Bé ói – nên lo lắng hay chỉ là chuyện bình thường?

Trong những tuần đầu đời, chuyện các bé sơ sinh bị ói cũng là bình thường vì các bé đang làm quen với chuyện bú mớm, cũng như cơ thể bé đang phát triển. Bạn có thể phân biệt được khi bé ói (lượng lớn) với khi bé chỉ trớ những lượng sữa nhỏ. Tuy thường là không có gì nguy hiểm nhưng việc nôn ói có thể khiến bé sợ, và bé khóc, khiến bạn cũng trở nên lo lắng theo nhiều khi không cần thiết.


Mọi thứ, từ chuyện say xe đến vấn đề tiêu hóa, kể cả việc tự con ho hoặc khóc lâu đều có thể khiến bé bị ói. Vậy nên, bạn có thể sẽ phải chứng kiến cảnh tượng này (và dọn dẹp) khá nhiều lần trong những năm đầu đời của con.

Đợt nôn ói của con thường sẽ dịu và hết trong vòng 6-24 giờ sau khi bắt đầu, bé không cần nhận sự điều trị đặc biệt nào ngoài việc bảo đảm cho bé bú hoặc uống nhiều nước để cơ thể không bi thiếu nước. Miễn là con bạn có vẻ vẫn khỏe và tiếp tục đà tăng cân, bạn thường không cần lo lắng. Tuy vậy, hãy tin vào bản năng của mình và gọi bác sỹ nếu bạn cảm thấy lo lắng.


(Ảnh: Internet)

Khi nào thì nên lo lắng?

Trong những tháng đầu đời của bé, chuyện nôn ói thường xảy ra liên quan đến chuyện cho ăn cho bú, chẳng hạn như khi bụng bé quá no. Sau khoảng thời gian này, chuyện nôn ói đột ngột có thể xảy ra do tình trạng viêm nhiễm chẳng hạn như viêm dạ dày – ruột, dạng nhiễm trùng này thường đi kèm với hiện tượng tiêu chảy.

Con bạn cũng có thể bị ói nếu bé:

  • Bị cảm;
  • Bị nhiễm trùng đường tiểu;
  • Bị nhiễm trùng tai;
  • Dị ứng thực phẩm. Nếu con bạn ngừng ăn loại thực phẩm là tác nhân gây phản ứng dị ứng thì sẽ khỏe lại bình thường; tuy nhiên, hãy trao đổi với bác sỹ trước khi bạn quyết định loại hẳn những món ăn nào đó khỏi chế độ ăn của con.

Thỉnh thoảng, nôn ói có thể là dấu hiệu của các bệnh nghiêm trọng hơn. Hãy gọi bác sỹ nếu bạn nhận thấy bất kỳ cảnh báo nào như dưới đây:

  • Dấu hiệu cho thấy cơ thể con thiếu nước – bao gồm khô miệng, không có nước mắt, thóp sưng, người rũ ra, bé tiểu ít hơn bình thường (tức cần thay ít hơn 6 cái tã/ngày);
  • Bị sốt;
  • Bé không chịu bú;
  • Nôn ói kéo dài quá 12 giờ, hoặc nôn ói lượng nhiều;
  • Những vết phát ban, nổi mẩn không nhạt đi khi bạn ấn lên vùng da đó;
  • Bé lờ đờ buồn ngủ, rất khó chịu;
  • Thóp lồi lên;
  • Hơi thở ngắn;
  • Có lẫn máu hoặc mật xanh khi con ói*;
  • Con ói liên tục và dữ dội trong vòng nửa tiếng sau khi ăn*.

Trường hợp dịch ói có lẫn máu hoặc mật:

Thông thường nếu trước khi ói con vẫn khỏe mạnh thì một chút máu lẫn là không đáng lo, có thể chỉ là lực ói ngược trở ra của con đã tạo nên những vết rách nhỏ ở ống dẫn thức ăn. Một chút máu lẫn trong dịch ói cũng có thể là từ vết thương nào đó trong miệng bé hoặc bé đã bị chảy máu cam trong vòng 6 tiếng đồng hồ trước đó. Tuy nhiên, hãy gọi bác sỹ nếu con bạn tiếp tục ói ra máu, lượng máu tăng lên. Bác sỹ có thể sẽ muốn xem mẫu dịch ói có lẫn máu hoặc mật của con, vậy nên dù đây không phải là nhiệm vụ gì dễ chịu, bạn vẫn hãy cố gắng giữ lại một ít.

Trong khi đó, mật xanh có thể là dấu hiệu cho thấy ruột bị nghẹt, và tình trạng này cần được chú ý điều trị ngay.

Con nôn ói lâu, liên tục, rất nhiều trong khoảng nửa tiếng sau ăn:

Đây có thể là dấu hiệu của hẹp môn vị. Bác sỹ thường có thể phát hiện thấy bé bị hẹp môn vị khi em bé được vài tuần tuổi, nhưng những dấu hiệu của tình trạng này cũng có thể xuất hiện vào bất cứ lúc nào trước khi bé được 4 tháng tuổi.Hẹp môn vị là tình trạng van dẫn từ dạ dày sang ruột bị quá dày và không mở đủ để thức ăn có thể đi qua, do đó gây ói. Tình trạng này cần được can thiệp ngay lập tức, nhưng bạn không cần quá sợ hãi vì bác sỹ có thể chữa trị đơn giản bằng tiểu phẫu.

Nên làm gì khi con ói?

Nếu không rơi vào những trường hợp có cảnh báo như trên thì nói chung chuyện con ói không mấy đáng lo và sẽ sớm hết. Bạn có thể giúp con chóng khỏe khoắn, tươi tắn lại hơn bằng cách:Tiếp nước cho cơ thể con: Khi ói là cơ thể con đang mất đi lượng nước quý giá, bạn hãy nhớ tìm cách giúp con bù đắp lại để tránh tình trạng thiếu nước xảy ra. Bạn có thể cho con uống từng ngụm nước điện giải (ORS) vài lần mỗi giờ, cùng với lượng sữa và nước mà bé thường bú, uống; đừng cho con uống nước trái cây hay nước có ga nhé.


(Ảnh: Internet)

Dỗ con trở lại với những thói quen vốn có: Nếu con bạn không nôn ói kéo dài đến 12-24 giờ, bạn có thể bắt đầu cho bé quay lại chế độ ăn bình thường, nhưng hãy cho bé uống nhiều nước (nếu bé chưa đủ tuổi uống nước thì phương án thay thế chính là sữa). Nếu bé đã ăn dặm, hãy cho bé những loại thực phẩm dễ tiêu hóa như ngũ cốc, sữa chua. Bạn cũng có thể thử cho con ngậm những viên đá nhỏ nếu bé đã trên 12 tháng.

Giúp con nghỉ ngơi: Giấc ngủ có thể giúp dỗ yên con, cho bé khỏe lại. Thường thì trong giấc ngủ, dạ dày sẽ “chuyển giao” hết tất cả sang ruột và trở nên trống, giải tỏa nhu cầu phải ói của con.

Bạn đừng cho con uống thuốc chống nôn ói (dù là loại kê toa hay không cần kê toa), trừ khi chính bác sỹ của con yêu cầu.Nếu bạn đã cho con đi học hoặc gửi trẻ, hãy cho bé nghỉ ở nhà trong khoảng 48 tiếng để theo dõi thêm.

Theo webtretho

Leave a Reply

Or