Axit folic: Những điều mẹ bầu nên biết

Axit folic hay còn gọi là vitamin B9 được xem như là “thực phẩm vàng” của phụ nữ mang thai. Ngay từ khi có dự định mang thai, bạn đã được khuyên là nên bổ sung thêm axit folic cho cơ thể. Nhưng thật ra, không phải ai cũng biết được sự quan trọng của axit folic và phải bổ sung axit folic như thế nào là tốt nhất. Dưới đây là 5 điều về axit folic mà những bà mẹ tương lai cần trang bị cho bản thân

1. Giảm 50-70% nguy cơ khuyết tật ống thần kinh

Ống thần kinh là cấu trúc tồn tại trong phôi thai và sẽ phát triển thành não và tủy sống. Dị tật ống thần kinh có thể dẫn đến sự phát triển không bình thường của não và cột sống của bé. Axit folic đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất tế bào máu và có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ống thần kinh. Thậm chí theo trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh tại Mỹ, những phụ nữ được cung cấp đủ axit folic trước và trong thai kỳ có thể giúp bé yêu giảm hơn một nửa các nguy cơ bị khuyết tật ống thần kinh.

Ngoài ra, axit folic cũng giúp giảm nguy cơ thiếu máu, xuất huyết, sinh non và giảm các bệnh trong thai kỳ như tiền sản giật…

2. Tỷ lệ thiếu hụt axit folic ở Việt Nam

Theo khảo sát của Tổ Chức Y Tế Thế Giới và Viện Dinh Dưỡng Việt Nam, có hơn 50% phụ nữ Việt Nam ở trong độ tuổi sinh sản có nồng độ axit folic trong máu thấp dưới ngưỡng tối ưu có thể phòng ngừa khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi. Như vậy có nghĩa là trong hai người phụ nữ thì có một người mang nguy cơ tiềm ẩn sinh con bị dị tật ống thần kinh và người đó có thể là bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào.

3. Những giai đoạn cần thêm axit folic cho cơ thể

Ống thần kinh phát triển trong giai đoạn đầu khi thai nhi mới được hình thành nên ngay cả khi chưa biết mình mang thai, bạn cũng đã bỏ lỡ mất cơ hội quan trọng để bổ sung axit folic cho cơ thể rồi. Vậy nên, để an toàn nhất, bạn nên bổ sung khoảng 400 mcg axit folic mỗi ngày trước khi mang thai 6 tháng. Trong thai kỳ, bạn nên đảm bảo cung cấp đủ cho cơ thể 600 mcg axit folic mỗi ngày và khoảng 500 mcg trong thời ki cho con bú, ít nhất khi bé được 3 tháng tuổi.

axit folic

4. Chế độ ăn hàng ngày không cung cấp đủ lượng axit folic cần thiết

Các loại thịt đỏ, trứng, các loại đâu, các loại rau xanh, trái cây… đều là những thực phẩm giàu axit folic mà bạn có thể thêm vào bữa ăn hàng ngày để bổ sung thêm axit folic cho cơ thể. Tuy nhiên, axit folic là loại vitamin hòa tan được trong nước và dễ mất đi trong quá trình nấu nướng. Vì vậy, cho dù bạn có ăn nhiều thực phẩm có axit folic nhưng cũng không thể đảm bảo việc cơ thể bạn không bị thiếu hụt axit folic.

5. Tối ưu hóa quá trình bổ sung thêm axit folic

Trong các thực phẩm hàng ngày có một lượng axit folic lớn nhưng để đảm bảo, bạn nên kết hợp ăn uống và dùng thêm thuốc bổ sung axit folic cho phụ nữ mang thai. Ngoài ra, đế tối ưu quá trình hấp thụ axit folic, bạn nên uống thuốc giữa 2 bữa ăn và dùng chung với nước ép cam, chanh vì vitamin C giúp tăng khả năng hấp thu axit folic, tránh dùng chung với trà và cà phê.

Theo MarryBaby

Leave a Reply

Or