Cân nặng trẻ sơ sinh dưới chuẩn vì đâu?

Các chuyên gia sẽ kết luận rằng cân nặng trẻ sơ sinh dưới chuẩn khi bé được sinh ra với cân nặng dưới 2,5 kg. Tình trạng nhẹ cân lúc sinh có thể là chỉ báo cho một vấn đề sức khỏe mà bé đang mắc phải

Những nguy cơ khi cân nặng trẻ sơ sinh dưới chuẩn

Cân nặng trẻ sơ sinh đủ tháng lúc mới sinh thường dao động trong mức 2,8 đến 4 kg. Các bé sơ sinh có cân nặng dưới 2,5 kg thường là bé sinh non hoặc mắc phải tình trạng hạn chế tăng trưởng trong tử cung. Tuy vậy, không phải bé sơ sinh nào nhẹ cân cũng gặp phải các vấn đề về sức khỏe. Một số bé sinh ra với cân nặng thấp và vóc dáng nhỏ bé hơn so với phần lớn trẻ sơ sinh nhưng vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.

Trong nhiều trường hợp, cân nặng trẻ sơ sinh dưới chuẩn vào thời điểm sinh ra có thể báo hiệu bé dễ gặp phải những biến chứng như chậm phát triển tâm thần, mất thị giác hoặc/và học hỏi chậm. Bé cũng có thể sẽ dễ gặp phải các vấn đề sau:

  • Nhiễm trùng
  • Máu cô đặc (chứng đa hồng cầu)
  • Chứng suy liệt hô hấp
  • Các vấn đề với hệ miễn dịch
  • Các vấn đề với chức năng của phổi

Những vấn đề này có nghiêm trọng hay không còn phụ thuộc vào mức độ nhẹ cân và vấn đề sức khỏe nào gây ra chúng hoặc phụ thuôc vào thời điểm hiện tượng hạn chế tăng trưởng trong tử cung xảy ra.

Cân nặng trẻ sơ sinh

Cân nặng trẻ sơ sinh là một chỉ số đáng tin cậy để đánh giá sức khỏe của bé và dự đoán về các vấn đề bé có thể gặp phải trong tương lai

Nguyên nhân dẫn đến cân nặng trẻ sơ sinh dưới chuẩn

Thực tế, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh nhẹ cân khi sinh ra còn quan trọng hơn chính bản thân tình trạng đó. Bé có thể bị nhẹ cân vì những lý do dưới đây:

1. Sinh non: Nếu bé được sinh ra trước tuần thứ 37 thì nhiều khả năng bé cũng sẽ bị nhẹ cân.

2. Sinh đôi hoặc đa thai: Nếu bạn mang thai đôi hoặc nhiều hơn 2 bé, các bé cũng sẽ sinh ra với cân nặng ít hơn so với  các ca mang thai thông thường. Điều này xảy ra là do nhiều thai nhi cùng lúc phát triển làm tử cung đạt đến giới hạn của mình. Đồng thời nguồn dinh dưỡng mẹ cung cấp cho các bé cũng có giới hạn, nên các bé phải “cạnh tranh” nhau để tận dụng nguồn dinh dưỡng này. Trong các trường hợp mẹ chỉ mang 1 thai thì toàn bộ nguồn dinh dưỡng đều tập trung vào bé.

 

3. Hạn chế tăng trưởng trong tử cung: Các bé được sinh ra đủ ngày đủ tháng nhưng vẫn nhỏ hơn mức bình thường so với tuổi thai. Có 2 dạng hạn chế tăng trưởng: Dạng bất đối xứng và đối xứng.

  • Dạng hạn chế tăng trưởng bất đối xứng thường xảy ra từ tuần thứ 20 của thai kỳ bởi người mẹ có huyết áp cao hoặc do suy dinh dưỡng. Những em bé sinh ra trong trường hơp này thường có thân hình rất gầy do lượng dinh dưỡng cần thiết đã được cơ thể ưu tiên để phát triển não bộ và tim. Bé cũng có lá gan với kích thước không bình thường.
  • Dạng hạn chế tăng trưởng đối xứng có thể xảy ra do bất thường nhiễm sắc thể, nhiễm trùng bào thai hoặc do người mẹ lạm dụng rượu và thường tiếp xúc với các chất độc hại. Các bé bị mắc dạng chậm tăng trưởng này sẽ có cân nặng, chiều dài kém chuẩn trong suốt thai kỳ và thường gặp các vấn đề sức khỏe sau khi sinh ra.

4. Bất thường của nhau thai: Những vấn đề bất thường ảnh hưởng đến lượng máu và dinh dưỡng đi qua nhau thai như nhau tiền đạo, tiền sản giật có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của bé.

 

5. Vấn đề của tử cung: Trong một số trường hợp, vấn đề nào đó ở tử cung như tử cung bị u xơ cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, dẫn đến hiện tượng cân nặng trẻ sơ sinh dưới chuẩn.

6. Một số vấn đề khác: 

  • Cổ tử cung bất thường
  • Người mẹ gặp vấn đề sức khỏe mãn tính
  • Người mẹ chậm tăng cân hay tăng cân ở mức bất thường trong thai kỳ
  • Mang thai ở độ tuổi dưới 17
  • Người mẹ không bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng

Phòng ngừa hiện tượng trẻ sơ sinh nhẹ cân

Để phát hiện bất kỳ bất thường nào trong sự phát triển của thai nhi, mẹ bầu cần đi khám thai thường xuyên, đúng lịch hẹn. Không chỉ giúp mẹ nhận ra hiện tượng chậm tăng trưởng của thai, bác sỹ còn tiếp tục theo dõi và phát hiện ra các nguyên nhân của tình trạng này. Những vấn đề như nhiễm trùng, nhau thai bất thường, cao huyết áp… sẽ được kiểm soát để đảm bảo thai nhi phát triển bình thường.

Bổ sung axit folic đầy đủ trong thai kỳ cũng là một cách tốt để hạn chế dị tật ống thần kinh cũng như tình trạng thai nhi nhẹ cân.

Khắc phục tình trạng nhẹ cân ở trẻ sơ sinh

Điều tốt nhất bạn có thể làm để giúp con vượt qua tình trạng nhẹ cân, đồng thời có được sức khỏe như mong đợi chính là cung cấp cho bé một chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất đối với các bé sơ sinh từ khi ra đời đến khi tròn 6 tháng tuổi.

Đối với các bé nhẹ cân khi ra đời, việc thăm khám định kỳ cũng rất quan trọng. Hãy để các chuyên gia về trẻ sơ sinh hỗ trợ bạn trong những bước phát triển đầu tiên của con.

Ngoài ra, bản thân bố mẹ cần phải kiên nhẫn khi đối mặt với tình huống này. Bạn có thể sẽ mất hàng tuần, hàng tháng để đưa con ra khỏi tình trạng nhẹ cân và các vấn đề đi kèm.

 Theo MarryBaby

Leave a Reply

Or