Điều gì làm nên đứa trẻ có khả năng tập trung tuyệt vời?

Các mẹ có thể rèn khả năng tập trung cho con ngay từ khi còn nhỏ chỉ bằng những trò chơi cực đơn giản.

Bé Bông vừa ngồi bàn học chưa được bao lâu cả nhà đã nghe thấy tiếng chị Hằng quát: “Bông, con để ý đi đâu thế hả? Con cứ thế này thì bao giờ mới học bài xong để đi ngủ?”.

Kể từ khi bé Bông đi học lớp 1 đã gần một tháng nay, đây là cảnh quen thuộc “cứ đến giờ là diễn” ở nhà chị Hằng (Thanh Xuân Trung, Hà Nội). Cứ ngồi vào bàn học là chỉ một lúc sau là y như rằng bé lại sao nhãng sang việc khác, lúc thì nghịch hộp bút, lúc lại quay sang hỏi chuyện mẹ (mai ăn món gì? bao giờ sinh nhật con? …), có lần chị Hằng còn thấy con gái vừa tập viết vừa ngắm… một chú kiến bò quanh mặt bàn. Chị biết không phải tại con không thích học mà chung quy cũng chỉ vì bé Bông thiếu tập trung thôi.

Cùng cảnh ngộ với chị Hằng, chị Liên (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng kêu trời vì con trai chị dù đã lên lớp 2 và luôn có mẹ “giám sát” bên cạnh nhưng không ngồi yên được quá 10 phút trên bàn học. Dù đã bố trí phòng học riêng yên tĩnh, không tivi, không ai làm phiền nhưng cu cậu cũng rất khó tập trung làm bài tập được vì “con mỏi người lắm”, “con viết nhiều mỏi tay quá”, “con khát nước”, “con muốn đi vệ sinh”.

Còn chị Mai (Tây Hồ, Hà Nội) dở khóc dở cười vì mới đây cô giáo chủ nhiệm của bé Bon, con trai chị, gọi điện thoại phản ánh dạo này bé Bon không chú ý nghe giảng và thường xuyên nhìn ra ngoài cửa sổ hoặc làm việc riêng, lúc hướng dẫn làm bài tập thì bé luôn để ý các bạn xung quanh mà không chú tâm vào bài của mình. Vì vậy mà tuy bé tiếp thu nhanh nhưng kết quả học tập lại không bằng các bạn cùng lớp.

Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hà, trẻ nhỏ thường chỉ có khả năng tập trung ngắn và đây là một điều bình thường, bởi não của trẻ đang trong quá trình phát triển, hơn nữa trẻ nhỏ thường hiếu động, nghịch ngợm và bị chi phối bởi nhiều yếu tố từ môi trường xung quanh. Cha mẹ không nên quá lo lắng và tức giận khi con không tập trung vào học tập cũng như không đưa ra lý do bào chữa cho sự thiếu tập trung của mình.

Chuyên gia tâm lý Hồng Hà cũng cho biết, để hạn chế được tình trạng này có rất nhiều cách và có thể thực hiện ngay từ độ tuổi sơ sinh. Trước hết cần bổ sung cho trẻ các dưỡng chất có lợi sự phát triển của não bộ, gồm choline, protein, sắt, kẽm, iod, acid Siallic, taurine, vitamin nhóm B… Tiếp đó, tập cho trẻ chơi các trò chơi rèn luyện sự tập trung theo độ tuổi như: nặn bột, vẽ hình, các bài tập vận động chậm…

Điều gì làm nên đứa trẻ có khả năng tập trung tuyệt vời? 1

Gợi ý một số trò chơi rèn luyện sự tập trung theo độ tuổi

0 – 3 tháng: Ai là ai

Trò chơi này nên tiến hành khi trẻ đã được ăn no, ngủ đủ giấc, tinh thần sảng khoái. Trước hết, mẹ bé nên mỉm cười và dịu dàng lặp lại nhiều lần những câu đơn giản với trẻ, như: “Con gái, chào con. Mẹ là mẹ yêu của con đây” hoặc chỉ vào bố của bé: “Đây là bố của con”, “Con nhìn này, bố của con trông đẹp trai nhỉ!”…

Lợi ích của trò chơi này không chỉ dừng lại ở việc kích thích ngôn ngữ, thúc đẩy sự phát triển trí tuệ, rèn luyện khả năng tập trung mà còn rất tốt cho quá trình phát triển cảm xúc của trẻ.

3 – 6 tháng: Ú òa

Mẹ cho trẻ ngồi trong lòng, còn bố dùng hai bàn tay hoặc khăn che mặt (cũng có thể nấp ở chỗ gần trẻ) rồi kêu “meo, meo” hoặc gọi tên trẻ để thu hút sự chú ý. Khi trẻ nhìn về phía bố – nơi phát ra âm thanh một cách chăm chú để “tìm hiểu” xem “cái gì” vừa kêu thì bố bất ngờ ló mặt và “òa” trẻ.

Trong trò chơi này, sự hiếu kỳ khiến trẻ chăm chú lắng nghe âm thanh và tìm ra “nguồn phát” chính là lúc bé tập trung tinh thần để tư duy.

6 – 12 tháng: Chơi đùa với gương

Mẹ bế trẻ đứng trước gương và làm động tác chu môi như chuẩn bị thơm bé. Mẹ bảo trẻ chỉ vào “mẹ” ở trong gương, nếu chỉ đúng cần cổ vũ kịp thời. Sau đó mẹ bảo trẻ cũng chu môi xem “em bé” ở trong gương có làm như thế không rồi bảo trẻ chỉ vào mình ở trong gương.

Trò chơi này thông qua sự tập trung khi nhìn vào trong gương giúp trẻ có nhận thức sự tồn tại của bản thân.

12 – 36 tháng: Nghe âm thanh đoán nhạc cụ

Cho trẻ nhìn, nghe âm thanh và tập chơi vài loại nhạc cụ (đồ chơi) nhỏ như kèn, trống, sáo… trong một thời gian cho trẻ quen. Sau đó, bịt mắt của trẻ rồi cho trẻ nghe âm thanh của một trong những nhạc cụ đó để trẻ đoán xem là nhạc cụ nào. Nếu trẻ chưa phát âm được tên nhạc cụ, có thể đưa trẻ xem và chỉ vào nhạc cụ.

Trò chơi này xuất phát từ quan niệm hầu hểt trẻ em đều rất nhạy cảm với âm nhạc, từ đó đòi hỏi trẻ phải tập trung nhất định để phán đoán chính xác.

 

theo: afamily

10 thoughts on “Điều gì làm nên đứa trẻ có khả năng tập trung tuyệt vời?

Leave a Reply

Or