Mách nhỏ bố mẹ dạy con tập nói

Việc trẻ chậm nói có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bình thường của trẻ. Chậm nói làm cho trẻ mất tự tin trong giao tiếp, khó biết cách bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ của mình.

Trước khi quyết định đưa trẻ đi khám, cha mẹ nên làm 1 bảng tăng trưởng ngôn ngữ cho bé (như các độ tuổi: số từ bé nói được, số từ có nghĩa, bé có biết đặt câu hỏi ngắn hoàn chỉnh không, người ngoài có thể hiểu bé nói gì hay không). Điều này sẽ đánh giá đúng mức độ chậm nói của trẻ, từ đó, việc can thiêp, điều trị của bác sĩ sẽ nhanh chóng và chính xác hơn.

Khi đi thăm khám, bên cạnh việc điều trị cụ thể cho bé, bác sĩ sẽ có những hướng dẫn cụ thể cho cha mẹ cách phát triển ngôn ngữ cho bé như: huớng dẫn cho cha mẹ cách giao tiếp với trẻ thông qua đồ chơi hoặc các hoạt động giải trí khác.

Mách nhỏ bố mẹ dạy con tập nói

Cha mẹ nên đưa bé đi mẫu giáo như bình thường nhưng nên phối hợp với cô giáo trong trường để giúp thúc đẩy ngôn ngữ của bé. Sự can thiệp đúng lúc của cha mẹ có thể giúp bé phát triển bình thường.

Khi bạn nắm rõ nguyên nhân gây nên tình trạng chậm nói của con mình, bạn có thể sẽ biết cách khuyến khích con để phát triển khả năng nói của bé. Dưới đây là một vài lời khuyên cho bạn:

Cha mẹ cần dành nhiều thời gian trò chuyện với bé, thậm chí ngay cả khi bé còn ở tuổi ẵm ngửa. Thường xuyên nói chuyện, giao tiếp với trẻ, theo dõi phản ứng với âm thanh của trẻ. Ngay từ tuổi này bố mẹ đã có thể phát hiện những bất thường về trí não hay thính giác của trẻ.

Trẻ không quay về phía có âm thanh, không giật mình khi có tiếng động lớn thì có thể trẻ có vấn đề về thính giác. Khi lớn lớn, bố mẹ có thể nói, hát hoặc khuyến khích con bắt chước theo những âm thanh hoặc cử chỉ của mình.

Cha mẹ cũng nên đọc cho con nghe, khuyến khích con tư duy ngôn ngữ. Bạn không cần phải đọc toàn bộ quyển sách, hãy chọn những quyển truyện tranh, điều đó sẽ cuốn hút bé nhìn vào sách khi bạn đọc. Khi con lớn hơn, hãy khuyến khích bé chỉ ra những chi tiết trong bức tranh, ảnh mà bé có thể nhớ và cố gắng gọi tên chúng.

Sử dụng các tình huống hàng ngày để khuyến khích bé phát triển khả năng nói và ngôn ngữ. Ví dụ, bạn có thể chỉ từng đồ vật trẻ hay đụng đến và dạy trẻ gọi tên chúng, đừng quên giải thích cho trẻ bất cứ điều gì khi trẻ hỏi hay có ý phân vân. Hãy đặt cho con những câu hỏi đơn giản và khuyến khích con trả lời (ngay cả khi bé cũng chưa hiểu được mấy).

Mách nhỏ bố mẹ dạy con tập nói 2

Với trẻ chậm nói, nên dạy cho trẻ những từ đơn giản, dễ hiểu. Tốt nhất là dạy trẻ nói dựa theo những tình huống xảy ra hàng ngày, tạo nhiều tình huống khác nhau khi nói về một từ nào đó. Tập cho bé biết nghe các âm thanh khác nhau hay tập cho con giao tiếp qua những hình ảnh hay điệu bộ cũng là cách giúp cho trẻ tập nói tốt.

Không nên cho trẻ xem ti vi quá nhiều, cần kiểm soát thời gian và chương trình tivi. Cha mẹ nên cùng xem với trẻ các chương trình như phim hoạt hình, ca nhạc và bình luận về các tình tiết, nhân vật, hội thoại trong phim để giúp trẻ xây dựng phản xạ ngôn ngữ.

Nhiều cặp vợ chồng bận rộn suốt nên ít nói chuyện với đứa trẻ, mà giao trẻ cho ông bà hoặc người giúp việc. Nhưng khoảng cách tuổi tác cũng như bận rộn và ghét trẻ làm ồn ào, những người này thường để trẻ ngồi một mình với tivi hay internet.

Ngôn ngữ trẻ không tự nhiên mà có. Nó chỉ xuất hiện khi có sự tương tác giữa người với người. Tức là, thông qua tiếp xúc với thế giới xung quanh, trẻ phát triển được trí thông minh, sự nhận thức. Nếu để đứa bé chơi một mình hoặc coi tivi suốt, thì người lớn đã tước mất điều kiện giúp trẻ hình thành ngôn ngữ.

Có rất nhiều cách đơn giản để có thể tương tác với con, ngay cả khi người mẹ khá bận rộn. Chẳng hạn, trong bữa ăn, bạn có thể dạy trẻ gọi tên món ăn, hỏi trẻ thích ăn gì. Trước khi đi ngủ, bạn có thể đành vài phút đọc truyện, nói chuyện với con…

Cuối cùng nếu bé không tiến bộ, cha mẹ nên gửi bé vào các cơ sở điều trị để can thiệp về ngôn ngữ cho bé. Song song đó, các bác sĩ có thể khám và chữa trị các vấn đề trục trặc về sức khỏe, tâm lý gây cản trở cho việc phát triển ngôn ngữ của bé.

Theo nhatkybe

Leave a Reply

Or