4 thực phẩm không nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn, bằng không sẽ rất nguy hại
Ngoài muối, còn có 3 loại đồ ăn khác mà trẻ dưới 1 tuổi cần tránh xa, bởi chúng sẽ gây hại cho trẻ chẳng khác gì “thuốc độc” cả.
Để chăm sóc, nuôi dưỡng một đứa trẻ phát triển khỏe mạnh thực sự là công việc đòi hỏi nhiều thời gian, sức lực và tâm trí. Cha mẹ nào cũng muốn con ăn tốt, tăng cân đều đặn. Vì thế, họ tìm mọi cách để giúp con ăn ngon miệng hơn.
Nhiều cha mẹ, ông bà đã nếm thử bột/cháo của trẻ thấy nhạt nhẽo, vô vị quá, cho rằng đó là lý do trẻ không chịu ăn. Họ liền nêm nếm mắm, muối như khẩu vị của người lớn, thấy con ăn ngon hơn thì mừng lắm. Nhưng đó là một hành động sai lầm, có thể để lại nhiều hậu quả tai hại đối với sức khỏe của trẻ.
Đã có trường hợp, em bé còn rất nhỏ, mới 1-2 tuổi nhưng đã bị suy thận. Nguyên do bởi bé ăn quá nhiều muối vì cha mẹ nêm gia vị cho con khi trẻ chưa được 1 tuổi.
Ngoài muối, còn có 3 loại đồ ăn khác mà trẻ dưới 1 tuổi cần tránh xa, bởi chúng sẽ gây hại cho trẻ chẳng khác gì “thuốc độc” cả. Dưới đây là chi tiết 4 thực phẩm cha mẹ không nên cho trẻ dưới 1 tuổi sử dụng.
1. Muối
Cơ thể của trẻ thừa muối có thể làm tăng áp lực lên thận và gây ra nhiều vấn đề về huyết áp khi trẻ lớn lên. (Ảnh minh họa)
Dưới 1 tuổi, thận của trẻ chưa thích ứng được với lượng muối nhiều. Trẻ dưới một tuổi chỉ cần 0,4g muối mà hàm lượng này đã hoàn toàn được đáp ứng bởi sữa mẹ, sữa công thức và các thực phẩm tự nhiên khi trẻ ăn dặm. Vì thế cha mẹ không cần dùng thêm muối khi chế biến đồ ăn cho con.
Đồng thời không nên sử dụng hạt nêm hay nước sốt để nêm nếm thức ăn cho bé vì các loại gia vị này cũng có hàm lượng muối cao. Cơ thể của trẻ thừa muối có thể làm tăng áp lực lên thận và gây ra nhiều vấn đề về huyết áp khi trẻ lớn lên.
Lượng muối tối đa theo khuyến cáo của các chuyên gia dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là:
– Dưới 12 tháng tuổi – ít hơn 1g muối/1 ngày;
– Từ 1 đến 3 tuổi – 2g muối/ngày;
– Từ 4 đến 6 tuổi – 3g muối/ngày;
– Từ 7 đến 10 tuổi – 5g muối/ngày;
– Từ 11 tuổi trở lên – 6g muối/ngày.
2. Lòng trắng trứng
Trứng là thực phẩm có chứa lượng protein, vitamin D và chất khoáng dồi dào. Tuy nhiên, trứng lại là món ăn rất dễ gây dị ứng cho trẻ, đặc biệt là lòng trắng. Các protein trong lòng trắng trứng có thể làm bé bị dị ứng hoặc dị ứng phát triển trong tương lai.
Ngoài ra, bạn không nên cho trẻ ăn trứng sống hay trứng chưa chín kỹ và chỉ nên sử dụng lòng đỏ trứng để chế biến đồ ăn dặm cho con khi trẻ chưa được 1 tuổi.
3. Mật ong
Mật ong chưa qua xử lý có thể gây ngộ độc, táo bón, hôn mê, thậm chí tử vong cho trẻ dưới 1 tuổi. (Ảnh minh họa)
Mật ong là thực phẩm rất có lợi cho sức khỏe nhưng được khuyến cáo không nên cho trẻ dưới một tuổi sử dụng. Nguyên nhân là mật ong có chứa lượng đường lớn và chất gây ngộ độc clostridium botulinum.
Với người lớn, bào tử này hoàn toàn vô hại vì hệ tiêu hóa đã trưởng thành. Nhưng với trẻ dưới một tuổi, hệ tiêu hóa của bé chưa đủ sức để vô hiệu hóa các bào tử đó.
Vì thế, mật ong chưa qua xử lý có thể gây ngộ độc, táo bón, hôn mê, thậm chí tử vong cho trẻ.
4. Sữa bò
Theo tạp chí Parents, sữa bò chứa rất nhiều protein và chất khoáng khiến trẻ dưới một tuổi khó tiêu. Nó có thể dẫn đến đầy bụng, rối loạn tiêu hóa và gây hại đến thận của bé.
Hàm lượng sắt, vitamin C và một số chất dinh dưỡng khác trong sữa bò cũng không đáp ứng được nhu cầu của bé trong giai đoạn này. Không những thế, dị ứng sữa bò hay nói chính xác hơn là dị ứng với protein sữa bò, là tình trạng khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, hiện nay sữa tươi đã qua đóng hộp cũng chứa nhiều chất phụ gia không thân thiện với hệ tiêu hóa của trẻ.
Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo không nên cho trẻ dưới 12 tháng tuổi dùng sữa bò đều đặn như đồ uống chính. Nếu muốn, cha mẹ chỉ nên bắt đầu dùng một lượng nhỏ sữa bò để trộn vào đồ ăn khi bé được 9 tháng tuổi.