Có nên cho con học thêm hè để giỏi hơn?

Vợ chồng tôi dự định hè này sẽ cho con đi học thêm các môn Toán, Văn, Anh văn, Vật lý và Hóa học để cải thiện kết quả học tập của cháu.

Con tôi hết hè này vào lớp 9. Năm trước, ngoài việc học ở trường, tôi cho cháu đi học thêm các môn Văn, Toán, Anh văn, Hóa học ở trường và trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ. Ngoài ra, buổi tối ở nhà cháu còn được gia sư kèm cặp thêm. Tuy nhiên, kết quả học tập của cháu vẫn không đạt được như mong muốn. Cháu cũng đạt được học sinh giỏi nhưng thứ hạng và điểm số không cao, làng nhàng ở mức điểm 8 hoặc 8,5.

Ngoài ra, cô giáo dạy Toán cho biết là cháu học môn hình học không tốt lắm. Cháu cũng không đạt kết quả như ý trong kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi Toán, tiếng Anh của trường cũng như kỳ thi giải toán qua mạng Internet. Vì vậy, vợ chồng tôi dự định hè này sẽ cho cháu đi học thêm các môn trên, hy vọng sẽ cải thiện kết quả học tập của cháu, và cũng nhằm chuẩn bị cho cháu đủ lực để thi vào trường phổ thông năng khiếu ĐH Quốc gia TP HCM.

Xin hỏi cách học nào hiệu quả nhất để giúp cháu có thể đạt được những mục tiêu do gia đình đề ra? (Nguyễn Trần Mai Hoa).

co nen cho con hoc them he de gioi hon

Chào chị,

Tôi hiểu rằng chị rất lo lắng và quan tâm đến việc học của con mình. Có vẻ như chị không tiếc tiền của để đầu tư vào việc học của con, đặt khá nhiều kỳ vọng lên cháu. Chỉ tiếc một điều, hình như con chị chưa đáp ứng được trọn vẹn kỳ vọng đó của cha mẹ.

Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu xem tại sao cháu lại chưa đáp ứng được kỳ vọng của gia đình và kết quả học tập chưa được như mong muốn chị nhé.

Điều đầu tiên ghi nhận được đó là cháu cũng khá nỗ lực trong việc học của mình. Rõ ràng trong năm học vừa qua, với lịch học dày đặc như chị đã nêu, con chị cũng phải cố hết sức để có thể đảm bảo được một lịch học như vậy. Xét cho cùng, kết quả bé đạt được cũng không phải là tệ khi điểm tổng kết trên 8 (điểm giỏi).

Tuy nhiên, có bao giờ chị nghĩ rằng cháu đang bị trạng thái “bội thực kiến thức” do phải học quá nhiều không? Cháu bị bội thực vì không kịp tiêu hóa kiến thức tiếp thu được để chuyển hóa thành kiến thức của mình, và việc bé đang gặp phải vấn đề ở bộ môn hình học của môn Toán. Có lẽ, rõ nét nhất là việc cháu không vượt qua được kỳ thi Vi-olympic Toán và kỳ thi chọn đội tuyển toán của trường – 2 kỳ thi đòi hỏi sự tư duy nhanh nhạy chính xác từ chính bản thân của mỗi học sinh.

Bên cạnh đó, chị cần lưu ý đến khả năng bẩm sinh của cháu. Tất nhiên chúng ta không phủ định vai trò của sự khổ luyện, nhưng khổ luyện chỉ giúp phát triển khả năng đến một mức nhất định, còn muốn đến mức độ “nghệ thuật” thì bắt buộc phải có yếu tố năng khiếu trong đó. Điều này chị có thể nhìn thấy rõ trong tên của trường phổ thông năng khiếu ĐH Quốc gia TP HCM, ngôi trường dành cho các học sinh có năng khiếu thực sự.

Vì thế, biện pháp tôi đề xuất với gia đình chị trong hè này là nên bớt đi áp lực học tập quá nhiều hiện nay cho cháu.

Thay vì đi học thêm nhiều như kế hoạch, chị nên trao đổi với gia sư ở nhà, rà soát lại kiến thức cũ của cháu ở môn Toán, đặc biệt là môn hình học, để phát hiện ra cháu đang bị tắc nghẽn ở phần nào, có những lỗ hổng nào về mặt kiến thức. Từ đó, gia sư cùng cháu giải quyết yếu tố gây tắc nghẽn, lấp đi chỗ hổng, và giúp cháu có cơ hội cũng như thời gian tiêu hóa số kiến thức cũ đã tích lũy lâu nay.

Ngoài ra, không nhất thiết phải bắt cháu đi học thêm vì đa phần các nơi dạy thêm có khuynh hướng dạy trước chương trình. Như thế sẽ làm cháu cảm thấy nhàm chán khi vào học chính khóa, không tập trung và chủ quan vì cho là mình biết rồi. Lúc đó thì lợi bất cập hại.

Thay vì một kế hoạch học dày đặc trong hè, chị và gia đình nên cho cháu một kế hoạch học nhẹ nhàng kết hợp với các hoạt động chân tay ngoài trời (học bơi, học võ, tham gia câu lạc bộ bóng đá…), để giúp cho cháu có được sự thư giãn hoàn toàn sau một năm học căng thẳng. Như thế cũng nhằm tăng cường sức khỏe giúp đảm bảo cho một năm học căng thẳng sắp tới ở lớp 9.

Điều cuối cùng, xin lưu ý rằng, là bố mẹ thì luôn luôn đặt rất nhiều kỳ vọng vào con em mình. Nhưng đừng để những kỳ vọng như vậy trở thành gánh nặng trên vai con cái. Sức cháu chỉ gánh nổi 10 kg thì chỉ nên bắt cháu gánh tối đa 11 hoặc 12 kg thôi, chứ nếu bắt cháu gánh 15 kg, 20 kg chắc hẳn sẽ đến một lúc cháu kiệt sức và buông xuôi. Như thế thì bố mẹ lại rơi vào tình trạng xôi hỏng bỏng không.

Tóm lại, hãy cho cháu có thời gian nghỉ ngơi thư giãn, đề ra yêu cầu vừa sức và hài lòng với sự nỗ lực hết mình của con cái chị nhé.

Theo chuyên viên tư vấn Phạm Phúc Thịnh – VNE

Leave a Reply

Or