba” thật rõ của con thôi.

Theo webtretho

Leave a Reply

Or