Bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 5 do đâu, có nguy hiểm không?
Có rất nhiều mẹ bầu lo lắng khi thấy bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 5. Vậy nguyên nhân gây căng cứng đó là gì và có nguy hiểm cho thai nhi hay không các mẹ hãy cùng tìm hiểu.
Khi mang thai ở tháng thứ 5 các cơn gò vẫn thường xuất hiện. Các cơn gò thường xảy ra ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2 và khiến nhiều mẹ bầu lo lắng.
Mẹ bầu thấy bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 5 thì vô cùng lo lắng, đặc biệt thấy cứng phần bụng dưới.
Nguyên nhân bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 5
Khi thai ở tháng thứ 5, mẹ cảm thấy bụng gò nhiều, căng cứng. Các cơn gò không khiến mẹ đau đớn mà chỉ gây ra một chút khó chịu. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng này, đó là do:
– Mẹ làm việc vất vả, không dành thời gian nghỉ ngơi
– Thai nhi đang phát triển tốt, to dần lên, dài người, hệ xương dài ra cũng gây nên căng cứng
– Tử cung co giãn tạo áp lực trong cơ thể gây nên căng cứng bụng
– Nếu mẹ bầu quan hệ tình dục thì cũng rất dễ bị căng cứng bụng
– Trọng lượng cơ thể mẹ tăng lên cũng ít nhiều gây nên tình trạng căng cứng phần bụng
Khi mang thai tháng thứ 5 bụng mẹ vẫn thường xuất hiện căng tức
Bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 5 có nguy hiểm không?
Đối với các bà bầu, hiện tượng căng cứng bụng khi mang bầu ở tháng thứ 4, 5, 6 là khá phổ biến, thai nhi đang phát triển lớn dần lên và cơ thể mẹ bắt đầu thay đổi để thích nghi. Bên cạnh đó, áp lực của thai đè xuống phần xương, bụng dưới cũng khiến mẹ bầu thấy căng tức.
Nếu mẹ bầu chỉ cảm thấy căng tức nhẹ, thời gian ngắn từ 30 giây tới 1, 2 phút, không gây đau đớn gì thì mẹ có thể yên tâm. Tuy nhiên, nếu mẹ thấy hiện tượng căng tức nhiều, nặng hơn, kéo dài từ 2 – 3 tiếng, kèm theo các cơn đau hoặc ra máu… thì cần lập tức tới gặp bác sĩ để được khám, chẩn đoán và đưa ra những cách xử lý phù hợp.
Mẹ cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý khi bị căng cứng bụng
Khi bị căng cứng bụng giai đoạn tháng thứ 5 mẹ nên làm gì?
Khi các cơn căng cứng xuất hiện mẹ nên chịu khó nghỉ ngơi, hạn chế vận động nhiều, đặc biệt là vận động nặng. Chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng.
Ngoài ra, mẹ cũng không nên xoa bụng, tránh quan hệ tình dục khi thấy bụng căng cứng, không vặn mình và không nên nhịn tiểu sẽ khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
Lưu ý: Mẹ bầu nên đi khám thai định kỳ hoặc thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào cũng cần tới ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được các bác sĩ kiểm tra và có những chẩn đoán, phương pháp xử lý kịp thời nhất.
Theo Eva