Bác sĩ “mát tay” chữa hiếm muộn kể chuyện thụ thai cho bà mẹ 60 tuổi lần đầu mang bầu

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã cho rằng đối với những người lớn tuổi thì chỉ nên sinh con khi thực sự cực chẳng đã, còn khi đã có con và tuổi cao thì không nên đẻ nữa.

Câu chuyện về một sản phụ sinh năm 1959 (chồng sinh năm 1957) thực hiện IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) và vừa sinh con thành công ở tuần thứ 35 đã mở ra hy vọng cho những người có ý định sinh con khi đã lớn tuổi. Nói về trường hợp hy hữu tại Việt Nam này, bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Phụ trách Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện Hà Nội, người được mọi người gọi với cái tên thân thiện “bà mẹ trăm con” cho biết đây là người phụ nữ cao tuổi nhất tính đến thời điểm này thực hiện thụ tinh nhân tạo tại Trung tâm.

Là người trực tiếp thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, chăm sóc và theo sát bà mẹ 60 tuổi mang thai này, bác sĩ Nguyễn Thị Nhã cho rằng đối với những người lớn tuổi thì chỉ nên sinh con khi thực sự cực chẳng đã, còn khi đã có con và tuổi cao thì không nên đẻ nữa.

Bác sĩ cũng có những chia sẻ về việc nên hay không khi sinh con khi tuổi đã lớn và những lưu ý trước và trong quá trình mang thai với bà mẹ lớn tuổi.

bac si "mat tay" chua hiem muon ke chuyen thu thai cho ba me 60 tuoi lan dau mang bau - 1

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã tư vấn cho bệnh nhân. (Ảnh: Hoàng Anh)

Sản phụ 60 tuổi sinh con là một “kỳ tích”

Thưa bác sĩ, chuyện người phụ nữ vừa sinh con ở độ tuổi 60 được nhiều người cho là một “kỳ tích” và có thể nói đã tạo động lực cho rất nhiều người đang có hy vọng sinh con khi tuổi đã cao. Bác sĩ có thể chia sẻ một chút về sản phụ đặc biệt này không?

Nói về người phụ nữ này thì trước nay chưa hề mang thai, sinh con lần nào. Khi đến viện điều trị chị ấy đã mãn kinh. Sau khi thăm khám, các bác sĩ ở trung tâm quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm từ trứng của người hiến tặng và tinh trùng người chồng.

Trước khi quyết định cho sản phụ mang bầu, chúng tôi đã cho kiểm tra kỹ tình trạng sức khỏe. Thật may là sản phụ khỏe hoàn toàn, tuy nhiên đến lúc gần 30 tuần thì sản phụ bị tiểu đường thai kỳ và phải điều trị để điều chỉnh đường huyết, sau đó về nhà bác sĩ cho thuốc để kiểm tra định kỳ. Riêng tiểu đường thai kỳ thì nhiều người kể cả trẻ cũng bị.

Còn bé được sinh ra hoàn toàn bình thường, nặng 2,6 kg và bú mẹ tốt. Hiện tại đây là bà mẹ lớn tuổi nhất thực hiện IVF ở trung tâm, và là phụ nữ lớn tuổi nhất sinh con đầu lòng ở Việt Nam. Có thể nói đó là một “kỳ tích”.

bac si "mat tay" chua hiem muon ke chuyen thu thai cho ba me 60 tuoi lan dau mang bau - 2

Người phụ nữ 60 tuổi sinh con đầu lòng có thể coi là một “kỳ tích”. (Ảnh minh họa)

Vậy trước và trong quá trình mang ở độ tuổi như vậy cần phải lưu ý những vấn đề gì, thưa bác sĩ?

Trước khi quyết định để cho bệnh nhân mang thai, mình đã phải tư vấn và cho kiểm tra sức khỏe thật kỹ lưỡng. Trước tiên là xét nghiệm toàn bộ xem họ có bị mắc bệnh gì hay không, nhất là về chức năng gan, thận, chức năng đông máu, điện tim… Bởi vì ở những người lớn tuổi thường hay mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, nên trước khi làm bao giờ cũng phải kiểm tra đầy đủ.

Trong quá trình mang thai cũng phải theo dõi rất chặt. Tuy rằng bệnh nhân nào cũng phải theo dõi chặt nhưng ở những người có tuổi thì càng phải chặt hơn. Bởi khi mang thai rất dễ bị cao huyết áp. Ở người trẻ thì nguy cơ thấp hơn, còn ở những người cao tuổi thì nguy cơ cao hơn.

Bên cạnh đó, bệnh đái đường ở những người trẻ ít hơn, nhưng người già thì dễ bị chuyển hóa hơn. Đối với những người bị tiểu đường thai kỳ, thuốc phải điều trị theo đơn, kết hợp theo dõi huyết áp, ăn uống phải giảm ăn đường, và không ăn mặn dễ cao huyết áp, còn lại cần ăn uống bình thường, đầy đủ dưỡng chất.

bac si "mat tay" chua hiem muon ke chuyen thu thai cho ba me 60 tuoi lan dau mang bau - 3

Trong quá trình mang thai cũng phải theo dõi rất chặt. (Ảnh minh họa)

Phụ nữ lớn tuổi khi thực hiện IVF có rất nhiều nguy cơ

Khi thực hiện IVF đối với những người lớn tuổi thì có thể xảy ra những nguy cơ như thế nào và khó khăn cụ thể ra sao, thưa bác sĩ?

Những người trẻ thì đỡ hơn còn những người có tuổi thì cần kiểm tra kỹ càng. Khi thực hiện nếu dùng bằng chính trứng của họ thì tỷ lệ thành công cũng không cao. Nhưng thông thường những người đã mãn kinh mà họ xin trứng thì tỷ lệ thành công hầu như là cao như những người trẻ vì phụ thuộc vào chất lượng trứng dẫn đến chất lượng phôi nên không đáng ngại lắm.

Đối với những trường hợp xin trứng thì sức khỏe của con cũng giống như những người trẻ vì phôi xuất phát từ trứng của người trẻ tuổi. Đồng nghĩa với việc nguy cơ mắc bệnh của những phôi đó là rất ít.

Còn những người sinh năm 1971 trở ra mà sinh con bằng chính trứng của họ, cũng có những người chỉ có một trứng, một cái thai thì tất nhiên phải theo dõi sát để xem có bất thường gì không. Thậm chí có người cẩn thận hơn người ta chuẩn đoán tiền làm tổ xem có bị bệnh lý gì không, nếu có sẽ thôi không chuyển còn không thì vẫn chuyển bình thường.

Tuổi đã cao thì chỉ nên sinh con khi cực chẳng đã

Bác sỹ có lời khuyên như thế nào đối với những phụ nữ muốn sinh con khi đã lớn tuổi?

Mình nghĩ là thực sự cực chẳng đã thì phải sinh thôi, như mấy chị chưa có đứa con nào thì hãy sinh thôi. Còn khi đã có con rồi tuổi cao thì cũng không nên đẻ nữa. Và khi làm cho họ thì mình cũng phải kiểm tra chặt chẽ về sức khỏe của họ để làm sao khi mang bầu, sinh con sẽ hạn chế được những nguy cơ không tốt đối với mẹ và con.

bac si "mat tay" chua hiem muon ke chuyen thu thai cho ba me 60 tuoi lan dau mang bau - 4

Bác sỹ khuyên những phụ nữ lớn tuổi chỉ nên sinh con khi cực chẳng đã. (Trong ảnh, bác sĩ Nhã đang thăm hỏi một sản phụ mới sinh con tại Bệnh viện Bưu điện – Ảnh: Hoàng Anh)

Những người nào già quá chẳng hạn, trứng kém quá thì tôi khuyên họ nên xin trứng, có trường hợp sinh năm 1969 vẫn còn trứng thì vẫn làm. Với những trường hợp như thế chúng tôi cũng khuyên họ nên chẩn đoán tiền làm tổ bởi vì phôi của những người lớn tuổi thì không biết thế nào, tỷ lệ phôi bất thường cao, đến lúc chuyển phôi vào không may lại sinh ra một đứa con bất thường hoặc là một phôi bất thường, hoặc bị hỏng người ta phải giải quyết thì rất là vất vả.

Xin cảm ơn những chia sẻ của bác sỹ!

Theo Bài và Ảnh: Hoàng Anh (Khám Phá)

Leave a Reply

Or