Đối phó với những ngày bé khó ngủ

Ngay cả những bé dễ ngủ nhất cũng sẽ có đôi lúc gặp khó khăn để đi vào giấc ngủ. Dưới đây là những cách để xử lý các vấn đề giấc ngủ thường gặp ở trẻ sơ sinh.

Sau khi qua khỏi giai đoạn sơ sinh (khoảng hai tháng sau sinh), nhiều bé đã có được một “lịch trình” giấc ngủ khá ổn định. Tuy vậy, ngay cả những bé được mệnh danh là “máy ngủ” vẫn có thể sẽ gặp một chút vấn đề làm bé khó vào giấc, đặc biệt là khi bé sắp mọc răng, thay đổi một thói quen hoặc vừa trải nghiệm một cột mốc quan trọng (biết bò hay biết đứng chẳng hạn). Biết cách đối phó với những vấn đề giấc ngủ phổ biến của bé sẽ giúp mẹ xoa dịu những tình huống khó khăn và giúp hai mẹ con cảm thấy thoải mái hơn.

Sau đây là những vấn đề giấc ngủ phổ biến ở trẻ và các giải pháp giúp bé hết bồn chồn để ngủ ngon trở lại.

Đối phó với những ngày bé khó ngủ 1

Bé đang trở thành “cú đêm”

Vào khoảng tháng thứ 2 – tháng thứ 3, bé thường làm bất cứ điều gì để không phải đi ngủ. Với bé lúc này, việc ngủ thật lãng phí khi có rất nhiều đồ chơi mới lạ xung quanh để khám phá, rất nhiều người xung quanh để quan sát. Nhưng việc đi ngủ là bắt buộc và mẹ cần hình thành một thói quen trước giờ đi ngủ cho bé. Đó có thể là một trình tự đi tắm – đọc truyện – âu yếm. Cuối trình tự này, mẹ nói chúc ngủ ngon báo hiệu đến giờ đi ngủ. Bé có thể sẽ mè nheo, khóc lóc hay giận hờn, nhưng mẹ cần thật sự nghiêm túc khi nói “chúc ngủ ngon”, có như vậy bé mới hình thành được thói quen. Nếu bé sợ ngủ một mình, mẹ có thể quay trở lại để đảm bảo với bé mọi thứ đều ổn nhưng hãy chỉ quay trở lại khi cần thiết và ở lại với bé một khoảng thời gian vừa phải. Như vậy, kế hoạch tạo thói quen đi ngủ của bé mới có thể hoàn thành được.

Một sự kiện nhỏ trong cuộc sống có thể phá hỏng giờ đi ngủ của bé

Không mất nhiều thời gian để mẹ tập cho bé thói quen đi ngủ đúng giờ. Tuy nhiên, bị cảm hay bị viêm họng cũng có thể phá hỏng thói quen đi ngủ của bé. Thay đổi về tình cảm như mẹ đi làm trở lại hoặc chuyển qua ông bà chăm sóc cũng là yếu tố ảnh hưởng tới giấc ngủ. Đặc biệt, khi bé đạt được những cột mốc quan trọng như biết bò, biết đi cũng khiến bé chẳng muốn đi ngủ tẹo nào. Ai lại muốn nằm xuống ngủ trong khi có cả thế giới để khám phá chứ? Vào những lúc thế này, mẹ cần dễ tính với bé một chút, nới lỏng thời gian biểu đi ngủ của bé. Hãy tìm cách an ủi, vỗ về, làm bé dễ chịu hơn. Khi mẹ thấy bé đã quen dần với thay đổi mới, hãy nhanh chóng lập lại thói quen đi ngủ đúng giờ càng sớm càng tốt.

Đối phó với những ngày bé khó ngủ 2

Răng mọc làm bé đau không ngủ được

Thật khó khăn nếu cứ để bé khóc khi biết bé thật sự đang bị đau. Nếu bạn đang tập cho con có thói quen ngủ một mình trong phòng, việc bạn liên tục xuất hiện khibé khóc sẽ phá hỏng kế hoạch của bạn. Tuy vậy, đừng bỏ qua khi bé cần bạn. Hãy đến bên bé, vỗ về, hát ru nhưng cố gắng đừng bế bé lên. Bé sẽ tập quen dần với cảm giác khó chịu khi răng mọc nhưng vẫn biết mẹ sẽ luôn có mặt khi bé cần. Trong trường hợp nướu răng đau làm bé thức giấc nhiều đêm liền, hãy đến gặp bác sĩ để có thuốc bôi hoặc thuốc uống giảm đau trước khi bé đi ngủ.

Giờ đi ngủ của bé đang thay đổi

Khi bé lớn dần lên, bé sẽ ngủ ít đi. Đến khoảng 1 tuổi, bé chỉ sẽ đi ngủ 1 lần vào ban ngày. Trong trường hợp bé vẫn chơi tốt và ngủ ngon vào buổi tối, mẹ không cần phải thay đổi gì cả. Nhưng nếu bé ngủ trưa ít hoặc khó ngủ vào buổi tối, có thể là do bé đã quá mệt và đang cần thêm những giấc ngủ ngắn trong ngày. Hãy thử một thói quen trước mỗi lần bé đi ngủ (dù là giấc ngủ ngắn) như âm nhạc, mát-xa, hay nghe kể truyện. Và hãy kiên nhẫn! Có thể sẽ mất một khoảng thời gian để bé làm quen, nhưng dần dần bé sẽ ngủ đúng giờ hơn.

Đối phó với những ngày bé khó ngủ 3

Bé dậy rất sớm

Làm gì nếu con bạn dậy sớm hơn mong đợi? Hãy thử một số cách để kéo dài giấc ngủ của bé.

1. Giữ cho phòng tối: dùng rèm cửa hay sơn phòng tối để giữ cho bé không bị tỉnh giấc bởi ánh sáng mặt trời chiếu vào.

2. Giữ im lặng: Đóng cửa sổ phòng để các tiếng ồn bên ngoài không ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé. Mẹ cũng có thể đặt quạt, máy sấy tóc hoặc những máy tạo tiếng động nhỏ, đều trong phòng bé. Các âm thanh nhỏ lặp đi lặp lại đều đặn có thể giúp bé không bị ảnh hưởng với những âm thanh bất ngờ khác.

3. Cho bé ngủ trưa ít hơn. Hãy giảm bớt giờ ngủ trưa của bé từng chút một. Đừng vội vã cắt giảm thời gian ngủ trưa của bé. Vì nếu mẹ thấy bé có vẻ mệt mỏi, chơi ít đi, có khả năng bé đang bị thiếu ngủ. Hãy cho bé ngủ trưa lại nhiều hơn một chút.

Giấc ngủ rất quan trọng, đặc biệt là với các bé. Trong giấc ngủ, cơ thể bé tiết ra những nội tiết giúp bé phát triển. Vì vậy, đảm bảo cho bé có được giấc ngủ ngon, đầy đủ là vấn đề các bà mẹ cần quan tâm hàng đầu.

 

 

 

theo: afamily

Leave a Reply

Or