Bồi bổ sức khỏe mùa World Cup

Canh sườn heo bí đỏ, cháo đậu xanh rong biển, thịt gà nấu hạt sen, canh táo đỏ nấu đậu phộng… giúp bồi bổ sức khỏe, bảo vệ đôi mắt trong mùa World Cup.

Việc phải thức đêm nhiều để theo dõi các trận đấu, cơ thể dễ bị suy nhược, mệt mỏi, năng suất làm việc giảm sút. Ngồi trước tivi để theo dõi các trận đấu với thời gian lâu và thường xuyên sẽ dẫn tới các dấu hiệu như mắt bị mỏi, khô mắt, thị lực giảm sút, dễ bị hoa mắt, nhức đầu, chóng mặt.

Sau đây là một số món đơn giản, dễ thực hiện với những nguyên liệu dễ kiếm, có tác dụng vừa bảo vệ đôi mắt vừa hữu ích cho sức khỏe.

Những thực phẩm, món ăn có lợi cho mắt

Những thực phẩm có ích cho thị lực cần chứa nhiều các chất như vitamin A, beta-caroten, vitamin C, vitamin E, lutein, selenium… Để nuôi dưỡng và bảo vệ hoạt động của mắt tốt và lâu bền nên sử dụng thường xuyên các thực phẩm sau:

– Vitamin A: gan động vật (gà, heo, bò, vịt), lươn, trứng vịt lộn, trứng gà, trứng vịt, sữa, thịt vịt, cá chép…

Ảnh: imwellness

Những thực phẩm chứa Beta-caroten mang lại nhiều lợi ích cho mắt. Ảnh:imwellness

– Beta-caroten (khi vào cơ thể sẽ biến đổi thành vitamin A): Các loại trái cây có màu vàng cam như cà rốt, đu đủ, gấc, bí đỏ, khoai lang nghệ, ớt vàng Đà Lạt, các loại rau có màu xanh đậm như rau ngót, rau húng, tía tô, rau dền, rau muống, rau ngổ, rau cần, mồng tơi, cải bẹ xanh, rau khoai lang, hẹ, súp lơ xanh…

Các loại rau xanh này còn chứa một loại caroteinoid được gọi là lutein và một chất có tên là zeaxanthinan. Cả hai chất này có tác dụng bảo vệ các tế bào khỏi những phân tử gốc tự do và giúp tăng cường thị lực. Không nên nấu quá chín vì sẽ làm giảm hoặc làm mất tác dụng của chúng.

– Vitamin C giúp phòng ngừa bệnh đục thuỷ tinh thể, tăng cường thị lực: Chanh, cam, quýt, bưởi, dâu tây, cà chua, rau ngót, rau đay, mồng tơi, súp lơ, cải bẹ trắng, ớt, kinh giới, rau ngò, thì là, hành lá, ổi, đu đủ, nhãn, táo tây, nho, dứa…

– Vitamin E giúp chống oxy hóa, giảm nguy cơ cườm mắt: Dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu mè, dầu đậu phộng, mầm lúa, mầm đậu, các loại hạt (hướng dương, bí, hạt dưa), các loại đậu hạt, măng tây, mỡ cá, sữa, thịt, gan…

– Selenium giúp chống oxy hoá, bảo vệ mắt và não: Hải sản (cá, tôm, cua, nghêu, sò, ốc, hến…), thịt gan, cật, trứng, ngũ cốc, dầu hướng dương, dầu mè.

Một số món ăn có ích cho mắt nhìn kém, mệt mỏi

– Cháo dâu tằm

Dâu tằm 30 g, gạo nếp 60 g, đường phèn. Rửa sạch dâu, rồi nấu cùng gạo nếp. Sau khi chín thêm đường phèn.

Món cháo này giúp bổ gan, dưỡng huyết, ích trí, làm sáng mắt, rất tốt cho những người bị hoa mắt chóng mặt, mất ngủ, hay nằm mơ, đau mỏi eo, ù tai, tóc bạc sớm… do suy thận suy gan.

– Cháo sơn dược (củ khoai mài)

Cho 30 g củ mài khô, 50 g gạo nếp và một lượng đường cát vừa đủ đun thành cháo. Nên ăn nóng ngày 2 lần sáng tối.

Món cháo này bổ tỳ vị, nhuận phổi, bổ thận, thích hợp với người tỳ vị yếu, tiêu chảy, suy thận, người bị suy nhược, ho, người khí huyết không đủ, mắt nhìn kém, chán ăn, miệng khô, hay khát, đại tiện khó khăn.

– Cháo hải sâm, mộc nhĩ

Hải sâm 15 g, mộc nhĩ trắng (tuyết nhĩ, ngân nhĩ) 15 g hoặc mộc nhĩ đen 30 g, gạo tẻ 100 g.

Hải sâm ngâm nước ấm, rửa sạch, xắt miếng nhỏ, mộc nhĩ ngâm nước cho mềm, rửa sạch, bỏ cuống, xé miếng nhỏ. Hai thứ nấu với gạo tẻ thành cháo nhừ, thêm gia vị (muối, hành, gừng). Chia 2 lần ăn vào lúc đói bụng.

Món cháo này có tác dụng bổ tỳ vị, nhuận phế, thích hợp với người tỳ vị suy yếu, ho lâu ngày do suy nhược cơ thể, người khí huyết không đủ, mắt nhìn kém, mỏi mắt.

– Canh táo đỏ nấu đậu phộng

Táo đỏ, đậu phộng, đường phèn mỗi thứ 30 g. Cho đậu phộng vào nồi đất trước, thêm nước dùng lửa vừa ninh 20 phút. Táo đỏ bỏ hột, cho vào nồi đất ninh chung đậu phộng, ninh thêm 20 phút, thêm đường phèn vào, ninh tiếp 5 phút là ăn được.

Dùng mỗi tối trước khi ngủ, liên tục 30 ngày. Món ăn này có tác dụng thông tỳ ích khí, khử thấp, giải độc, an thần, giảm căng thẳng thần kinh.

– Canh thịt heo nạc nấu nấm rơm

Nấm rơm tươi 200 g rửa sạch, cắt miếng, thịt heo nạc 200 g, bỏ chung vào nồi đất, thêm nước, dùng lửa vừa ninh đến khi thịt nạc chín mềm, thêm gia vị vừa miệng. Dùng ăn trong bữa cơm.

Món này có tác dụng giúp tư âm nhuận táo, kiện vị bổ tỳ, dùng cho người suy nhược, ăn ngủ kém, thức đêm nhiều.

– Canh cần tây, thịt heo nạc

Rau cần tây 100 g, thịt heo nạc 100 g, nấm hương (nấm đông cô) 20 g, tỏi 5 g, ít muối. Rau cần tây bỏ rễ, chỉ lấy cuống và lá rửa sạch, cắt nhỏ. Nấm hương ngâm nước nóng có chút gừng sau 20 phút thì rửa sạch, cắt nhỏ. Thịt heo nạc rửa sạch, xắt nhỏ (có thể thay bằng bột đậu xanh), tỏi bóc vỏ, đập dập.

Đun sôi nửa lít nước, cho thịt nạc vào, thịt chín thì cho cần tây, nấm hương, tỏi vào quậy đều. Canh sôi lại là được. Ăn nóng lúc đói bụng.

Món canh này giúp thanh nhiệt, lợi thấp, giải độc tiêu thũng, dùng cho người suy giảm chức năng gan, người căng thẳng thần kinh, ăn ngủ kém.

– Canh sườn heo, bí đỏ

Sườn heo 500 g rửa sạch chặt khúc ngắn, bí đỏ 500 g gọt vỏ, cắt miếng vừa ăn, rửa sạch. Đậu xanh 100g cà nhỏ, vo sạch.

Cho lượng nước vừa đủ vào nồi, dùng lửa vừa nấu sườn heo cho sôi, sau đó dùng lửa nhỏ nấu khoảng 1 giờ, vớt bỏ bọt. Sườn mềm thì cho bí đỏ và đậu xanh vào, nấu đến khi bí và đậu xanh chín là được. Nêm gia vị vừa ăn. Dùng ăn nóng trong bữa cơm.

Ảnh: daubepgiadinh

Canh sườn heo nấu bí đỏ thích hợp cho người suy nhược cơ thể, ăn ngủ kém, thức đêm nhiều. Ảnh: daubepgiadinh

Món canh này có tác dụng ích khí dưỡng huyết, thanh nhiệt, giải độc, an thần, tăng cường sinh lực, tăng cường trí nhớ. Thích hợp cho người suy nhược cơ thể, ăn ngủ kém, thức đêm nhiều.

– Cháo gạo lứt, hải sâm

Gạo lứt 80 g, hải sâm 40 g, cải cúc (hoặc cải bẹ xanh) 40 g, táo đỏ 8 trái. Gạo lứt vo sạch, hải sâm ngâm mềm, cải cúc rửa sạch, cắt nhỏ, táo đỏ rửa sạch, bỏ hột. Nấu gạo thành cháo nhừ, cho các nguyên liệu vào nấu thêm với lửa nhỏ vài phút. Ăn nóng lúc đói bụng.

Món cháo này có tác dụng bổ dưỡng, tăng cường sinh lực, thích hợp với người bị suy nhược cơ thể, ăn ngủ kém, viêm gan mạn tính, chức năng gan suy giảm.

– Cháo đậu xanh rong biển

Đậu xanh rong biển, gạo tẻ mỗi thứ 50 g. Rong biển rửa sạch, ngâm cho nở ra, cắt nhỏ. Đậu xanh ngâm trong nước ấm, gạo vo sạch, để ráo. Cho lần lượt gạo vào nồi trước, nấu sôi thì cho đậu xanh vào, khi đậu xanh nở hết thì cho rong biển vào, nấu thành cháo. Nêm nếm gia vị vừa dùng.

Món cháo này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, dùng thích hợp trong lúc thời tiết nắng nóng, thức đêm nhiều. Cháo đậu xanh là món ăn giúp thúc đẩy sự trao đổi chất trong cơ thể diễn ra bình thường và cũng là món ăn giúp bài tiết chất độc trong cơ thể hiệu quả nhất.

– Cháo thịt bò, cà rốt

Thịt thăn bò 100 g, gạo tẻ 50 g, cà rốt 1 củ lớn, hành, gia vị đủ dùng. Cà rốt cạo vỏ, rửa sạch, xắt hạt lựu. Gạo tẻ vo sạch nấu nhừ thành cháo. Thịt bò rửa sạch, luộc chín, xắt lát mỏng. Phi thơm hành rồi cho cà rốt vào đảo qua, sau đó cho thịt bò vào nêm gia vị bắc xuống.

Cho tất cả các thứ trên vào nồi cháo đã ninh nhừ và nấu sôi lên là dùng được.  Mỗi ngày ăn 2 lần vào buổi sáng và tối. Món cháo này có tác dụng bổ tỳ, ích khí huyết, giải độc, chống mỏi mệt, có ích cho người khí huyết suy kém, thị lực giảm.

– Cháo cá lóc, đậu xanh

Cá lóc một con khoảng 500 g, gạo tẻ 100 g, đậu xanh 50 g, hành tím 2 củ.

Cá lóc cạo sạch vảy, chặt vây, bỏ mang, ruột, rửa sạch cắt miếng, cho vào nồi cùng gạo tẻ, đậu xanh, củ hành, đổ nước vừa đủ để nấu thành cháo loãng. Nêm gia vị vừa ăn. Dùng ăn nóng vào lúc đói bụng.

Cháo cá lóc có tác dụng bồi bổ khí huyết, kiện tỳ, lợi tiểu, ích tinh tủy. Thích hợp cho người suy nhược cơ thể, ăn ngủ kém, đau lưng, nhức mỏi tay chân, thức đêm.

– Cháo lươn

Lươn một con khoảng 250 g làm sạch, bỏ ruột, rút chỉ máu dọc sống lưng, dùng muối làm sạch, sau đó cắt đoạn nhỏ, ướp với nước cốt gừng, xì dầu, ít rượu trắng. Gạo tẻ 100 g vo sạch, cho vào nồi (nồi đất càng tốt), đun lửa lớn cho sôi rồi đun nhỏ lửa đến khi thành cháo, cho thịt lươn vào, nấu đến khi cháo chín nhừ là được. Nêm gia vị vừa ăn. Dùng ăn nóng vào lúc đói bụng.

Món cháo này có tác dụng bổ khí dưỡng huyết, làm mạnh gân cốt; nhuận phế, thanh nhiệt, tăng cường sinh lực, an thần, tăng cường trí nhớ, chống căng thẳng thần kinh và giúp người bệnh mau hồi phục.

– Thịt gà nấu hạt sen

Thịt gà 300 g, hạt sen khô 50 g, hành củ 2 củ, mỡ nước hoặc dầu ăn 15 g, rau ngò 20 g, gia vị các loại (nước mắm, muối, bột ngọt, tiêu xay).

Thịt gà rửa sạch, chặt miếng bằng bao diêm, ướp với nước mắm, muối, tiêu xay, để khoảng 30 phút cho ngấm. Hạt sen ngâm cho mềm, bỏ tim, bỏ vỏ lụa. rau ngò rửa sạch.

Đun nóng mỡ, cho thịt gà vào chiên vàng đều, cho nước vào ngập thịt, cho hạt sen vào, đun sôi nhanh rồi hạ lửa nhỏ cho sôi nhẹ cho tới khi thịt gà chín mềm, hạt sen chín bở là được. Nêm gia vị vừa ăn. Múc ra tô, rắc tiêu và cho rau ngò lên trên, dùng ăn nóng trong bữa cơm.

Món này có tác dụng bổ dưỡng cơ thể, tăng cường sinh lực, rất có ích cho người bị suy nhược cơ thể, ăn ngủ kém, người làm việc trí óc, thức đênm nhiều.

Ngoài ra để giúp sáng mắt, giải nhiệt, tăng cường sức đề kháng, có thể dùng một trong các loại sau: cúc hoa (10-12 g), thảo quyết minh (10-12g), lá dâu tằm (12-16 g), hạt cây mắc cở đỏ (8-10 g)… hãm với nước sôi để làm trà uồng trong ngày.

Lương y Đinh Công Bảy
Tổng Thư ký Hội dược liệu TP HCM

Leave a Reply

Or