Cách xử lý khi con bị dằm đâm vào tay

Dằm đâm vào tay không phải là một vết thương lớn nhưng lại làm cho con bạn đau và có nguy cơ bị nhiễm trùng. Vậy cần phải xử lý như thế nào khi con bạn bị dằm đâm vào tay? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây.

1. Rửa sạch tay

Khi bé bị dằm đâm vào tay, các mẹ đừng vội vàng tìm cách lấy dằm ra khỏi tay bé ngay mà hãy cho bé rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để sát khuẩn. Rửa sạch tay sẽ giúp phòng ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn vào cơ thể trẻ theo lỗ hở của vết thương, đặc biệt là các vi khuẩn nằm trên thanh gỗ mang mảnh dằm.

2. Dính mảnh dằm và lấy ra

Nếu mảnh dằm đâm vào tay bé chưa sâu và một đầu của mảnh dằm vẫn còn thò ra khỏi da bé thì mẹ nên dùng một mảnh băng keo trong, nhẹ nhàng đặt nó lên đầu của mảnh dằm để không làm cho dằm đi sâu hơn vào da bé, sau đó kéo miếng băng keo ra từ từ theo hướng mà mảnh dằm đi vào da.

cách xử lý khi trẻ bị dằm đâm

3. Sát trùng dụng cụ lấy dằm

Trong trường hợp mảnh dằm đã đâm khá sâu vào da của bé, dùng băng keo không đủ mạnh để lấy ra, mẹ sẽ cần những dụng cụ mạnh hơn, đó chính là nhíp và kim. Hãy sát trùng nhíp, kim bằng nước sôi, cồn hoặc có thể hơ trên lửa để lấy dằm cho bé một cách sạch sẽ và an toàn nhất.

4. Dùng nhíp 

Bấm nhíp vào đầu dằm đang thò ra trên da của bé, sau đó từ từ kéo ra theo hướng mảnh dằm đã đâm vào tay bé một cách nhẹ nhàng và khéo léo để dằm không bị gãy nửa chừng.

5. Tạo một cái lỗ

Nếu dằm đâm vào tay bé nằm hoàn toàn dưới da thì bạn nên sử dụng cây kim để tạo một lỗ nhỏ trên da bé ngay tại đầu mảnh dằm. Dùng một tay đưa kim xuống dưới mảnh dằm để nâng đầu của nó lên đủ cao, tay còn lại dùng nhíp gắp và kéo mảnh dằm ra.

cách xử lý khi trẻ bị dằm đâm

6. Chăm sóc sau khi lấy dằm

Sau khi đã lấy được mảnh dằm ra, mẹ cho bé rửa sạch tay một lần nữa, rồi thoa chút thuốc mỡ kháng sinh lên đầu vết thương và băng lại.

Những ngày sau mẹ nên để ý vết thương của bé xem có biểu hiện gì của nhiễm trùng hay không để có biện pháp xử lý kịp thời.

Thời điểm phải đưa con đến bác sỹ

– Khi bé bị dằm thủy tinh đâm vào da và mẹ không thể lấy dằm cho bé được… thì mẹ nên đưa bé tới bác sĩ.

– Nếu là dằm của tre ngâm, gỗ ngâm… khi lấy ra được mặc dù con không còn đau nhưng mẹ vẫn phải đưa con đến cơ sở y tế để được tiêm phòng uốn ván.

– Nếu mảnh dằm quá lớn, mẹ đã thử mà không thể lấy mảnh dằm ra hoặc mảnh dằm vỡ ra nhiều mảnh cũng là trường hợp mẹ nên đưa con đi gặp bác sỹ.

Theo Phunutoday

Leave a Reply

Or