Cơn khát con trai

Chị tôi mang thai. Ngày nào đưa chị từ tầng giữ xe lên căn hộ, tôi cũng nghe những người phụ nữ đi cùng thang máy trầm trồ: “Bầu gọn quá hén, gái hay trai?”. Rồi họ lại đổi giọng cảm thông: “Ừ thôi cố gắng lần sau!” khi chị tôi nhã nhặn: “Dạ, gái”. Câu hỏi và lời động viên lặp lại mỗi ngày ở những người phụ nữ khác nhau chính là cách người ta “xã giao” với một bà bầu, trong cái chung cư cao cấp toàn người trẻ, ở thế kỷ XXI.

Bạn tôi, 25 tuổi, ngày sắp lấy chồng đã lên facebook mà than phiền: “Càng gần ngày thành hôn, càng thấy sợ. Lỡ sinh đến đứa thứ ba, thứ tư, vẫn là con gái… thì ăn nói thế nào với người ta?”. Tôi hơi giận, đúng hơn là bất bình. Sao được học hành đàng hoàng ở thời buổi này, bạn tôi vẫn chưa thoát khỏi những nỗi ám ảnh ấy? Có một vài người bạn vào còm, kiểu: “Thời nào rồi mà khủng hoảng vụ ấy?”. Cô bạn trả lời: “Tao cũng từng nghĩ như tụi mày, nhưng có chồng rồi mới hiểu”.

Rồi chừng như chưa đủ thuyết phục, bạn giải thích thêm, nào chồng sắp cưới là con trai một, nào ba chồng cũng là độc đinh, mẹ chồng cũng đã phải sinh đến tám người con để được một thằng trai út, là chồng bạn bây giờ – “hỏi, tao có quyền không sinh cho bà một thằng cháu trai không?”. Cái nỗi lòng “có chồng rồi mới hiểu” nọ, đám tôi khi ấy vẫn còn độc thân, biết gì mà nói?

Rồi một người đàn bà nữa, là bác Hai tôi. Về làm dâu 30 năm trời, có lẽ, điều duy nhất bác Hai không chiều ý nội, là kiên quyết không sinh thêm sau khi đã có hai cô con gái. Là nàng dâu học cao nhất nhà, suốt ngày tất bật kiếm tiền, bác tôi vẫn một tay quán xuyến mọi việc, từ nội trợ, giỗ quảy, đến chăm nom ông bà những lúc ốm đau. Nhà có bốn người con trai, ba tôi cùng hai chú út đều sinh từ một đến vài thằng cu. Chẳng thể lấy lý do không có cháu trai nối dõi, bà nội vẫn suốt ngày dỗ dành bác Hai “sinh cho má cái thằng”.

Những lúc bác Hai dỗi hờn, thẳng thắn nhắc lại lời từ chối dễ đã nói cả ngàn lần; nội lại cầm tay con dâu, vuốt vuốt: “Bây giỏi vầy mà không sinh cho má một thằng, uổng quá!”. Rồi nội cũng hết trông mong khi bác tôi qua tuổi sinh con, hai chị họ thì lớn phổng phao, xinh đẹp, giỏi giang nhất nhà. Thi thoảng được mát lòng mát dạ vì một thành tích nào đó của hai cô cháu đầu, bà lại vui miệng mắng yêu: “Hèn gì mà mẹ bây chẳng thèm sinh lấy cho bà một thằng cu”. Sự tiếc rẻ ấy của nội không chỉ làm bác Hai nghĩ ngợi, mà còn khiến má tôi lặng lẽ tủi hờn: “Cháu trai đầy nhà, má còn muốn gì nữa?”.


Dẫu sao thì bác Hai cũng là niềm tự hào của cả nhà tôi, kể cả má. Má gạt đi những cái tặc lưỡi mà thiên hạ tiếc rẻ cho một người “sống phước đức quá chừng mà lại không có quý tử”. Má cũng hờn trách bà nội vì tạo áp lực “chẳng đâu vào đâu” lên vai một người phụ nữ đã quá vất vả là chị dâu mình. Má luôn đem hai chị họ ra làm gương cho tất cả chúng tôi, bất kể nam nữ.

Thế mà, mới đây, trong cuộc họp gia đình bàn việc đóng góp xây dựng nghĩa trang gia tộc, má lại “mạnh dạn” đề nghị miễn đóng góp cho vợ chồng bác Hai, vì bác… không có con trai. Rồi sự tiến bộ, văn minh trong gia đình tôi vỡ òa khi bác trai ngoại tình, nghe đâu để kiếm thằng con trai an ủi tuổi già. Bác gái bàng hoàng, khóc rấm rứt trong tay má tôi, rằng: “30 năm trời chị cúc cung phục vụ trong cái nhà này, không đánh đổi được cái ham muốn cổ hủ, oan nghiệt kia sao?”.

Áp lực sinh con trai để nối dõi tông đường, để vẻ vang dòng họ, để đẹp mặt chồng là một thực tế gần như hiển nhiên ở những vùng nông thôn, với phần đông những người phụ nữ lao khổ, suốt đời cúi đầu cam chịu. Ở thế giới của chúng ta – những người phụ nữ hiện đại, tự chủ – khi đàn ông chẳng còn sống chết muốn đẹp mặt bằng việc sinh một đứa con trai, khi ta tự giải thiêng cả việc nối dõi tông đường, thì một đứa con trai vẫn còn lắm “giá trị”.

Giá trị này, trớ trêu thay lại do chính chúng ta tự vẽ ra, rồi tự vơ vào mình. Ví như bác tôi, một người phụ nữ tự chủ, thành đạt và thức thời tới mức kiên quyết không bước chân vào công cuộc kiếm tìm con trai của nhà chồng, lại dành cả đời để lặng lẽ bù đắp cho chính cái điều mà mình đã mạnh mẽ khước từ.

“Giá trị” nào đó của việc sinh được một đứa con trai đã khiến người không có nó suốt đời mang mặc cảm bất toàn, thiếu sót; còn người “may mắn” như má tôi thì lặng lẽ yên tâm, lặng lẽ tự hào, để rồi nảy sinh sự thất vọng, tủi hờn khi nhận ra với nội, con trai của má vẫn là chưa đủ. Rồi “giá trị” nào khiến người ta dựa vào giới tính để đánh giá “mức độ họ hàng” của một đứa trẻ với dòng tộc, như cái cách má tôi đã hồn nhiên đề nghị miễn phần đóng góp đối với một người không có con trai?

Và, “giá trị” nhất, là khi sự ra đời hồn nhiên của một bé trai, có thể khiến người mẹ tự cảm thấy mình có uy thế hơn đối với chồng, với tổ tiên, và với cả… xã hội. Như sự “hồi sinh” của chị Lụa xóm tôi, khi sinh được cho nhân tình (vốn đã có gia đình cùng hai cô con gái) một cậu con trai ở tuổi 40. Và lúc đứa con trai vừa lên ba, cuộc chung sống vá víu ấy bắt đầu chao đảo khi cha của đứa bé thường xuyên về thăm vợ cũ. Mỗi bận anh quay lại thăm con trai, cô vợ hờ lại lớn giọng: “Giỏi mà về kêu bả sinh cho một thằng!”. Riết rồi lời thách thức ấy trở thành vũ khí giữ chồng của người vợ không hôn thú.

con-trai

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chúng ta than rằng “chẳng ai muốn cả”, nhưng do gánh nặng từ họ tộc, áp lực từ gia đình, đòi hỏi từ chồng, từ cha… nên mới phải cố công săn tìm. Nhưng, chừng nào ta vẫn còn tự hào, thỏa mãn vì sinh được một đứa con trai, thì gánh nặng ấy không phải từ đâu khác, mà chính do chúng ta tự áp lên mình. Và từ đó, một khoảnh khắc gặp gỡ ngẫu nhiên, tình cờ giữa các cặp nhiễm sắc thể sau cuộc giao hoan trở thành một canh bạc có thể khiến những người đàn bà rã rời thanh xuân, thậm chí mòn mỏi cuộc đời.

Níu giữ hạnh phúc gia đình là lý do tưởng chừng quá chính đáng để người ta năm lần bảy lượt sa vào canh bạc này. Và thực tế, vì không có con trai, chẳng thiếu những người đàn ông bỏ bê công việc, bê tha rượu chè, cờ bạc, rồi lập phòng nhì, phòng ba để thử “vận may” với những người đàn bà khác. Nhưng, bi kịch ấy không nảy sinh từ việc bạn không có con trai, nó bắt nguồn ngay từ lúc bạn cưới nhầm một người đàn ông vô học, ích kỷ. Hạnh phúc không nằm ở những người đàn ông ấy, và nếu không thể khiến anh ta tỉnh ngộ, bạn không còn cách nào tốt hơn để cứu vãn cuộc hôn nhân này.

Thế mà, hãy vào các diễn đàn dành cho phái đẹp mà xem những người phụ nữ thời đại công nghệ làm gì với tư tưởng “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” xưa như trái đất ấy? Có hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ trong các topic về canh noãn sinh con trai, và không đếm xuể những câu chuyện, những trải nghiệm của những bà mẹ đã và đang bước vào cuộc chiến ấy – họ đang tận dụng khoa học, một ưu thế của thời đại để cổ xúy cho nỗi sợ hãi mà đôi khi chính họ cũng từng một lần phê phán.

Và, ngay khoảnh khắc này, biết bao nhiêu người đang lao tới những phòng khám được người quen giới thiệu, rồi ngoan ngoãn làm theo từng lời dặn của bác sĩ để “săn” con trai. Sự mất cân bằng giới tính không làm chúng ta tỉnh ngộ nhìn ra sự sai trái trong cả nhận thức, đạo đức lẫn trách nhiệm của một công dân đối với xã hội, hay của một người mẹ đối với thế hệ sau mình; mà chỉ khiến ta gật gù yên tâm rằng, nó “thành tựu”, minh chứng cho hiệu quả của những công cuộc canh noãn, và bao nhiêu phương pháp chọn lọc giới tính thai nhi từ dân gian đến khoa học khác. Thực chất, con số chênh lệch khiến cả xã hội phải giật mình báo động ấy, là hậu quả tệ hại nhất của cơn khát con trai nơi những người làm cha mẹ.

Dẫu nghiệt ngã, vẫn phải thừa nhận rằng, trong hành trình thỏa mãn cơn khát con trai, rất nhiều phụ nữ đã không cho con gái họ cơ hội chào đời. Và phổ biến hơn là những bé gái lớn lên trong nỗi mặc cảm sự ra đời của mình là một sự kiện “ngoài ý muốn” của bậc sinh thành. Ở những đứa trẻ ấy, nỗi mặc cảm thân phận, mặc cảm giới tính sẽ biểu hiện như thế nào khác, nếu không phải là sự mù quáng lao vào việc sinh con trai sau này?

Chúng ta than thở rằng, làm phụ nữ quá khổ; làm vợ, làm dâu còn khổ hơn. Nhưng, ngay cả những chuyện của tự nhiên, của khoa học, ta cũng muốn vơ vào, muốn đoạt quyền tạo hóa thì không khổ sao được, hỡi những người đàn bà thần thánh ơi!

MINH TRÂM

Theo Báo Phụ Nữ

2 thoughts on “Cơn khát con trai

Leave a Reply

Or