Cách xử lý của bà mẹ 8X khi con vừa vào lớp 1 đã muốn tiêu tiền

Con có nhu cầu tiêu tiền thực sự là việc khiến hai vợ chồng Hà Châu phải suy nghĩ và khi tìm ra giải pháp thì cả hai cũng rút ra được kha khá những bài học kéo theo sau đấy.

Con vào lớp một là sự kiện mang tính chất “bước ngoặt” không chỉ với chính bản thân con mà còn cả với hầu hết các ông bố, bà mẹ. Chị Hà Châu, một người mẹ có ba con đang sống và làm việc tại TP HCM “rất hiểu” chuyện này khi hai con đầu của chị đã trải qua những năm tháng đi học đầu đời đáng nhớ.

Trong suốt thời gian đó, đã có những điều khiến chị “đau đầu cả một thời gian dài” để tìm ra lời giải đáp. Vì vậy, chị hy vọng những chia sẻ dưới đây sẽ phần nào hỗ trợ bố mẹ chuẩn bị tâm lý tốt cho mình và cho các con vì có thể nói đây là một thời điểm quan trọng, ảnh hưởng lâu dài tới trẻ.

Cách xử lý của bà mẹ 8X khi con vừa vào lớp 1 đã muốn tiêu tiền

Tổ ấm hạnh phúc của chị Hà Châu.

Con bắt đầu có nhu cầu sử dụng tiền

Chị kể, những ngày đầu tiên khi con đi học về và bảo là nhiều bạn ở lớp được ba mẹ cho tiền, con cũng muốn có tiền, vợ chồng chị đã phải cân nhắc rất nhiều không biết có nên làm như vậy với con không. Cuối cùng, Hà Châu và ông xã quyết định không cho con tiền, con cần gì thì ba mẹ sẽ mua cho. Nhưng sau đó, con vẫn tâm sự với mẹ về nhu cầu cần có tiền khi đi học nên Hà Châu lại phải tham khảo, hỏi han để nhờ tư vấn. Cuối cùng, chị “chốt” lại là mỗi ngày sẽ cho con 5.000 đồng.

“Thời gian đầu được mẹ cho tiền đi học, con có vẻ rất ổn. Mẹ vẫn kiểm tra khéo léo hằng ngày xem con đã làm gì với những đồng tiền mẹ cho và mẹ lại băn khoăn khi ngày nào con cũng tiêu hết tiền, khi thì cho bạn, khi thì mua đồ chơi, kẹo bánh. Và mẹ nhận ra mình đã sai khi đến một ngày con hỏi mẹ: ‘Mẹ ơi, hôm nay mẹ cho con 7.000 đồng nhé vì con cần mua bộ ráp hình LBX giá đến 7.000 đồng’. Mẹ nhận ra rằng con không biết trân trọng đồng tiền mà mẹ đã cho và cách mẹ đang làm với con hình như chưa đúng”, Hà Châu tâm sự.

Sau sự việc đó, bà mẹ ba con cho biết, chị phải tiếp tục loay hoay để tìm hiểu, sửa sai và nhận ra được nhiều điều. Chị bảo: “Thật ra khái niệm ‘Dạy con cách tiêu tiền’ và ‘Dạy con cách quý trọng đồng tiền’ hoàn toàn khác nhau, mà đôi khi phụ huynh hay nhầm lẫn. Con cần lao động để kiếm ra tiền và ba mẹ là người hướng dẫn con lao động/làm việc. Mình bắt đầu làm một cái bảng dán sticker, khi con đạt 10 sticker sẽ được quy đổi ra thành tiền hoặc món đồ chơi hay một ngày đi chơi với gia đình, bạn bè (tùy theo quy ước giữa hai mẹ con) kèm theo sự động viên, khích lệ của ba mẹ”.

Bằng cách này, hai vợ chồng chị Hà Châu giúp con hiểu rằng khi con lao động, con sẽ có được tiền và sự khen thưởng của mọi người. Như vậy, bản thân con cũng cảm nhận được giá trị của cả hai là tiền và niềm vui, niềm tự hào khi kiếm được những đồng tiền ấy.

Những công việc mà con sẽ làm để có được sticker quy đổi không phải là rửa chén, lau nhà… mà đó sẽ là điều bố mẹ muốn con thay đổi hoặc muốn con làm tốt. Ví dụ như, nếu con tắm rửa thật sạch không còn xà phòng con sẽ được một sticker, nếu con ăn cơm mà không xem tivi con sẽ được một sticker, nếu con chơi với em mà không la hét con sẽ được một sticker, nếu con xem tivi ít lại con sẽ được một sticker…

“Nói chung là tất cả những việc mà mình muốn thay đổi ở con thì mình sẽ khéo léo đưa vào và chú ý là trong tất cả những việc đưa ra để yêu cầu con làm tránh dùng chữ ‘Không được'” – kinh nghiệm của chị Hà Châu.

Cách xử lý của bà mẹ 8X khi con vừa vào lớp 1 đã muốn tiêu tiền

Điều quan trọng hơn hết theo chị Hà Châu khi nuôi dạy các con vẫn là tình thương yêu mà cha mẹ dành cho con.

Kỹ năng cơ bản cần chuẩn bị cho con

Con đi học lớp một cũng đồng nghĩa với sự thay đổi trong môi trường giáo dục của con. Nếu như trước đây, khi còn học mẫu giáo, con được các cô chăm sóc chu đáo từ chuyện ăn uống tới vệ sinh cá nhân thì khi vào lớp một, con bắt đầu phải học cách tự lập.

“Dạy con biết tự lập trong những việc cơ bản như ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cá nhân… Và nếu có điều kiện, hãy tạo cho con thói quen tập thể dục mỗi ngày”, bà mẹ 8X cho biết.

Tạo thói quen học tập tự giác

Ở độ tuổi này, bố mẹ không nên tạo áp lực học tập với con mà quan trọng hơn là tập cho con thói quen học tập ở những giờ giấc nhất định. Hà Châu chia sẻ cách mà vợ chồng cô đã áp dụng thành công với con trai đầu, đó là mua cho con một chiếc đồng hồ báo thức và đặt giờ hàng ngày, cứ đến 19h chuông sẽ reo, con tự biết đến giờ ngồi vào bàn học. Cứ như thế, hai vợ chồng cô cũng điều chỉnh thời gian con ngồi học tăng dần từng ngày, từ 5 phút rồi đến 10 phút… Hà Châu cho biết, việc luyện tập này sẽ mất một thời gian khá dài để thành công nên bố mẹ cần phải “kiên nhẫn và thật kiên nhẫn”.

Con bắt đầu nói dối

“Khi con bắt đầu nói dối và mẹ phát hiện ra được thì mẹ nhận ra rằng mẹ đã làm sai điều gì đó với con. Mẹ suy nghĩ và mẹ nhận ra rằng nếu con nói thật thì khả năng con bị phạt là 100% và ngược lại, khi con nói dối, khả năng con bị phạt sẽ ít hơn vì con sẽ chỉ bị phạt khi mẹ phát hiện ra” – từ những suy nghĩ này, chị Hà Châu một lần nữa nhận ra mình đã sai khi không có sự khen thưởng hay tha thứ nào cho sự chân thật của con.

Hà Châu và ông xã nhận định rằng cách giải quyết lúc này là phải làm cho con cảm thấy an toàn để nói ra sự thật cũng như những điều con suy nghĩ. Khi nói chuyện với con, hai vợ chồng chị luôn tránh hỏi “Tại sao” và chú ý giọng điệu cũng như cho con thời gian để con có thể tự nói ra. “Đừng làm con phải suy nghĩ đến điều gì sẽ xảy ra khi con nói sự thật mà hãy để con có cơ hội tìm đến mình tâm sự, để tìm giải pháp giải quyết những sai lầm ấy cùng con”.

Điều quan trọng hơn hết theo chị Hà Châu khi nuôi dạy các con vẫn là tình thương yêu mà cha mẹ dành cho con. Bản thân chị tâm niệm: “Mình chưa bao nghĩ sẽ làm gì để con trở thành người thật tài giỏi mà chỉ mong con có thể lớn và sống cuộc sống của chính con thật hữu ích, hạnh phúc. Và ba mẹ sẽ luôn là chỗ dựa, là nơi con thấy bình yên, ấm áp nhất mỗi khi con muốn tìm về”.

Theo Gia đình Việt Nam

Leave a Reply

Or