3 thói quen dùng phấn rôm của mẹ khiến trẻ có thể gặp nguy hiểm
Phấn rôm là sản phẩm nhiều mẹ dùng cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên việc lạm dụng và sử dụng không đúng cách sẽ khiến cho có thể gặp rất nhiều nguy hiểm đến sức khỏe
1. Bôi phấn rôm trước khi đóng bỉm
Nhiều cha mẹ nghĩ khi con bị hăm nhất bị hăm ở bẹn khi dùng tã, dùng phấn rôm sẽ giúp phòng ngừa hăm tã cho bé. Vì vậy, họ thường có thói quen bôi phấn rôm vào vùng kín trước khi đóng bỉm cho con để giữ cho làn da bé được khô ráo. Tuy nhiên, việc bôi phấn rôm sau khi bé tắm và trước khi quấn tã, đóng bỉm chống hăm cực kỳ nguy hại.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai khi phấn rôm được thoa vào vùng nhạy cảm, lại bị bịt kín bởi chiếc bỉm khiến những hạt bụi phấn không thoát ra ngoài được. Điều này sẽ gia tăng tình trạng bí bách cho làn da của bé không được thoát ra ngoài mà ngược lại gây ẩm. Đồng thời các phân tử phấn rời rạc cũng không tạo thành một lớp màng bảo vệ, tạo khoảng trống cho các enzim trong chất thải xâm nhập vào da của bé gây nên tình trạng mẩn ngứa, dị ứng.
Theo Tiến sĩ Daniel Cramer, nhà dịch tễ học người Mỹ, ước tính có ít nhất 10.000 phụ nữ bị ung thư buồng trứng do có tiếp xúc trực tiếp hàng ngày với phấn xoa da trẻ em. Nhiều nghiên cứu trước đó cũng chỉ ra rằng phấn rôm làm tăng nguy cơ ung thư ở các bé gái. Việc làm dụng phấn rôm trong một thời gian dài sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư buồng trứng cao gấp 4 lần so với trẻ bình thường.
Tuyệt đối đừng lạm dụng phấn rôm cho trẻ nhỏ
2. Dùng phấn rôm trị rôm sảy
Các bà mẹ bỉm sữa có thói quen cứ con rôm sảy là dùng phần rôm để bôi cho bớt rôm. Theo PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng, phấn rôm không có tác dụng trị rôm sảy như mọi người nghĩ, thậm chí còn làm bít lỗ chân lông của trẻ, làm các bệnh hăm da, viêm da nặng hơn khi không dùng. Thường trẻ bị rôm sảy do nóng ở trong nên phát ra ngoài bằng với những biểu hiện ngứa nhiều nốt đỏ, nếu trầm trọng còn mưng mủ…
Nhiều bậc cha mẹ thấy con bị rôm sảy cuống quýt ngay lập tức lấy phấn rôm bôi lên những vùng trẻ bị rôm mọc để cho khỏi ngứa. Tuy nhiên việc lạm dụng bôi phấn rôm nhiều quá còn làm che bít lỗ chân lông của trẻ, làm mồ hôi không thoát được ra khiến trẻ càng ngứa mạnh hơn, mà khi đã không thoát được mồ hôi thì bôi phấn rôm lại càng bị rôm hơn thậm chí gây nhiễm trùng da cho trẻ.
Để phòng tránh rôm sảy, hăm tã lót cho trẻ nên dùng loại vải sợi, cotton mỏng, may rộng, thoáng, thấm mồ hôi tốt. Bố mẹ nên thay quần áo thường xuyên cho trẻ, nếu cơ thể trẻ không bị nóng nực, ít tiết mồ hôi thì rôm sảy có thể khỏi nhanh chóng.
Nên tắm thường xuyên cho trẻ để giúp cho cơ thể thoáng mát, làn da sạch sẽ, các lỗ chân lông không bị bịt kín.
3. Bôi phấn rôm sau mỗi lần tắm giúp da trẻ mịn màng
Việc bôi phấn rôm không tốt cho sức khỏe của bé.
Không hiếm các bà mẹ sau khi bé tắm xong thường thoa phấn rôm cho da bé mịn màng, mềm mại, thơm tho. Nhưng việc lạm dụng việc này quá nguy hiểm bởi thành phần của phấn rôm vẫn là bột talc, muối canxi, muối kẽm; chất béo và một số chất tạo mùi thơm. Một số loại phấn rôm có chứa cả những hoạt chất có hại như etylen oxit, một chất dùng trong sản xuất công nghiệp và khử trùng các thiết bị y tế. Ở liều lượng nhất định etylen nozit có thể dẫn đến tổn thương phổi, gây cảm giác buồn nôn, nôn và thậm chí có thể dẫn đến ung thư. Nếu lạm dụng bột phấn rôm nhiều thì khi bôi, trẻ hít phải bụi phấn rôm, trẻ sẽ bị ho, khó thở, nôn, nặng hơn có thể tím tái lại hay phù phổi.
Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát độc chất Mỹ, trung bình mỗi năm có gần 6.300 trẻ nhiễm độc do phấn rôm xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 6 tuổi 5.719 trường hợp (91%), 259 trường hợp (4,1%) ở trẻ lớn hơn 6 tuổi và cũng có 301 trường hợp (4,8%) xảy ra ở người lớn. Có 409 (6,4%) ca phải nhập viện.
Các chuyên gia khuyến cáo trước khi dùng, cần thử phản ứng da của trẻ với sản phẩm bằng cách lấy một ít phấn ra tay, thoa nhẹ nhàng lên da của bé và theo dõi trong 24 giờ. Bố mẹ cũng tránh bôi phấn rôm cho trẻ ở nơi có nhiều gió, quạt; không thoa phấn lên vùng da bị hăm hay đang bị viêm nhiễm và tuyệt đối không nên lạm dụng phấn rôm.
Theo webtretho