Dinh dưỡng cho bé 7 tháng tuổi: Mẹ chớ quên hải sản!

Giàu canxi và các loại khoáng chất, hải sản là thực phẩm không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng cho bé khỏe mạnh. Tuy nhiên, rất nhiều mẹ e dè chưa dám cho bé ăn, bởi lo lắng con có thể bị dị ứng

Hải sản bao gồm cá, tôm, cua, mực… từ lâu đã được xếp vào nhóm thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng cao, nhất là với trẻ em. Chính vì vậy, dù giá trị dinh dưỡng hải sản mang lại cao nhưng nhiều mẹ vẫn lo sợ không dám cho bé ăn hải sản. Thực tế, theo các chuyên gia, cơ địa dị ứng không phụ thuộc vào việc trẻ tiếp xúc với dị nguyên gây dị ứng sớm hay muộn vài tháng. Nếu gia đình có tiền sử dị ứng thực phẩm nào đó, mẹ có thể cho bé thử loại thực phẩm đó muộn hơn, khi bé đã lớn và hệ tiêu hóa, miễn dịch cứng cáp hơn. Như vậy, ảnh hưởng của dị ứng đối với trẻ sẽ giảm bớt.

Dinh dưỡng cho bé 7 tháng tuổi

Bé có bị dị ứng hải sản hay không tùy thuộc vào cơ địa, không phụ thuộc vào thời điểm mẹ giới thiệu món ăn cho bé

Với những gia đình không có tiền sử dị ứng, các chuyên gia khuyến cáo mẹ nên thêm hải sản vào thực đơn dinh dưỡng cho bé, ngay từ khi bé được 7 tháng tuổi. Tất nhiên, theo một “liều lượng” tiêu chuẩn.

– Bé từ 7-12 tháng tuổi có thể ăn khoảng 20 g cá, tôm mỗi bữa, và 3-4 lần/ tuần. Hệ tiêu hóa của trẻ lúc này còn khá non nớt, mẹ nên chú ý loại bỏ xương cá, vỏ tôm và nghiền nhuyễn cho bé.

– Bé từ 1-3 tuổi có thể ăn 30-40 g hải sản mỗi bữa.

– Từ 4 tuổi trở lên, mỗi bữa bé có thể ăn 50-60 g hải sản. Lúc này, nhóc con đã có thể “chén” vỏ tôm ngon lành luôn mẹ nhé!

Dinh dưỡng cho bé 7 tháng tuổi: Chọn lựa hải sản đúng cách

Bên cạnh những giá trị dinh dưỡng như giàu canxi, chất béo, các nguyên tố vi lượng, hải sản cũng chứa một lượng thủy ngân nhất định. Tiêu thụ quá nhiều thủy ngân có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh, nhất là đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Chính vì vậy, khi cho bé ăn hải sản, mẹ phải hết sức cẩn thận. Không phải tất cả các loại hải sản đều tốt cho sức khỏe bé.

– Các loại tôm, cá nhỏ có hàm lượng thủy ngân thấp, sẽ không ảnh hưởng nếu dùng liều lượng hợp lý. Trong các loại cá, hàm lượng thủy ngân trong cá hồi thấp nhất. Hơn nữa, cá hồi còn chứa nhiều omega-3, rất tốt cho sự phát triển trí não của trẻ.

– Thực đơn dinh dưỡng cho bé nên hạn chế các loại cá lớn, sống lâu, bởi hàm lượng thủy ngân trong các loại cá này khá cao. Chẳng hạn: cá thu lớn, cá ngừ đại dương, cá mập, cá kiếm, cá kình, cua hoàng đế…

Lưu ý khi cho bé ăn hải sản

– Lần đầu cho bé ăn hải sản, mẹ chỉ nên cho bé ăn từng chút nhỏ. Quan sát biểu hiện của bé khi ăn, nếu có gì bất thường, ngừng lại và đưa bé đến bệnh viện ngay.

– Giá trị dinh dưỡng hải sản mang lại sẽ giảm đi đáng kể nếu mẹ cho bé ăn trái cây ngay sau khi ăn hải sản. Thậm chí, bé có thể bị kích thích tiêu hóa, dẫn đến nôn mửa, khó tiêu, đau bụng. Tốt nhất, nên ăn trái cây trước hoặc sau khi ăn 1-2 tiếng.

– Trẻ từ 7 tháng tuổi có thể ăn các loại cá, tôm nhỏ đã được bỏ vỏ, xương và nghiền nhuyễn. Với những loại hải sản khác như nghêu, hến…, mẹ nên đợi đến khi bé 1 tuổi.

– Chọn mua hải sản hay bất kỳ thực phẩm nào cho bé, mẹ cũng nên chú ý đến độ tươi, ngon, nguồn gốc rõ ràng.

 Theo MarryBaby

Leave a Reply

Or