‘Bí quyết 7 ngày’ luyện cho bé dưới 1 tuổi tự ngủ

Nếu các mẹ bắt đầu chán và mệt mỏi với việc mất rất nhiều thời gian mỗi tối để cho bé ngủ thì cùng xem xét phương pháp 7 ngày giúp bé ngủ ngon sau đây nhé.

Đây là phương pháp được phổ biến bởi Richard Ferber, tác giả của cuốn sách xuất bản năm 1980 “Solve Your Child’s Sleep Problems” (Giải quyết các vấn đề về giấc ngủ của trẻ). Phương pháp này nên áp dụng với trẻ trong độ tuổi từ 4 đến 8 tháng tuổi.

Bắt đầu giờ ngủ của trẻ với những hoạt động trước khi đi ngủ thông thường, nhưng đừng chờ cho đến khi trẻ ngủ rồi bạn mới đặt trẻ vào nôi. Chỉ cần con thiu thiu buồn ngủ, mẹ hãy đặt con vào nôi. Cho dù bé khóc đi chăng nữa thì mẹ cũng đừng bế bé lên, thay vào đó chỉ cần trấn an bé bằng một giọng nói êm dịu, xoa dịu bé bằng cách vỗ nhẹ vào lưng trẻ. Tiếp theo, mẹ sẽ rời khỏi phòng trong một thời gian ngắn – khoảng 5 phút, sau đó, mẹ trở lại để dỗ trẻ nếu trẻ vẫn còn khó chịu.

Lúc này nếu trẻ có khóc to thì mẹ cũng nhất định không được đưa trẻ ra khỏi nôi. Lặp lại công đoạn này cho đến khi bé đi vào giấc ngủ một mình và làm tương tự nếu bé thức dậy vào giữa đêm. Đêm thứ hai, thời gian mà mẹ rời đi sẽ lâu hơn đêm thứ nhất. Và tương tự với các đêm kế tiếp cho đến khi bé học được cách tự an ủi mình thì mẹ có thể không cần chạy lại dỗ dành trẻ mỗi khi trẻ thức giấc.

Nên ghi lại lịch trình 1 ngày của bé một cách thường xuyên, các mẹ sẽ thấy những ngày các bé ngủ ngoan, đúng giờ sẽ có liên quan đến giờ ăn, giờ chơi, giờ tắm… nên sau đó sẽ rút ra giờ giấc hợp với bé. Nguyên tắc quan trọng là lấy bé làm yếu tố quyết định chứ không phải giờ của bố mẹ đâu nhé. Với ‘kế hoạch’ 7 ngày dưới đây, cha mẹ sẽ nhanh chóng ‘huấn luyện’ bé có giấc ngủ đêm thật sâu và đẫy giấc.

M

Ngày thứ nhất: Bắt đầu những thói quen thông thường

Nhiều trẻ có thói quen sinh hoạt xáo trộn giữa ngày và đêm – các bé thường ngủ một giấc dài vào buổi chiều sau đó lại muốn chơi đùa vào ban đêm. Tuy nhiên, mẹ hoàn toàn có thể giúp bé thay đổi. Buổi sáng, mẹ hãy đánh thức bé dậy sớm vào cùng một thời gian mỗi ngày để bé dần hình thành thói quen. Lưu ý, nên đặt bé nằm ngủ gần cửa sổ không che quá kín. Ánh sáng tự nhiên sẽ giúp trẻ điều chỉnh lại đồng hồ sinh học của cơ thể.

Khi bé ngủ trưa, mẹ cũng không nên đóng hay kéo rèm che cửa sổ. Sở dĩ, điều này có thể giúp bé thay đổi thói quen ngủ là do nếu bé thức dậy sau giấc ngủ trưa và thấy ánh sáng, bé sẽ hiểu rằng đã đến lúc thức dậy, nhưng nếu bé thức dậy và thấy cảnh vật xung quanh trong bóng tối, bé sẽ ngủ tiếp.

Ban đêm, mẹ cần cho bé ngủ theo một trình tự nhất định.

Các bà mẹ nên chọn cho bé một thói quen đi ngủ đặc biệt. Chẳng hạn, mẹ có thể mặc cho bé bộ pyjama và đặt bé vào nôi sau khi đã tắt hết đèn. Trước khi đặt bé vào nôi, bạn nên đọc cho bé nghe một câu chuyện hoặc hát ru để giúp các giác quan của bé hoạt động chậm lại.

Ngày thứ 2: Cùng bé tạo thói quen

Sang ngày thứ 2, mẹ cần tiếp tục lặp lại chính xác những gì đã tập cho bé trong ngày đầu tiên. Nếu bé vẫn đòi bú sữa đêm, hãy tiếp tục cho bé bú nhưng giảm thiểu ánh sáng xung quanh bé. Điều quan trọng là mẹ cần tránh các hành động có thể gây sự chú ý của bé nếu không bé có thể muốn chơi đùa với mẹ. Cùng với đó, vào ban ngày, mẹ nên cho bé bú sữa kết hợp với việc chơi đùa cùng bé như: cù chân hoặc hát những bài hát vui nhộn… làm như vậy, bé dần sẽ phân biệt được ngày – đêm.

Ngoài ra, mẹ cần tiếp tục chú ý tới những thứ có thể dỗ dành bé vào ban đêm. Đối với một số bé, việc tắm có thể giúp bé cảm thấy thư giãn, thả lỏng cơ thể trong khi một số bé khác lại cảm thấy hăng hái, hoạt bát và tỉnh táo hơn.

Các mẹ cũng có thể sử dụng thêm “âm thanh trắng”. Âm thanh đều đều của chiếc quạt máy, máy điều hòa nhiệt độ, hoặc âm thanh của chiếc radio lặp đi lặp lại rất hữu ích với nhiều bé. Một điểm cộng của “âm thanh trắng” là mẹ có thể dừng nó một cách dễ dàng mà không làm bé giật mình.

be ngu ngon 3

Ngày thứ 3: Bé bắt đầu khóc

Ở ngày thứ ba mẹ cần phải cứng rắn hơn so với hai ngày trước. Hãy đặt con vào nôi ngay khi bé còn đang thức, đây là điều đơn giản nhất mẹ có thể làm. Nếu bé ngủ quên khi đang bú mẹ hãy đánh thức con dậy một cách nhẹ nhàng sau đó đặt bé vào nôi. Việc con quấy khóc chắc chắn sẽ xảy ra và không ít mẹ sẽ cảm thấy xót xa nhưng hãy nhớ đến mục đích giúp con ngủ đủ giấc và điều độ. Bạn cũng không cần lo lắng nếu có bỏ mặc bé khóc sẽ ảnh hưởng tâm lý của con. Trên thực tế bé càng nhỏ thì quá trình tập luyện cho con càng đơn giản hơn.

Với những trẻ từ 5 -6 tháng tuổi trở lên sẽ cảm thấy khó thích nghi với việc thay đổi thói quen. Ngược lại với những bé trong khoảng 3 tháng tuổi sẽ chỉ biết đến những thói quen mà mẹ đã hình thành ngay từ thời điểm này. Nếu bé vẫn chưa thể vào nếp như mẹ mong muốn hãy kiểm tra bé 5 phút một lần trong đêm và giúp bé an tâm rằng mẹ luôn ở cạnh bé. Tuy nhiên hãy nhớ không được bật đèn, không bế bé ra khỏi nôi, không đưa bình sữa cho bé… Nếu bé ngủ lại được nhờ vào một trong những thứ đó thì điều này sẽ xảy ra tương tự vào những đêm sau.

Ngày thứ 4: Sự cứng rắn

Đêm thứ 3 với mẹ rất dài phải không? Vào đêm thứ 4 thì mọi việc đã khả quan hơn nhiều rồi. Đầu tiên là việc bé sẽ nhớ được rằng việc quấy khóc không mang lại kết quả như mong đợi. Nếu con vẫn có những hành động tương tự như tối qua hãy kéo giãn thời gian kiểm tra con, đang từ 5 phút một lần hãy đẩy lên thành 10 phút mới kiểm tra một lần. Cho dù con quấy khóc hãy cố gắng đừng nhân nhượng. Nếu mẹ không kiên định, bé sẽ biết và thậm chí còn quấy khóc nhiều hơn đêm thứ 3 để gây sự chú ý.

Ngày thứ 5: Con dần quen với thói quen mới

Hầu hết các bé sẽ quen dần với lịch trình này sau từ 3 đến 5 ngày vì thế đêm nay có thể là đêm nhàn nhã với mẹ. Nếu con tiếp tục quấy khóc vào ban đêm hãy tăng thời gian lên 15 phút mới kiểm tra bé một lần. Một vấn đề xảy ra khi tập thói quen ngủ cho con chính là việc cho bé bú đêm. Khi con được 3 – 4 tháng tuổi đa số trẻ không cần bú đêm nữa. Đương nhiên là mẹ không thể ngừng hẳn việc cho con bú vào mỗi đêm nhưng nên cho bé bú nhanh và im lặng nhất có thể.

Hãy bế con nhưng đừng hát ru, tắt đèn ngay cả khi thay tã và đặt con trở lại nôi thật nhanh ngay sau khi bú xong. Đừng nghĩ rằng các bé lớn hơn thức dậy vào ban đêm là do bị đói. Những bé nặng hơn 5kg ít có nhu cầu bú đêm hơn so với những bé khác. Việc thức đêm đôi khi là do con bú nhiều khiến bé đi tiểu nhiều hơn, đa phần là do tã bị ướt khiến bé tỉnh giấc.

be ngu ngon 1

Ngày thứ 6: Con ngủ ngoan suốt đêm

Nghe thật tuyệt phải không? Nhưng có cần phải kiểm tra ngay cả khi con đã ngủ ngoan không? Thư giãn nào các mẹ. Điều quan trọng là mẹ nên mặc cho bé một bộ đồ đủ ấm để không phải lo lắng mỗi khi con quẫy, gạt chăn ra là sẽ bị lạnh. Mẹ cũng nên hạn chế những âm thanh không cần thiết vì có thể bé sẽ nghe thấy và sẽ lại quấy khóc. Bạn đang đi gần đến đích rồi đừng tự phá bỏ thành quả của mình một cách dễ dàng như thế, đừng vào thăm bé quá vội vàng.

Hãy để con tự tìm cách thích nghi còn mẹ hãy thư giãn và ngủ một giấc ngon lành thôi.

Ngày thứ 7: Mẹ cũng ngủ ngon suốt đêm giống con

Hãy tự thưởng cho bản thân một đêm ngon giấc. Bạn đã tìm được một giấc ngủ quý báu cho bản thân mà còn tạo thói quen ngủ ngon giấc và khoa học cho bé. Bạn biết là thói quen ngủ khoa học cũng quan trọng như vấn đề dinh dưỡng hàng ngày cho sự phát triển của bé.

Phan Liên

Theo Mecon

11 thoughts on “‘Bí quyết 7 ngày’ luyện cho bé dưới 1 tuổi tự ngủ

Leave a Reply

Or