Bà bầu ăn gì để vào con mà không vào mẹ?

Ăn gì để vào con mà không vào mẹ là chủ đề thu hút được sự quan tâm của đông đảo mẹ bầu. Những bí quyết dinh dưỡng hợp lý trong từng giai đoạn của thai kỳ sẽ giúp mẹ thực hiện được mục tiêu trên.

Thực hiện chế độ dinh dưỡng cho bà bầu khoa học trong từng tam cá nguyệt không chỉ giúp mẹ bổ sung kịp thời các dưỡng chất cần thiết cho từng giai đoạn phát triển của thai nhi mà còn có tác dụng duy trì sức khỏe và vẻ đẹp cho mẹ. Rất nhiều bà mẹ trẻ hiện nay tuân thủ chế độ ăn khá nghiêm ngặt trong thai kỳ để duy trì vóc dáng mà vẫn đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh. Câu trả lời cho thắc mắc ăn gì để vào con mà không vào mẹ nằm ngay trong tầm tay nếu mẹ nghiêm túc thực hiện những nguyên tắc ăn uống khoa học trong cả thai kỳ của mình.

1. Tam cá nguyệt đầu tiên: Đừng nên ăn nhiều

Tam cá nguyệt này là lúc mẹ cần chú ý ăn gì để vào con mà không vào mẹ. Sai lầm của rất nhiều mẹ là ngay khi vừa biết mình mang thai đã vội vã tẩm bổ nào là trứng ngỗng, nào là cháo cá chép… Kỳ thực, 3 tháng đầu mang thai chưa phải là giai đoạn để gia tăng về “số lượng” mà chủ yếu tập trung vào “chất lượng” thực phẩm. Cụ thể, mẹ sẽ cần:

  • 400 – 800mcg a-xít folic mỗi ngày thông qua viên uống bổ sung, các loại rau lá xanh đậm như súp lơ xanh, cải bó xôi, các loại đậu, trứng và các loại hạt. Lượng rau quả mẹ cần ăn mỗi bữa là khoảng 200g để cung cấp đủ lượng a-xít folic cần thiết kể trên.
  • Chất sắt: Mẹ nên bổ sung ít nhất 27mg sắt mỗi ngày từ những phẩm giàu sắt như thịt đỏ, cá, trứng, tim… Ở giai đoạn này, mẹ bầu khỏe mạnh chưa cần thiết phải bổ sung chất sắt, nhưng đối với các mẹ bị thiếu máu, bác sĩ có thể sẽ chỉ định thêm thuốc sắt.
  • Các a-xít béo: Ở tuần thứ 7 trở đi, sự tăng trưởng của các bán cầu não bắt đầu diễn ra mạnh mẽ hơn. Chính vì vậy, việc bổ sung một lượng chất béo vừa phải trong giai đoạn này sẽ giúp ích cho sự phát triển não bộ của bé. Chất béo có lợi như omega-3, 6, 9 có nhiều trong các loại cá, trứng, quả bơ, dầu ô-liu…
    Ăn gì để vào con mà không vào mẹ

    Bà bầu nên ăn chế độ ăn giàu dinh dưỡng, ít tinh bột để không tăng quá nhiều cân nặng

Ngoài những dưỡng chất kể trên, mẹ chưa cần thiết phải ăn thêm nhiều thức ăn. Tuy nhiên, mẹ nên lưu ý từ bỏ những món ăn có hại cho thai nhi như bánh, kẹo ngọt, đồ ăn chứa nhiều đường, phẩm màu nhân tạo, cà phê hay thực phẩm chế biến sẵn ngay từ lúc này. Bắt đầu một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bao gồm đầy đủ các nhóm thực phẩm ngay từ thời điểm này, mẹ nhé.


2. Tam cá nguyệt thứ hai: Thêm 300 calo mỗi ngày

Ở tam cá nguyệt thứ hai, mẹ đã bắt đầu cần phải tăng thêm lượng thực phẩm, tuy nhiên, số lượng chỉ ở mức rất vừa phải. Trung bình, mỗi ngày mẹ chỉ cần tăng thêm 300 calo cho khẩu phần ăn của mình. 300 calo chỉ tương đương với 1,5 chén cơm, 1 ly sữa hoặc 1 lát bánh mì.

Thay vì quá quan tâm đến số lượng, mẹ vẫn cần đầu tư vào các dưỡng chất then chốt trong giai đoạn này:

  • Canxi: Hệ xương của thai nhi bắt đầu phát triển nhanh chóng trong tam cá nguyệt thứ hai, nhất là trong khoảng từ tuần 19 trở đi. Mỗi ngày, mẹ bầu sẽ cần từ 1.000 đến 1.200mg canxi. Mẹ có thể bổ sung khoảng 3 ly sữa và các thực phẩm giàu canxi như trứng, tôm, súp lơ, các loại đậu… để đáp ứng nhu cầu này. Ngoài ra, từ tam cá nguyệt thứ hai, các bác sĩ sẽ kê thêm canxi dạng lỏng hoặc viên sủi để đảm bảo mẹ không bị thiếu canxi.
  • Sắt: Mẹ đừng quên bổ sung các thực phẩm giàu sắt và uống viên sắt theo chỉ định của bác sĩ để đáp ứng nhu cầu của cơ thể lúc này.

Hầu hết các mẹ bầu tăng ít cân trong thai kỳ đều hạn chế tinh bột, thay vào đó, các mẹ này ăn nhiều protein từ thịt, cá, trứng, các loại đậu. Bên cạnh đó, các mẹ cũng bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cần thiết để vừa duy trì sức khỏe, vừa giúp bé cưng phát triển khỏe mạnh.

 

3. Tam cá nguyệt cuối: Vẫn nên ăn vừa phải

Dù ở tam cá nguyệt này, thai nhi tăng tốc trong sự phát triển cân nặng lẫn chiều dài, mẹ bầu chỉ cần ăn bổ sung khoảng 450 calo so với trước lúc mang thai, nhiều hơn lượng bổ sung trong tam cá nguyệt trước chỉ 150 calo. Lượng dinh dưỡng 450 calo chỉ tương đương với 1 dĩa cơm tấm, 1 tô bún bò hay 1 ổ bánh mì thịt.

Những dưỡng chất cần thiết cho mẹ lúc này vẫn là canxi, sắt, các loại vitamin và khoáng chất. Thai nhi sẽ cần thêm năng lượng từ carbohydrate, protein và chất béo, tuy nhiên, mẹ không nên ăn vượt quá lượng cần thiết ở trên.

Trong những tuần cuối thai kỳ, mẹ nhớ ăn thêm nhiều rau, củ quả để bổ sung chất xơ, tránh táo bón và duy trì lượng cholesterol cần thiết trong cơ thể. Mẹ cũng nên uống nhiều nước và tránh ăn mặn để hạn chế tình trạng phù chân trong những tuần cuối này.

Việc ăn gì để vào con mà không vào mẹ cần phải đi cùng với “ăn lúc nào”, “ăn như thế nào”. Với việc xác định những dưỡng chất nào cần thiết cho bé và loại thực phẩm nào cung cấp những dưỡng chất đó, mẹ sẽ tránh được việc ăn uống quá nhiều những loại thực phẩm không thật sự cần thiết. Bên cạnh đó, mẹ bầu nên ăn nhiều bữa trong ngày để dễ tiêu hóa, đồng thời ăn vừa đủ no là được. Mẹ nên hạn chế tâm lý cần phải ăn thật nhiều thực phẩm nhiều chất bổ, vì thai nhi không hấp thụ hết và cơ thể sẽ chuyển thành dạng mỡ dưới da của mẹ, khiến mẹ khó lấy lại vóc dáng sau khi sinh.

 Theo MarryBaby

Leave a Reply

Or