Nhìn phân xác định độ khỏe mạnh của bé sơ sinh

10 điều về “đầu ra” của trẻ sơ sinh dưới đây có thể khiến nhiều mẹ bất ngờ và rút ra khá nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc con yêu.

Phân su

Lượt phân đầu tiên của trẻ sơ sinh khi bé mới chào đời được gọi là phân su. Phân này có màu đen, dính và đã có sẵn trong ruột của trẻ trước khi bé được sinh ra. Trẻ sơ sinh cần đi tiêu ít nhất một lần trong 1-2 ngày đầu tiên. Đến ngày thứ hai, phân của trẻ sẽ mềm hơn nhưng vẫn còn có màu sẫm.

Vệt hồng trong tã của bé

.. là điều hoàn toàn bình thường trong những ngày đầu đời của bé. Vài ngày đầu tiên sau khi bé được sinh ra, các tinh thể axit uric trong nước tiểu của bé vẫn còn để lại vệt màu hồng nhạt hoặc đỏ trên tã. Tuy nhiên, nếu bố mẹ vẫn còn thấy hiện tượng này sau ngày thứ 4, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ.

Sang ngày thứ 3, phân của bé phải có màu sáng hơn

Sau 3 ngày kể từ khi bé chào đời, màu sắc phân của bé cần phải sáng lên. Nếu bé vẫn đi ra phân màu đen đậm vào ngày thứ 3 thì cần hỏi ý kiến của bác sĩ.

Ngày thứ 5, phân của bé có màu vàng đậm

Trong khoảng thời gian bé được 5 ngày tuổi, phân của bé cần có màu vàng đậm (giống màu mù tạt) (hoặc có màu xanh nhạt hoặc màu cam). Phân có màu sáng lên cũng đi kèm với số lượng lớn hơn và mềm hơn.

Sau ngày thứ 5 trở đi, bé cần có ít nhất 3 lượt phân mỗi ngày. Bé nào bú sữa mẹ hoàn toàn có thể có nhiều lượt hơn, phân thường có màu vàng đậm, sền sệt lỏng. Các bé bú sữa công thức có xu hướng đi tiêu ít hơn và phân thường có màu nâu, đặc hơn và khác mùi.

 Nhìn phân xác định độ khỏe mạnh của bé sơ sinh - 1

 Các bé bú sữa công thức có xu hướng đi tiêu ít hơn và phân thường có màu nâu, đặc hơn và khác mùi. (Ảnh minh họa)

Nếu phân trẻ có màu xanh…

Phân màu xanh thẫm là kết quả của việc bé hấp thụ quá nhiều sắt (ví dụ như do uống sữa công thức), thường đi kèm với triệu chứng táo bón. Tuy nhiên, mẹ đừng vì thế mà ngừng bổ sung sắt vào thực đơn của bé mà cần phải có sự chỉ định của bác sĩ.

Phân xanh nhạt, có thể kèm theo sủi bọt là dấu hiệu của việc mất cân bằng giữa hấp thụ “sữa trước” và “sữa sau” khi bé bú mẹ.  Sữa trước giống như món tráng miệng rất nhiều nước, nhiều vitamin, protein… giúp giải khát và tạo cảm giác ngon miệng cho bé. Sữa sau như một món chính với rất nhiều năng lượng và nhiều chất dinh dưỡng khác, chất béo… giúp cho bé no và tăng cân.  Phân xanh nhạt cho thấy bé đã bú quá nhiều “sữa trước”. Hãy giữ cho bé ngậm đầu vú lâu hơn để bé có thể có cơ hội tiếp xúc với nguồn sữa béo ngậy của “sữa sau” nhiều hơn.

Lượng tã bé cần thay trong 5 ngày đầu tiên

Trong 5 ngày đầu tiên, bé cần làm ướt số tã ít nhất là bằng số ngày tuổi của bé. Ví dụ: bé được 1 ngày tuổi cần làm ướt  ít nhất 1 chiếc tã, bé 2 ngày tuổi cần làm ướt ít nhất 2 chiếc tã,…

Lượng tã bé cần thay sau 5 ngày đầu tiên

Kể từ ngày thứ 5 sau sinh, bé cần làm ướt ít nhất là 5 chiếc tã dùng một lần hoặc 6-8 chiếc tã vải mỗi ngày. Nước tiểu của bé cần có màu nhạt và không có mùi khó chịu.

Trẻ có thể không đại tiện thường xuyên sau 6 tuần tuổi

Sau khi được 6 tuần tuổi, đặc biệt là những bé bú sữa mẹ hoàn toàn sẽ không đi tiêu thường xuyên. Miên là phân của bé vẫn sền sệt và có số lượng lớn thì không cần phải lo lắng.

Dấu hiệu bất thường ở phân của trẻ

Nếu nhìn thấy những dấu hiệu này trong tã của trẻ, cần cho trẻ đến khám bác sĩ ngay để được xử lí kịp thời:

– Trong phân có cục máu

– Trong phân có chất nhầy

– Phân vẫn đen sau khi bé đã được vài ngày tuổi

– Phân trắng

Kiểm tra và quan sát phân trẻ thường xuyên là điều cần thiết

Khi bắt đầu đón một em bé mới chào đời, bố mẹ đừng quên rằng công việc kiểm tra và quan sát “sản phẩm đầu ra” hàng ngày của con là điều vô cùng quan trọng để theo dõi sự phát triển của trẻ, chẩn đoán những vấn đề có thể xảy ra và kịp thời xử lí, đảm bảo con yêu luôn khỏe mạnh.

Theo khampha

Leave a Reply

Or