Nhu cầu dinh dưỡng của con – mẹ có thực sự biết?

Ở mỗi giai đoạn, mỗi lứa tuổi khác nhau, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ cần thay đổi như thế nào? Bổ sung chất gì? Bao nhiêu là hợp lý?

Theo thông tin của PGS.TS Ninh Thị Ứng – Khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương: Dinh dưỡng trẻ em phải đảm bảo yêu cầu cơ bản: Đủ số lượng, chất lượng; đủ các chất cần thiết; các chất dinh dưỡng phải ở một tỷ lệ cân đối theo lứa tuổi.

Tháp tỷ lệ cung cấp các chất dinh dưỡng cho cơ thể

Về nhu cầu năng lượng:

– Trẻ dưới 1 tuổi: 100 đến 200 kcal/ kg/ngày.

– Trẻ nhỏ lứa tuổi mẫu giáo nhà trẻ: công thức tính năng lượng theo tuổi

E = 1000 kcal + 100n (n là số tuổi của trẻ)

Ví dụ: Với bé 3 tuổi thì năng lượng cần cho bé sẽ là: 1000 kcal + 100 x 3 = 1300 kcal

Nhu cầu về Glucid (tinh bột, đường)

Vai trò chính của glucid là tạo năng lượng. Glucid chiếm khoảng 60 -70% năng lượng của khẩu phần ăn cung cấp cho cơ thể. Với 1gr glucid khi đốt cháy trong cơ thể cho 4 kcal. Lượng glucid ăn vào cơ thể nếu không được sử dụng hết sẽ được chuyển hóa thành glycogen– một phần của glycogen sẽ tham gia cấu tạo thành mỡ dự trữ gây béo phì. Do đó, mẹ cần cân đối lượng glucid, cung cấp phù hợp với nhu cầu của trẻ theo từng độ tuổi, tránh dư thừa quá nhiều sẽ dẫn đến béo phì ở trẻ.

Hàm lượng Glucid trong một số thực phẩm

Nhu cầu về Protein (chất đạm)

Protein là thành phần vô cùng quan trọng của cơ thể bởi nó là thành phần chính tham gia vào cấu tạo: Cơ bắp, máu, bạch huyết, hocmon, men, kháng thể, các tuyến bài tiết và nội tiết.Cũng như Glucid, 1gr protein khi đốt cháy trong cơ thể cho 4 kcal. Nếu chế độ ăn thiếu protein sẽ ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của cơ thể trẻ như: rối loạn hoạt động nhiều tuyến nội tiết, suy giảm hệ miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa,… làm trẻ ăn không ngon, chậm phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ, mỡ hóa gan,… Nhưng, nếu mẹ lạm dụng bổ sung quá nhiều protein cũng sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe và chức năng tiêu hóa của trẻ như: Thừa cân, táo bón, suy thận, loãng xương,…. Do đó để đạt được lợi ích dinh dưỡng từ protein đem lại, các mẹ nên bổ sung cho trẻ lượng protein thích hợp với nhu cầu của từng độ tuổi.

Theo Thạc sĩ – Bác sĩ Lê Thị Hải – Giám đốc Trung tâm tư vấn dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia thì các mẹ có thể tính lượng đạm bổ sung cho trẻ theo công thức:

2- 2,5g Protein/kg cân nặng/ngày.

Hàm lượng Protein trong một số thực phẩm

Nhu cầu về Lipid (chất béo)

Lipid là nguồn dinh dưỡng quan trọng của cơ thể, đặc biệt với trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển, 1gr lipit cho 9 kcal. Lipid tham gia vào quá trình hình thành tế bào thần kinh, não, tim, gan, tuyến sinh dục,… và giúp bảo vệ cơ thể tránh khỏi các tác động bất lợi của thời tiết. Ngoài ra, lipid còn tham gia vào quá trình dinh dưỡng của tế bào như: tính thấm của màng tế bào; làm dung môi để hòa tan các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K vào cơ thể,… Vì thế, để phát triển tốt thể chất và trí tuệ, trẻ cần phải được cung cấp đủ lượng lipid cần thiết cho nhu cầu phát triển của từng giai đoạn. Đặc biệt, trẻ sơ sinh cho đến 2 tuổi – đây là giai đoạn phát triển và hoàn thiện não bộ của bé – lipid chiếm khoảng 60% trọng lượng não bộ. Trẻ càng nhỏ tuổi thì nhu cầu về lipid trong tổng % năng lượng của khẩu phần ăn càng cao. Ví dụ: Trẻ sơ sinh lượng lipid cần 50% nhu cầu năng lượng, trẻ dưới 1 tuổi cần khoảng 40 – 45%, trẻ 1-3 tuổi cần 35 -40%,… Nhưng các mẹ cũng lưu ý không nên cung cấp thừa lipid sẽ dẫn đến thừa cân, béo phì ở trẻ.

Hàm lượng Lipid trong một số thực phẩm

Nhu cầu về vitamin và khoáng chất

Vitamin và khoáng chất được gọi là vi chất dinh dưỡng. Tuy nhu cầu hàng ngày của cơ thể về những chất này nhỏ hơn rất nhiều so với protein, glucid, lipid nhưng vai trò của chúng rất quan trọng. Bởi nếu thiếu vitamin và chất khoáng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của trẻ nhỏ như: còi xương, chậm lớn, suy giảm miễn dịch,… Chính vì thế các mẹ cần lưu ý bổ sung đủ nhu cầu vitamin, khoáng chất cho trẻ.

Bảng nhu cầu Vitamin và khoáng chất cho trẻ

Một chế độ ăn phong phú, cân bằng – chứa đủ vitamin, khoáng chất, protein, glucid và lipid sẽ giúp trẻ nhanh lớn, có đủ năng lượng và một sức khỏe toàn diện. Tuy nhiên với một số trường hợp như: trẻ biếng ăn, trẻ mắc các bệnh về đường tiêu hóa không thể hấp thu được các dưỡng chất, hay trẻ béo phì nhưng vẫn thiếu vi chất dinh dưỡng, thì mẹ có thể kiểm soát hàm lượng cần bổ sung cho con theo đúng nhu cầu dinh dưỡng của từng độ tuổi bằng các sản phẩm bố sung có chứa đầy đủ các chất cần thiết giúp trẻ phát triển khỏe mạnh.

Theo Tri Thức Trẻ

Leave a Reply

Or