Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cùng tốc độ lây lan nhanh chóng đã làm dấy lên mối lo ngại cho cộng đồng.
Chỉ trong vòng chưa đến 1 tuần xuất hiện trở lại tại Việt Nam, từ 2 ca nhiễm trong cộng đồng tại 2 địa phương khởi phát là Hải Dương và Quảng Ninh, số ca lây nhiễm COVID-19 đã nhanh chóng tăng lên và lan sang nhiều tỉnh thành khác trên toàn quốc.
Đáng chú ý, đợt dịch COVID-19 bùng phát lần này đã lây lan vào nhiều trường học, khiến nhiều học sinh phải thực hiện cách ly tập trung. Ngoài ra cũng đã ghi nhận thêm những ca bệnh là trẻ em nhiễm COVID-19.
Điều này đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ tới các bậc phụ huynh trong việc cần tuân thủ nghiêm ngặt hơn nữa các biện pháp nhằm bảo vệ sức khỏe trẻ em trước đại dịch này.
Dưới đây là những điều cần biết về virus SARs-CoV-2 chủng mới đang lây lan trong cộng đồng Việt Nam mà các mẹ cần nắm chắc để bảo vệ con em mình trước đại dịch đang có những diễn biến hết sức phức tạp:
Ba biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã dấy lên mối lo ngại về tốc độ lây lan của dịch bệnh
Thời gian gần đây, ba biến thể mới của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) thường được nhắc đến là các biến thể được phát hiện đầu tiên ở Anh, Nam Phi và Nhật Bản (có nguồn gốc từ Brazil). Cụ thể:
– Biến thể đầu tiên được phát hiện ở miền Đông Nam nước Anh vào ngày 14/12/2020 và được thông báo bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Các nhà nghiên cứu xác nhận biến chủng này có khả năng lây lan mạnh hơn các chủng virus khác, nguyên nhân là do một số đột biến giúp virus SARS-CoV-2 tăng khả năng bám vào tế bào.
– Biến thể thứ hai đã được phát hiện ở Nam Phi, được báo cáo lần đầu tiên vào ngày 18/12/2020. Chủng này đã được tìm thấy ở 20 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
– Đột biến mới nhất của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Nhật Bản, từ các du khách đến từ bang Amazonas (Brazil): Dữ liệu về biến thể này vẫn còn chắp vá.
Đồng thời, theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện Việt Nam xuất hiện hai biến chủng của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh và Nam Phi. Chủng virus biến thể được phát hiện ở Nam Phi cũng được khuyến cáo có khả năng lây lan nhanh hơn các chủng đã được biết từ đầu dịch. Chủng này được phân lập trên bệnh nhân là ca nhập cảnh (chuyên gia từ Nam Phi).
Chủng Covid-19 tìm thấy ở Anh biến đổi, có khả năng kháng vắc-xin
Điều này được phát hiện sau nghiên cứu của cơ quan Y tế công cộng Anh cho thấy virus SARS-CoV-2 trên thế giới đang xuất hiện nhiều đột biến đáng lo ngại.
Tuần trước, các nghiên cứu các mẫu vật nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Anh cho thấy 11 đột biến khác thuộc biến chủng được tìm thấy ở Anh (được gọi là B.1.1.7) cũng có dấu hiệu đáng lo ngại.
Tuy nhiên, Kristian Andersen – chuyên gia về virus học tại viện Nghiên cứu Scripps ở La Jolla, California, cho biết cần thêm dữ liệu nghiên cứu để hoàn toàn xác định đột biến của B.1.1.7 có thể kháng vắc-xin hay không.
Đồng thời, Cơ quan Y tế công cộng Anh ước tính tỷ lệ lây nhiễm của biến chủng B.1.1.7 cao hơn từ 25 – 40% so với các dạng khác của virus SARS-CoV-2. Một số bằng chứng sơ bộ cho thấy B.1.1.7 cũng có thể khiến nhiều người tử vong hơn.
Tốc độ lây lan nhanh với thời gian ủ bệnh trung bình ngắn hơn chủng cũ
Theo các nghiên cứu hiện nay về dịch bệnh COVID-19, biến chủng SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan rất nhanh với thời gian ủ bệnh trung bình ngắn hơn, chỉ trong khoảng thời gian từ 1-2 ngày.
Trẻ em mắc COVID-19 dễ lây hơn người lớn
Mặc dù các nghiên cứu trước đây đã ghi nhận hiện tượng trẻ em ít bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hơn người lớn. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí y học The Lancet gần đây cho biết trẻ em dễ lây nhiễm cho người khác hơn người lớn.
Sau khi tiến hành khảo sát 29.578 ca dương tính ở Vũ Hán xảy ra trong 27.101 hộ gia đình. Trong 57.581 ca tiếp xúc với người nhiễm sau đó có 10.367 người có kết quả xét nghiệm dương tính và 17.556 người không qua xét nghiệm, họ thu về kết quả đáng bất ngờ khi trẻ em và thiếu niên một khi bị nhiễm lại dễ lây nhiễm cho người khác hơn những người trên 20 tuổi.
Cùng với đó, những người dưới 20 tuổi lại có khả năng lây nhiễm cho người khác cao hơn 60% so với những người từ 60 tuổi trở lên.
Do vậy, TS Ramanan Laxminarayan – Trưởng nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết luận với Hãng tin AFP rằng: “Trẻ em giữ vai trò quan trọng trong chuỗi lây truyền bệnh”.
Cách phòng ngừa, bảo vệ trẻ khỏi COVID-19
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để bảo đảm an toàn cho sức khỏe của trẻ cũng như hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, nhiều trường học đã cho trẻ nghỉ học. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ vẫn cần chú ý những điều sau để nâng cao sức khỏe, giúp bảo vệ trẻ khỏi COVID-19:
– Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng cho trẻ: Cha mẹ cần đảm bảo bé được cung cấp một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý và lối sống lành mạnh. Trong đó cần đặc biệt lưu ý việc cho trẻ uống đủ nước để tăng cường hệ miễn dịch và hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm chứa nhiều đường, ngũ cốc tinh chế như bánh mì, bơ và chất béo.
– Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ: Cha mẹ cần dạy trẻ rửa tay đúng cách; không đưa tay lên mắt – mũi – miệng; đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà và tránh những nơi tập trung đông người.
– Cho trẻ vận động và sinh hoạt điều độ
– Hạn chế tiếp xúc gần với trẻ
– Theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ: Nếu phát hiện thấy những dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt, ho, khó thở cần đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế để điều trị và phát hiện bệnh kịp thời.