Kinh nghiệm giúp con 1,5 tháng từ chối ăn đêm và ngủ thẳng giấc của mẹ 8x

Chị Ngọc Hà chia sẻ, con từ chối bú đêm và ngủ thẳng giấc nhờ vào sự sắp xếp nề nếp ngủ của mẹ ngay từ lúc sơ sinh.

Chị Ngọc Hà (Hà Nội) hiện đang là bà mẹ của hai con nhỏ. Bé lớn đã đi học mẫu giáo và em nhỏ mới hơn 4 tháng. Chị cảm thấy công việc làm mẹ là điều vô cùng thú vị và hạnh phúc, không stress và không nhàm chán như nhiều người vẫn nghĩ. Bởi với chị, mỗi giai đoạn phát triển của con đều mang đến thật nhiều trải nghiệm dành cho mẹ.

kinh nghiem giup con 15 thang tu choi an dem va ngu thang giac cua me 8x
Chị Ngọc Hà thường xuyên địu bé nhỏ để cùng hai con ra ngoài chơi. (Ảnh NVCC)

Chồng chị thường xuyên đi công tác. Có thời điểm chồng chị bận việc cả tuần, anh lớn nhớ bố và còn ôm ảnh bố đi ngủ. Cũng vì một tay chăm sóc hai con nên chị Ngọc Hà chú trọng việc rèn luyện giờ giấc cho con để mẹ luôn cảm thấy thoải mái và bớt đi sự bận rộn thường thấy. Trong đó có việc rèn cho con ngủ đúng giờ, ngủ xuyên đêm thành công từ khi bé được 1,5 tháng.

kinh nghiem giup con 15 thang tu choi an dem va ngu thang giac cua me 8x
Chị Ngọc Hà bên bé Mía. (Ảnh NVCC)

Cùng trò chuyện với chị Ngọc Hà để biết thêm kinh nghiệm giúp con ngủ thẳng giấc ngay từ nhỏ.

– Chào chị, chị có thể cho biết đã bắt đầu luyện ngủ xuyên đêm cho con từ khi nào?

– Cu Mía cậu con trai thứ hai của mình được theo nếp ăn ngủ từ sơ sinh nên có thể nói mình không cần rèn luyện gì cả. Bé ăn và ngủ phù hợp độ tuổi, mẹ giãn cữ khi con đã tích trữ được nhiều năng lượng hơn, đủ để ăn no hơn mỗi cữ và thức lâu hơn vào ban ngày. Con ngủ xuyên đêm từ rất sớm, khoảng 1,5 tháng con từ chối ăn đêm và ngủ thẳng giấc rồi. Có lẽ vì là con dạ nên sẽ nhanh hơn. Cu Măng thì tới tận 3 tháng con mới ăn ngủ thành nề nếp như vậy.

– Lý do và động lực để chị giúp con ngủ xuyên đêm là gì?

– Cu Măng qua 1 tháng tuổi rất quấy, ăn kém ngủ kém, thức đêm muộn và hay cáu kỉnh. Lần đầu làm mẹ với kinh nghiệm chăm con bằng số 0. Các bà nội bà ngoại chạm ngón tay vào miệng thấy cháu há ra là giục mình cho con ăn với lý do “thằng nhóc đói rồi đấy”, ăn ngủ linh tinh không giờ giấc, con khóc mẹ mệt mỏi vì không hiểu nổi tiếng khóc của con. Đến lúc đó mình mới thấy cách chăm con của mình thực sự cần xem xét lại.

Mỗi lứa tuổi sẽ đều có những vấn đề làm bố mẹ đau đầu. Khi mới sinh chỉ xoay quanh việc ăn ngủ. Lúc 6 tháng sẽ là ăn dặm, thêm hơn chút nữa là tới các mốc khủng hoảng rồi con sẽ lớn hơn và đi học.

Mình gọi các vấn đề trong mỗi giai đoạn đó là các nút thắt và mẹ phải là người tháo nút thắt từng bước từng bước một. Khi được ăn ngủ tốt con sẽ vui vẻ thoải mái vận động, đến khi tập ăn con sẽ hợp tác hơn và cứ vậy cho đến những thời kỳ phát triển tiếp nữa.

Việc ngủ riêng không có nghĩa con sẽ tự lập khi con lớn hơn. Nhưng nó là tiền đề giúp mẹ dễ dàng tập cho con tính tự lập sau này. Ví dụ như hằng tuần vào tối thứ 7 mình sẽ cho Măng qua ngủ cùng bà, trước khi đi con sẽ cùng mình soạn đồ dùng cá nhân, con mang theo một chiếc túi có chứa khăn mặt, bàn chải kem đánh răng, một bộ quần áo ngủ, bạn gối ôm yêu thích, một cuốn chuyện chuột Típ. Mình tin rằng những hành động cụ thể như vậy chính là một cách giáo dục sớm.

kinh nghiem giup con 15 thang tu choi an dem va ngu thang giac cua me 8x
Chị Hà luôn muốn cùng con trải nghiệm cuộc sống. (Ảnh NVCC)
kinh nghiem giup con 15 thang tu choi an dem va ngu thang giac cua me 8x
Rèn cho bé ngủ đúng giờ, ngủ xuyên đêm để có thời gian chăm bé lớn. (Ảnh NVCC)
kinh nghiem giup con 15 thang tu choi an dem va ngu thang giac cua me 8x
(Ảnh NVCC)

– Chị có thể chia sẻ hành trình luyện cho con ngủ như thế nào? Bé nhà bạn có hợp tác không?

– Nề nếp cho bé sơ sinh và dạy con cách ngủ không phải là điều mới mẻ ở nhiều nước phương Tây, họ gọi đó là nếp sinh hoạt EASY. Nhiều cuốn sách hay sẽ hướng dẫn các bố mẹ rất kỹ về việc đó, cuốn sách “Đọc vị mọi vấn đề của trẻ” – tác giả Tracy Hog là một lựa chọn hoàn hảo. Rất nhiều thông tin trong một cuốn sách dày.

Cu Mía sinh ra với cân nặng khá ấn tượng – 3,9kg, mặc dù mẹ ăn uống hoàn toàn bình thường với thực đơn nhiều rau xanh và hoa quả. Với thể trạng sức khoẻ hoàn toàn tốt của con đủ để mình cho bé bú ti 3 giờ/ cữ.

Sau khi bú mẹ xong con được mình quấn lại giống như một bé nhộng và cứ vậy con ngủ tít thôi. Việc quấn bé bằng một mảnh vải cotton mỏng và co giãn tốt ( hình dáng gần giống như chiếc tã chéo nhưng to và dài hơn) sẽ giúp tạo môi trường giống như trong bụng mẹ, chật và chặt, con sẽ ngủ ngon ngủ sâu và không giật mình. Các cụ xưa thường quấn tã cho trẻ và hầu hết các nền văn minh nguyên thuỷ đều làm vậy.

Thêm một lý do để thuyết phục các mẹ hãy bắt chước mình trong việc này: dưới 3 tháng tuổi kỹ năng kiểm soát tay chân trẻ còn kém, đặc biệt trẻ sẽ trở nên hiếu động khua khoắng nhiều hơn khi kiệt sức. Chính điều này sẽ khiến con khó mà đi vào giấc ngủ. Quấn bé là một giải pháp tuyệt vời.

Thay đổi đột ngột tư thế sẽ làm mọi em bé sơ sinh khó chịu. Cu Mía cũng không phải ngoại lệ. Bởi vậy sau khi quấn bé xong mình sẽ bế vác con lên vai, vỗ vào lưng con vài cái và hát một bài hát tự sáng tác, sau đó đặt con xuống cũi khi con vẫn còn thức.

Khi con có tín hiệu ăn kém hơn, giấc ngày bị ngắn lại và bị dậy lúc sáng sớm, mình liền giãn cữ vì con đã lớn đủ để phù hợp nếp sinh hoạt mới. Ngày chỉ 4 cữ ăn là vừa với thể trạng con khi ấy.

– Theo chị, việc cho con ngủ riêng có những lợi ích gì?

– Bác sĩ của con là bs Collin người Pháp. Khi bác khám tổng quát các mốc phát triển. Bác có lời khuyên: các bố mẹ nên cho con ngủ riêng. Lợi ích thì rất nhiều.

Ngủ riêng ở đây có thể là ngủ phòng riêng hoặc ngủ giường/ cũi riêng. Theo nhiều nghiên cứu về giấc ngủ của trẻ, kết luận được đưa ra đều là tỉ lệ đột tử của trẻ ngủ riêng luôn thấp hơn khi con ngủ chung cùng bố mẹ.

Khi ngủ chung, diện tích giường bị thu hẹp, trong quá trình ngủ trẻ thường xuyên vận động, do đó có thể va đập vào bố mẹ. Khi ngủ chung, bố mẹ hoặc các anh chị em có thể lăn vào trẻ hoặc trẻ có thể bị xê dịch trượt khỏi giường. Hơn nữa việc ngủ chung có thể khiến trẻ quá nóng. Càng nhiều người ngủ trên giường thì càng nóng.

kinh nghiem giup con 15 thang tu choi an dem va ngu thang giac cua me 8x
(Ảnh NVCC)

Nếu mẹ vẫn muốn con ngủ chung giường thì các mẹ có thể thay đổi một chút:

+ Mẹ cho con bú xong đặt con nằm ngay ngắn rồi mẹ hãy ngủ tiếp, làm ngạt con khi cho bú không phải là chuyện hiếm.

+ Mẹ chú ý đến chăn gối để trên giường. Mùa đông nhà nào cũng nhiều chăn chiếu, thậm trí còn không thấy em bé đâu giữa đống chăn.

– Giường ngủ sử dụng đệm cứng. Tốt nhất là dùng loại đệm bông ép.

+ Tránh dùng gối cho trẻ sơ sinh (con có thể bị ngạt khi dùng gối)

+ Mẹ không chủ động cho trẻ nằm sấp khi ngủ, nhưng nếu bé đã lớn đủ khoẻ để lẫy lật bò, khi đó con tự nằm sấp ngủ thì không ảnh huởng gì, mẹ cũng không cần điều chỉnh tư thế.

Mình vẫn nghĩ các mẹ nên mua cũi và kê cạnh giường, con bú xong lại đặt con vào cũi. Bố mẹ vẫn nằm giường riêng. Sau này con lớn con cũng sẽ dễ dàng tách mẹ để ngủ phòng riêng hơn.

Hai vợ chồng mình ở riêng, nhà có đủ phòng nên mình cho hai con ngủ phòng riêng. Nếp sinh hoạt của bố mẹ và con khác nhau, 7, 8h bọn chúng đã ngủ rồi, bố mẹ còn chưa tắm táp gì, cứ ra ra vào vào, bật tắt điện làm sao con ngủ ngon được. Nên gia đình nào có đủ phòng thì khuyến khích bố mẹ làm cho con 1 phòng riêng nhé.

– Bố mẹ Việt thường cho con ngủ chung vì không yên tâm để con ngủ một mình. Theo bạn cho con ngủ chung có những bất cập gì? Làm thế nào để bạn cảm thấy yên tâm khi cho con ngủ một mình?

– Mình thường nghe thấy các bà nội bà ngoại nhận xét rằng trẻ con bây giờ khôn sớm lắm, hiếu động và vô cùng tò mò. Giá như bố mẹ nào cũng có suy nghĩ như vậy thì chắc sẽ không phải ngượng ngùng khi phải trả lời những câu hỏi ngô nghê khi con chứng kiến những va chạm riêng tư giữa hai bố mẹ.

Các em bé của chúng ta vững vàng và tự lập hơn những gì bố mẹ nghĩ. Vậy nên nếu bạn có con nhỏ độ tuổi mẫu giáo vẫn ngủ chung giường thì hãy sớm nghĩ đến việc tách giường cho các bé. Sau khi con quen ngủ giường riêng rồi thì tách phòng.

Nếu gia đình chỉ có một phòng ngủ chung có thể làm tấm rèm ngăn cho con một khoảng riêng. Giường của con nên vừa vặn với con hoặc là một tấm đệm nho nhỏ nếu bố mẹ muốn tiết kiệm không gian và tiền bạc.

kinh nghiem giup con 15 thang tu choi an dem va ngu thang giac cua me 8x
Quấn tã giúp con ngủ ngon giấc hơn. (Ảnh NVCC)
kinh nghiem giup con 15 thang tu choi an dem va ngu thang giac cua me 8x
Bé được quấn và nằm trong cũi. (Ảnh NVCC)

– Theo bạn, cần chú ý gì về nhiệt độ, không gian phòng, nội thất… giúp con ngủ ngon hơn?

– Các bố mẹ có biết môi trường ngủ của bé sơ sinh tập tự ngủ vô cùng quan trọng. Con tự ngủ, ngủ sâu giấc được hay không, ngoài nếp sinh hoạt EASY thì phần trăm thành công cũng nằm một phần ở môi trường ngủ này. Có thể kể ra dưới đây để các mẹ chuẩn bị:

+ Cũi: con cần có một cái cũi – không gian nhỏ của cũi sẽ tạo sự an toàn cho các bé (kèm quây cũi nhé). Giống như người lớn lạ nhà là ngủ không yên.

+ Nhiệt độ phòng: nóng quá các con cũng khó ngủ, lạnh quá thì dễ nhiễm lạnh. Nhiệt độ hợp lý thì tuỳ từng bé. Mẹ có thể check bằng cách dùng nhiệt ẩm kế đặt cạnh cũi cũi, bật điều hoà và check phần dưới gáy con, hơi mát hoặc âm ấm không đổ mồ hôi là được. Cu Măng lúc trên dưới 1 tuổi thì nhiệt ẩm kế đặt trong cũi chỉ mức khoảng 25 độ là con ngủ ngon nhất, tăng thêm nửa độ là thấy con nóng rồi. Mẹ có thể mặc body dài tay dài chân cho con, k cần đeo tất. Với các bé nhỏ còn cuốn thì cần giảm nhiệt độ sâu hơn nữa. Mía chịu mức nhiệt độ 22-24 độ.

+ Rèm: lúc con ngủ sẽ kéo rèm tối, con thức thì ánh sáng tràn ngập để con phân biệt rõ tối là thời gian ngủ và con sẽ dễ chấp nhận việc tự ngủ hơn.

+ Tiếng ồn trắng: một âm thanh rì rì đều đều giống âm thanh khi con nằm trong bụng mẹ. Trong bụng mẹ, âm thanh đi qua nước ối đến tai con và âm thanh con nghe thấy giống như tiếng máy sấy tóc, máy hút bụi, tiếng quạt quay. Thêm nữa, tiếng ồn trắng làm giảm bớt tiếng động bên ngoài. Đấy là lý do 2 đứa nhà mình ngủ sớm nhưng bố mẹ vẫn xem ti vi và bật nhạc bình thường.

Mẹ hơi tốn thời gian và ngẫm nghĩ xem nên thế nào để con được ngủ ngon và nhiều mẹ sẽ thấy thật là cách rách nhưng khi con tự ngủ và ngủ giấc dài, thì mẹ sẽ có nhiều thời gian làm việc và chăm sóc gia đình thay vì ôm con ngủ cả ngày.

Nhiều mẹ đang ru con ngủ sẽ bảo mình thích ôm con ngủ, đấy là lựa chọn của các mẹ. Mình không ru con ngủ, không ôm con ngủ, nhưng lúc con thức mình nói chuyện cùng con, đọc truyện Ehon cho con nghe (và con rất thích). Con không bị gắt ngủ và vào giấc rất nhanh (dưới 5 phút kể từ lúc đặt vào cũi) – khi đó là thời gian của mình – dọn nhà đọc sách hay làm những việc mình thích.

kinh nghiem giup con 15 thang tu choi an dem va ngu thang giac cua me 8x
Ngủ riêng và ngủ xuyên đêm giúp con ngoan và tự lập hơn. (Ảnh NVCC)

– Những ngày con ốm, mệt, quấy… muốn được mẹ ôm ấp khi ngủ thì bạn làm thế nào?

– Chắc chắn rồi! Mọi em bé xứng đáng được như vậy ngay cả khi bé hoàn toàn khoẻ mạnh bạn ạ. Việc ôm ấp, vỗ về, lắng nghe mẹ hát trước khi ngủ là điều mọi đứa trẻ đều mong muốn. Chỉ khác là các bố mẹ đôi khi đã đáp ứng quá nhu cầu của con mà thôi. Với thể trạng khoẻ mạnh, tâm lý vui vẻ con hoàn toàn có thể tự ngủ không cần mẹ ôm ngủ 24/24. Còn nếu con ốm nghĩa là con cần mẹ nhiều hơn. Sau khi khỏi ốm mẹ giữ nếp cũ và con sẽ lại về nếp sinh hoạt như bình thường nhanh thôi.

Với mình chăm con theo phương pháp nào không quan trọng bằng việc mẹ và con cùng cảm thấy thoải mái. Nếu phương pháp bố mẹ đang làm tốt cho con rồi, con ăn tốt ngủ đủ và vui vẻ hoạt bát vậy là bố mẹ thành công rồi.

Mọi lo lắng mệt mỏi tan biến hết khi mình ngồi vào chiếc ghế quen thuộc trong phòng con và đọc những câu chuyện về chú chuột Típ, cùng tắt điện rồi hát con nghe những bài hát tự biên tự diễn. Con sẽ đòi mẹ đắp chăn và thơm má. Cuối cùng sẽ là “Chúc mẹ ngủ ngon! Bye bye mẹ ạ!” Bước ra khỏi phòng khi đồng hồ chỉ 8h và từ đây là thời gian chỉ dành riêng cho bản thân mình.

– Cảm ơn chị về những chia sẻ vô cùng hữu ích, chúc gia đình chị luôn hạnh phúc.

 Theo VietNammoi

Leave a Reply

Or