‘Khóc ròng’ với núi bát đĩa sau ngày cưới: Nàng dâu ám ảnh khóc không ra hơi

Dọn dẹp sau ngày cưới, lễ tết, cỗ bàn… đối với các nàng dâu dường như là cuộc chiến “không cân sức” khiến họ luôn thở dài ngao ngán khi nghĩ đến, bởi tình cảnh thường thấy là một bên cả núi nồi niêu bát bẩn, còn một bên chỉ có… mỗi mình cô dâu với chậu nước và giẻ rửa bát trong tay.

Nếu làm một cuộc khảo sát quy mô lớn trong cộng đồng chị em đã “chống lầy”, với câu hỏi duy nhất: “Điều sợ hãi nhất khi trở thành dâu mới là gì?”. Chắc chắn câu trả lời sẽ có vô vàn điều thú vị, từ những cái quen thuộc đến cái lạ lùng: sợ đi chào hỏi họ hàng, sợ dậy muộn sáng ngày đầu tiên, sợ chị gái/ em chồng… Và một trong những cái sợ nhất nữa, đó là… rửa bát. Không phải là vài chiếc bát đũa trong bữa cơm hàng ngày đâu, mà phải tính bằng “núi”, khi nhà có cỗ bàn lễ tết. Với nhiều cô dâu trẻ, nó là cơn ác mộng dở khóc dở cười ngay trong ngày cưới, vừa lột váy áo ra còn chưa kịp gỡ tóc tai trang điểm, đã phải đối diện với… một bãi chiến trường:

p1

Đống bát đũa bẩn kéo dài hàng ki lô mét chờ nàng dâu mới ngồi rửa khiến chị em khóc thét.

Theo thông tin ngoài lề thì đây mới chỉ là… ¼ số bát đĩa thực tế mà cô dâu đen đủi nào đó phải dọn dẹp sau đám cưới tại nhà. Như vậy, ước tính số lượng mâm chắc không dưới 50. Chỉ sau 20 phút đăng tải trên diễn đàn có gần 200.000 thành viên, bức ảnh siêu chân thực này đã nhận được sự đồng cảm khủng khiếp từ phía chị em, với hơn 2.000 lượt like và vẫn đang tiếp tục tăng không có dấu hiệu ngừng lại.

Hầu hết chị em đều có cái nhìn khá hóm hỉnh khi nói về chuyện rửa bát, bởi gần như 100% ai cũng phải động vào ít nhất một lần khi về nhà chồng, kể cả chưa bao giờ phải sờ tay cũng phải “thể hiện” trách nhiệm một tí. Những thiếu nữ chưa chồng nhìn thấy viễn cảnh này đều giật mình sợ hãi: “Rửa xong đống này chắc đi cấp cứu là kịp”, “Phát hoảng”, “Sợ quá, phải em chắc khóc tiếng Mán”… Kéo theo đó là nghìn lẻ một bí kíp thoát nạn vừa buồn cười vừa bá đạo mà các nàng dâu mới chia sẻ lại cho đàn em: “Xếp hết vào sọt đem ra bờ sông xóc”, “Nếu có một điều ước thì em nguyện đập hết đống này trong vòng 1 tích tắc”…

Cô nàng tên Mít đầu hàng ngay từ giây phút đầu tiên: “Em xin hát bài Xa nhau từ đây trước mặt quan khách hai họ ạ!”. Giải pháp cực dễ thương này đã khiến 500 chị em thi nhau cười nghiêng ngả. Còn cả đống kế sách khác được chị em nghĩ ra, như thuê người dọn dẹp với giá chỉ 100 – 200 ngàn, tâm sự thẳng thắn với gia đình nhà chồng để mọi người giúp đỡ, hay đơn giản hơn là… lên giường ngủ thẳng cẳng, phó mặc sự đời. Đám cưới xong cũng đủ mệt mỏi rồi, lấy đâu ra sức mà vật lộn với cả nghìn cái bát đũa nữa, làm dâu thì cũng là người, không thể vắt kiệt sức lực để hài lòng sự soi mói của tất cả mọi người được.

p2

Chị em bàn tán rôm rả, chia sẻ hàng đống kỉ niệm quanh chuyện rửa bát khi về làm dâu.

Nghiêm túc hơn là các bà vợ đã từng có kinh nghiệm làm dâu đầy mình, họ chia sẻ đủ chuyện trên trời dưới bể liên quan đến từ khóa “rửa bát”, góp vui cho chị em bàn tán thêm sôi nổi. Thì ra, đống bát hãi hùng như quân Nguyên kia vẫn chưa thấm vào đâu so với nhiều người, bởi các nàng dâu mới vĩ đại từng phải xử lý số lượng nồi niêu bát đũa bẩn còn kinh khủng hơn gấp nhiều lần. Nhất là ở các vùng quê, chuyện ngồi bờ ao hay bờ giếng với hàng chục mâm bát xung quanh vốn là chuyện quá bình thường.

Thủy Thủy Tiên tâm sự: “Lần đầu về nhà chồng, mình tớ 5 mâm bát, chồng cũng phụ giúp mà còn mệt muốn chết. Đây cả núi thế này chắc tớ ngất luôn”.

Không may mắn như Thủy Tiên, một bà mẹ trẻ khác ngán ngẩm kể lại: “Ngày cưới về, vừa trút váy cô dâu là mình ngồi sụp xuống cạnh 60 mâm cỗ, cộng thêm nồi niêu nấu nướng từ hôm trước, chồng thương vợ quá cũng nhảy vào giúp, nhưng 2 vợ chồng loay hoay đến tận 12h đêm vẫn chưa xong. Chẳng bao giờ quên được cảm giác mệt mỏi tủi thân lúc ấy”. Đọc xong ai cũng ngậm ngùi đồng cảm, bởi phận làm dâu thấu hiểu cảnh ngộ đó vô cùng.

Bên cạnh những câu chuyện buồn thì chị em cảm thấy được an ủi khi có không ít nàng dâu hiện đại đã thoát khỏi cảnh bị hành hạ bằng đống mâm bát. Dù ở phố hay ở quê, bây giờ nhiều gia đình cũng tiến bộ khi tổ chức cưới xin, bỏ tiền thuê dịch vụ từ A – Z, 2 bên họ hàng đều vui vẻ khỏe mạnh, cô dâu chú rể vui duyên mới không lo… xắn váy đi múc nước cọ mâm. Như bạn Ngọc Hoan kể: “Mình cưới xong bố mẹ chồng bảo chồng chở vợ đi gội đầu mát xa cho đỡ mệt mỏi, bát chén họ hàng chia nhau xử lý giúp”. Thành viên Huệ Ngọc thì tỏ ra lạc quan hơn, vì cô vẫn phải rửa bát nhưng được cái bên họ chồng tâm lý: “Nhà mình cưới xin gần 200 mâm, nhưng 5 người chia nhau rửa, dọn đến đâu bê ra đến đấy, vừa làm vừa trò chuyện vui vẻ mà”.

p3

“Cơn ác mộng” với các cô gái trẻ khi nghĩ đến cảnh lấy chồng.

Trong mắt nhiều bạn gái, thì có vẻ như rửa bát đũa đã trở thành vấn nạn chung ám ảnh họ khi nghĩ đến chuyện ra mắt nhà bạn trai/ chồng chưa cưới. Việc xắn tay nhảy vào rửa bát, bất chấp nắng mưa hay nhà có bao nhiêu người từ lâu đã trở thành quy tắc ngầm, đánh giá ý thức và sự đảm đang của người phụ nữ. Rất nhiều chị em bức xúc cho rằng, thời buổi này chẳng ai lấy cớ tề gia nội trợ để đặt một cô gái lên bàn cân trước khi rước về làm dâu mới nữa, song thực tế đó là nếp nghĩ ăn sâu vào cuộc sống người Việt Nam ta, rất khó bỏ. May mắn cho ai được gả về nhà chồng tốt, còn được mọi người chung tay giúp đỡ nấu ăn dọn dẹp, chứ lỡ gả vào nhà neo người, lại còn định kiến cổ hủ rằng phận con dâu phải một mình làm hết mọi việc, thì vất vả cũng chẳng biết kêu ai.

Cách đây không lâu, cư dân mạng đã từng xôn xao với cô dâu trẻ mặc nguyên đồ cưới ngồi rửa bát trong ngày vu quy, chiếm được cảm tình của đông đảo chị em. Nó không hẳn là cực hình đâu, dường như cảnh cô dâu ngồi chăm chú vào chậu nước với xà phòng bát đũa xung quanh trông chân thật và đẹp đẽ hơn rất nhiều.

p4

Cô dâu xinh đẹp nổi tiếng khắp mạng xã hội vì hình ảnh khéo léo đảm đang ngồi rửa bát trong bộ áo dài cưới.

“Mình buồn thì tim mình đau, mình buồn thì ai thấu đâu”, biết rằng phận làm dâu thiệt thòi nhiều, nhưng cũng đừng than thở quá chị em ạ. Không phải ai cũng quá đáng đến mức để mặc con dâu ngồi lủi thủi một mình lọt giữa đống bát đũa cao bằng tòa nhà 2 tầng. Ít ra, từ đầu đến cuối, giữa hàng trăm câu chuyện bên lề khác nhau vẫn thấy có nhiều nàng dâu được chồng và chị em bên chồng sẵn sàng phụ giúp dọn dẹp, thế là tốt rồi.

Nhiều chị em cũng đồng tình rằng, trong họ hàng có người lớn tuổi, đông trẻ con thì không thể bắt họ ở lại rửa bát cùng mình, rồi lắm lúc nhà bận người thiếu, chẳng nhờ vả được ai thì cố gắng chịu mệt cho xong. Làm gì có nhà ai cỗ bàn quanh năm, nếu thực sự lấy phải nhà chồng vô tâm thì mới suy nghĩ đến chuyện từ bỏ, chứ dọn dẹp nội trợ cũng không đến nỗi đáng sợ như đi đánh giặc. Chỉ là, giá như bên cạnh nàng dâu cô đơn lạ lẫm trong ngày đầu tiên làm vợ, có bóng hình người chồng mà các cô đã nguyện trao thân gửi phận cùng tay giẻ tay bát “chiến đấu”, thì núi bát đũa có nhiều thế, chứ nhiều nữa cũng chẳng hề gì.

Theo myeva

Leave a Reply

Or