Mẹ mang thai đôi kể chuyện đi sinh lần 2 mà vẫn “há hốc miệng” vì sốc
Mặc dù mang thai đôi nhưng 2 con của chị Mến (29 tuổi, sống tại Hà Nội) có cân nặng chênh lệch nhau rất lớn, một bé 2,4kg còn một bé chỉ nặng 1,2kg.
Nhiều người cho rằng người đã trải qua một lần sinh nở thì sẽ có nhiều kinh nghiệm và đỡ bỡ ngỡ hơn. Tuy nhiên, chị Mến (29 tuổi, sống tại Hà Nội) cho biết đến lần sinh thứ 2 chị vẫn gặp nhiều điều không ngờ đến. Mang thai đôi, chị Mến xác định phải mổ và đã tìm hiểu kỹ về quy trình sinh mổ, vậy mà khi thực sự trải nghiệm, chị vẫn “sốc” từ khi đi khám đến lúc lên bàn mổ.
Làm thủ tục nhập viện một mình vì chồng đang còn… đi uống trà đá
Ngay từ dấu hiệu báo sinh của chị lần mang thai đôi này đã không hề giống như lần đầu. Chị kể lại: “Lần sinh này có lẽ với tâm thế của một kẻ bắt buộc phải mổ, khác với lần đầu tiên sinh thường nên chẳng học hành gì. Mặc dù đã nghe nói, tìm hiểu nhiều nhưng không hiểu sao bước chân đến phòng mổ mà tim mình vẫn đập thình thịch, chân vẫn không dám nhúc nhích”.
Dự sinh vào ngày 15/7, nhưng ngay khi thấy bụng gò cứng ở tuần thứ 37, với linh cảm của một người mẹ, chị Mến quyết định sắp đồ vào giỏ, chuẩn bị đầy đủ nhất, sẵn sàng vào viện bất cứ lúc nào. Chị kể: “Lúc đầu gò bụng thì mình chỉ quyết định đi khám thôi. Sáng 27/6, mình đủng đỉnh dậy lúc 7 giờ ăn sáng, bật bình nóng lạnh tắm thật lâu rồi lang thang đi gội đầu. 9 giờ sáng xong xuôi hết, mình kêu chồng đưa vào viện khám”.
Hình ảnh chị Mến lúc mang bầu hai bé.
Vào đến viện thì chị Mến thấy bụng gò cứng khá khó chịu nên gọi ngay y tá để được khám nhanh nhất. Sau khi vào phòng cấp cứu khám, bác sĩ báo với chị cổ tử cung đã mở 2 phân, chị đi đo tim thai rồi phải thay đồ nhập viện luôn.
Lúc này chị Mến mới ngạc nhiên vì cứ nghĩ chưa có dấu hiệu gì thì còn lâu mới sinh. Chị cho biết: “Mình há hốc miệng ngạc nhiên vì chẳng thấy có dấu hiệu gì của vỡ ối như lần đầu”.
Trong lúc đợi vợ vào khám, chồng chị Mến ra ngoài chờ, không ngờ vợ mình lại được sắp xếp chuẩn bị mổ luôn.“Bác sĩ bảo thế mình mới tẽn tò đi thay đồ và một mình đi làm thủ tục nhập viện vì chồng còn đang lang thang trà đá. Thay đồ xong tay xách dép, tay cầm quần với áo trông đến ngại. Mình vội vàng gọi cho chồng, cho ông bà ngoại và cô em”, chị Mến kể.
15 phút sau, y tá sang đưa chị Mến đi nhập thông tin và kiểm tra lần nữa. “Lên đến nơi thì một chị bác sỹ khác bắt mình cởi đồ để khám lần nữa. Mình rất sợ khám vùng kín vì chị mình nói khám nhiều dẫn đến phù nề rất đau nên ngay lập tức phản vệ và nói e vừa khám xong cơ mà. Bác sĩ dọa “nếu e không ra chị khám thì còn lâu mới được mổ”. Lúc này mình mới nằm phịch lên bàn, nói: “Đây chị khám đi”. Khám lần này thì cổ tử cung đã mở 3cm rồi, mình được chuyển sang khu chờ mổ luôn.”
Sốc kinh hoàng hết lần này đến lần khác khi vào phòng mổ
Sau khi bất ngờ vì vào viện khám mà lại được mổ luôn, chị Mến lại tiếp tục “sốc” lần 2 vì những cảnh tượng trong phòng mổ. Chị nghĩ lại: “Lên phòng chờ mổ mình mới thấy hoang mang. Trong phòng có đến 15 chị đang ngồi chờ lên bàn mổ. Ngồi nói chuyện, tâm sự với các mẹ chán rồi cũng đến lượt mình.
Bước chân đến cửa phòng mổ mình mới thực sự sốc kinh hoàng trước cảnh tượng ấy. Thai phụ bụng như cái trống nằm trên bàn, thuốc betadin bôi vàng chóe lóe, tiếng máy thở, mùi sát trùng rồi cảnh tượng bị rạch bụng như trong video làm mình hoảng hốt, đã run nay lại còn run hơn. Bác sỹ gọi đến tên mà bần thần mãi mới nhấc được cái chân lên để đi về bàn mổ.
Lên bàn mổ thì càng sợ hơn. Mình được hỗ trợ máy thở, kẹp tay đo huyết áp và nhịp tim. Mình mổ theo phương pháp gây tê tủy sống, bác sỹ gom đầu và chân mình vào bẻ cong như con tôm, lúc ấy thấy kỳ lạ thật mọi khi bụng to như thế mà cúi xuống là đau phải biết ấy thế mà lúc ấy chẳng thấy đau gì.
Hai bé sinh đôi nhà chị Mến.
Và rồi bắt đầu có cảm giác thốn khi thấy người ta chọc cái kim to đùng vào cái lưng mình. Lần thứ nhất mình bị lệch vào xương. Lần thứ hai vẫn lệch, cảm giác máu chảy ngang khiến mình run rẩy. Anh bác sĩ cứ vừa giữ mình vừa hỏi han linh tinh để dời sự chú ý. Lần thứ 3 rồi lần thứ 4 thì mình thấy một dòng tức tức chạy dọc cột sống. Tiêm đến lần thứ 5 thì có thứ gì đó luồn luồn vào lưng. Cuối cùng thời khắc gặp con cũng đến”.
Sau bao phen kinh hoàng thì chị Mến cũng đợi được đến lúc mổ, nhưng thời gian mổ lại diễn ra nhanh hơn chị nghĩ. Chị hài hước diễn tả: “Roẹt”, hẫng một cái, bác sĩ báo “một con trai 2,4kg nhé” rồi lại “roẹt” hẫng cái nữa, “con trai nhé, bé này có 1,2kg thôi”. Mình nghe mà hoang mang quá. Lúc ấy chỉ muốn ngất đi mà cái ổn định huyết áp nó siết chặt tay nên không ngất được.
Mổ và khâu xong, chị y tá bế một em ra cho mình xem mặt, 3 phút sau chẳng thấy em thứ hai đâu mình mới hỏi “Sao không cho em xem em kia?”. Rồi chị ấy bế con bé lại, lại nhìn con bé tí xíu mà không nổi nước mắt, cứ khóc tu tu như bị đánh”.
Chị Mến rớt nước mắt vì bé nhỏ hơn chỉ nặng bằng nửa anh trai.
Sau thời gian mổ đẻ đầy nước mắt là thời gian nằm phòng hậu phẫu “dài lê thê” của chị Mến. Chị nhớ lại: “Tác dụng phụ của thuốc gây tê tủy sống làm mình rét run cầm cập, răng va côm cốp, cảm giác vừa đói khát vừa lạnh ùa đến. Xin chị y tá được ngụm nước mà sướng điên người. Nằm 6 tiếng đồng hồ không điện thoại, không người thân, li bì thật thê thảm”.
Kết thúc hành trình đi sinh, chị Mến cho biết hiện giờ chị đã khỏe lại, hai bé ngoan và phát triển rất tốt. Chị muốn chia sẻ lại kinh nghiệm đi đẻ mổ của bản thân để những ai mới lần đầu làm mẹ tham khảo. Chị tâm sự tuy hành trình đi đẻ vất vả và cảm xúc lên xuống thất thường nhưng chị chỉ cần “mẹ tròn, con vuông” là đã đủ hạnh phúc.
Theo Khampha