“Chăm con kiểu mẹ Pháp rất nhàn”

Trẻ khó tăng cân thường có 3 nguyên nhân nhưng chủ yếu là do khả năng hấp thu kém.

Chị là người Việt Nam, chồng chị là người Pháp. Bởi thế, trong cách dạy con của chị có sự giao thoa giữa hai đất nước. Chị không ép con ăn nếu con không thích, để cho bé tự tắm khi bé mới tròn 3 tuổi (vẫn nằm trong tầm quan sát của ba mẹ) và luôn khuyến khích các con vào bếp cùng mẹ. Cùng trò chuyện với nhà báo Đan Hà để hiểu thêm về phương pháp chăm sóc và dạy con của chị.

Qua Pháp sống được 1 thời gian, chị so sánh như thế nào về phương pháp mẹ Pháp dạy con với mẹ Việt?

Thật ra không phải đến khi qua Pháp tôi mới nhận thấy sự khác biệt của một bà mẹ Pháp và một bà mẹ Việt. Ngay từ khi còn ở Việt Nam tôi đã thường để ý quan sát cách những người bạn nước ngoài của mình chăm con.  Dù rằng mọi so sánh đều là khập khiễng bởi lẽ chăm cách nào thì cũng xuất phát từ tình thương của người mẹ và đều muốn tốt cho con dù không phải điều gì mình làm cho con cũng là tốt.

Mẹ Việt thì thường có thiên hướng bao bọc con xuất phát từ tâm lý lo lắng cho con, sợ con bị đau, sợ con đói, sợ con thiếu chất… Một ví dụ điển hình nhất là trên các diễn đàn Việt Nam khi nói về chăm con, một tỷ lệ rất lớn câu hỏi thường trực của các bà mẹ là việc làm sao con để ép cho con ăn nhiều, làm sao để con ngoan nghe lời…Chính điều đó khiến các bà mẹ Việt vất vả khi chăm con dù đôi khi bên mình còn có sự hỗ trợ của cả ông bà đến người giúp việc.

"Chăm con kiểu mẹ Pháp rất nhàn” - 1
Theo chị Đan Hà, mẹ Tây dạy con nhàn hơn so với mẹ Việt.

Còn các bà mẹ Pháp thì có xu hướng để con pháp triển độc lập, tôn trọng cái tôi của con khiến đôi khi có cảm giác đứa trẻ tự chủ quá. Có vẻ như các bà mẹ Pháp rất nhàn khi chăm con .

Chị nói, cách chăm con của mẹ Việt làm bản thân mẹ thấy cực hơn, còn mẹ Pháp thì rất nhàn. Chị học hỏi được những kinh nghiệm gì trong cách chăm sóc con của bà mẹ Pháp?

Tôi quan sát và sàng lọc để chọn cho mình một cách chăm con phù hợp. Tôi không bê nguyên phương pháp của các bà mẹ Pháp, cũng không hoàn toàn đả kích cách làm của các bà mẹ Việt mà kết hợp cả hai. Con gái tôi, ngay từ khi bắt đầu ăn dặm là đã được rèn để tự ăn, mỗi bữa ăn phải vào ngồi đúng cái ghế của mình, không có chuyện đi lòng vòng quanh xóm hoặc vừa ăn vừa chơi. Lâu rồi cũng sẽ thành thói quen cho bé, ăn uống đúng nơi đúng chỗ.

Tôi cũng không ép bé ăn nếu bé không thích và tuyệt đối không dùng đến máy xay thực phẩm khi chế biến đồ ăn cho bé. Ngay cả khi bé ham chơi không ăn cũng không sao, bé có thể uống sữa và ăn trái cây thay thế. Chính vì không lệ thuộc vào bữa ăn nên mỗi lần đi chơi bé rât thích vì được dành trọn thời gian vui chơi khám phá. Khi bé nhà tôi bắt đầu ăn dặm, tôi để con làm quen ngay với muỗng nĩa. Ban đầu thì mẹ đút còn con có một phần rau củ luộc để vừa gặm vừa tập xúc.

Thực phẩm tôi cho con ăn cũng rất đa dạng, cái gì người lớn ăn được là tôi tập cho bé ăn, từ ít đến nhiều, chỉ tránh không dùng đồ chiên xào mà cho bé ăn đồ luộc hấp. Chính vì thế bé nhà tôi rất dễ ăn uống, mỗi lần đi đâu chơi trong khi bạn bè và ngay cả chính em dâu tôi luôn phải lỉnh kỉnh mang vác đủ thứ để chăm cho bữa ăn của con thì tôi lại rất nhàn. Vào nhà hàng tôi chỉ cần gọi đĩa rau luộc, ít thịt hoặc cá hấp, chút cơm hoặc bánh mì là đủ bữa cho con.

"Chăm con kiểu mẹ Pháp rất nhàn” - 2
Cô con gái út Mai Linh là cô bé hay làm duyên trước ống kính.

Khi bé 7 tháng là tôi chỉ đút cho bé nửa bữa, nửa còn lại bé sẽ tự xúc ăn. Giai đoạn này đòi hỏi mẹ phải kiên nhẫn và chấp nhận cực vì phải lau dọn bãi chiến trường sau mỗi bữa ăn của con, nhưng đừng vì bé trây trét mà ngại lại bỏ cuộc, giai đoạn này qua rất nhanh, chừng 2 tháng là bé đã xúc gọn gàng hơn, đầy năm là có thể tự ăn một mình không cần đến mẹ.

Bé nhà tôi bỏ bỉm khi vừa tròn một tuổi. Ban đầu bé chưa tự chủ được mỗi khi mắc tè nên mẹ phải canh, có nhiều khi miệng kêu tè thì cũng là lúc quần ướt đẫm rồi, nhưng bạn tin đi, chỉ sau hai tháng là con bạn sẽ có phản xạ kêu khi muốn tè. Lúc này là lúc bạn tập cho bé tự vào ngồi bô. Và sau đó sẽ là lúc bạn hưởng sự nhàn nhã khi con biết chủ động khi đi vệ sinh, đã thế còn đỡ tốn tiền mua tã.

Có chuyện vui thế này về việc mặc tã của con, một lần bé qua nhà bạn chơi ngày cuối tuần, đến lúc ngủ trưa mẹ của bạn lấy tã cho bạn mặc cũng mặc luôn cho bé một cái, ngủ dậy bé cứ loay hoay, mẹ bạn hỏi thì bé bảo: Con cởi tã được chưa ạ, con mắc tè quá. Hóa ra bé quên luôn phản xạ có thể tè trong tã, mẹ của bạn hôm sau gặp tôi hỏi ngay bí quyết cai tã cho con.

Chị dạy con cách tự lập như thế nào?

Tôi để bé tự tắm, tự đánh răng  khi vừa tròn 3 tuổi, đương nhiên vẫn phải trong tầm mắt quan sát của mẹ nhưng cho bé cảm giác bé đang được tự do, đang là người lớn. Bé tắm xong tôi sẽ kiểm tra lại xem đã sạch chưa rồi chỉ cho con lần sau phải làm thế nào. Dù đến giờ bé 4 tuổi thì sau khi tắm mẹ cũng vẫn phải kiểm tra lại nhưng việc tắm cho con đã không còn chiếm mất nhiều thời gian của mẹ nữa.

Con cũng  là người lựa chọn quần áo mặc đi học, tự xếp đồ vào giỏ sách đi học mỗi ngày. Dù đôi khi sự lựa chọn của con không làm mẹ hài lòng thì nguyên tắc đề ra là mẹ cũng không can thiệp. Như thế con sẽ tập thói quen tự chủ trong việc của mình và có trách nhiệm hơn. Ngoài ra, con cũng phải làm việc nhà, đương nhiên là những việc theo sức của con, chẳng hạn khi mẹ dọn bàn ăn thì nhiệm vụ của con là xếp muỗng nĩa, lấy khăn ăn. Bây giờ thì đó là việc hiển nhiên của bé, ngoài ra bé còn phải tự xếp đồ chơi vào hộp, tự gấp cất quần áo vào ngăn tủ của mình. Những việc bé hoàn toàn có thể làm được tuy chưa khéo thì mẹ nên để cho bé làm cho quen, đừng vì bé làm chưa tốt mà vội làm thay, sẽ khó cho việc con tự lập sau này mà mẹ thì lại thêm việc vì con.

Trong cách yêu thương, chị dạy con như thế nào?

Gia đình tôi có điểm khác biệt hơn các gia đình khác bởi vợ chồng tôi đều là tập hai của nhau, vì vậy ngoài con chung còn có con riêng của cả hai, như người ta vẫn bảo: con anh, con tôi, con chúng ta nên việc cha mẹ ứng xử uốn nắn con sao cho chúng yêu thương nhau và tin tưởng vào tình yêu thương của bố mẹ là một điều không đơn giản.

Nguyên tắc đầu tiên của tôi là phải công bằng với các con. Khi có quà, dù lớn dù bé đều được chia như nhau, nhưng tôi thường khuyến khích các con chia sẻ với nhau, nhiều khi anh chị lớn hơn thấy em còn bé hay dụ em để được em chia thêm kẹo, tôi sẽ không can thiệp vào chuyện của các con dù nhiều khi thấy bé thiệt hơn vì toàn bị dụ, nhưng thỉnh thoảng sẽ nhắc riêng các bé lớn đừng bắt nạt em quá.

"Chăm con kiểu mẹ Pháp rất nhàn” - 3
Đại gia đình nhà chị Hà tại Pháp.

Ngay cả chuyện la rầy con cũng vậy. Nguyên tắc của tôi với các cháu là không ngại la nếu con có lỗi, nhưng tuyệt đối không la mắng kiểu áp đặt khiến bé ấm ức. Bao giờ tôi cũng phân tích cho các con hiểu lỗi của mình ở đâu và vì sao bị la, vì sao bị phạt đồng thời cũng chỉ cho con biết phải làm thế nào mới phải. Chính vì thế các con tôi không tâm phục khẩu phục dù nhiều lần bị mẹ la, có chuyện gì vẫn tâm tình cùng mẹ.

Chị là người yêu thích công viêc nội trợ. Chị suy nghĩ như thế nào khi  khuyến khích các bé vào bếp cùng mẹ ngay từ khi bé còn rất nhỏ?

Không chỉ Mai Linh ( con gái út của tôi), anh chị của bé cũng được khuyến khích vào bếp cùng mẹ. Chính vì vào bếp cùng mẹ mà giờ đây con gái lớn của tôi cũng có thể được gọi là một đầu bếp giỏi, cháu nấu ăn khá ngon đặc biệt rất có khiếu với các món ngọt. Mai Linh thì thích xem mẹ làm bếp từ khi mới 2 tuổi và cũng đã bắt đầu phụ mẹ khi vừa lên 3. Việc đầu tiên bé được làm là bóc hành, bóc tỏi cho mẹ.

Con nít thì thường mau chán, mẹ phải vừa làm vừa quan sát con vừa rủ rỉ nói chuyện. Bé rất hay hỏi các câu hỏi tại sao khi thấy mẹ chuẩn bị đồ ăn và chính khi trả lời con là bạn đã nuôi dưỡng sở thích bếp núc cho con. Tôi cho rằng việc cho con vào bếp cùng mẹ là một điều rất quan trọng trong việc gắn kết mẹ con và tình cảm gia đình. Khi con chứng kiến mẹ tỉ mỉ chăm lo bữa ăn cho gia đình, hơn lúc nào hết bé sẽ cảm nhận được tình yêu thương nằm trong đó. Từ những điều đơn giản đó sẽ giúp bé hình thành nên tính cách.

"Chăm con kiểu mẹ Pháp rất nhàn” - 4
Cô bé Mai Linh thường xuyên vào bếp giúp mẹ nấu nướng.

Dù là bé trai hay bé gái, việc vào bếp cùng mẹ đều rất quan trọng. Yêu bếp lửa và những bữa cơm ngon chính là một phần không nhỏ trong tình yêu và hạnh phúc gia đình. Hiện giờ Mai Linh đã có thể cùng anh trai làm một cái bánh hoàn chỉnh đãi cả nhà mà không cần đến sự phụ giúp của mẹ, đó là điều khiến một bà mẹ như tôi rất vui và tự hào.

Rất cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện này! Chúc chị và gia đình luôn hạnh phúc!

Theo eva

Leave a Reply

Or