3 dấu hiệu phân biệt bệnh sởi và sốt phát ban để trẻ không bị biến chứng, tử vong
Nhiều trẻ bị sởi biến chứng là do sự chủ quan của phụ huynh khi ban đầu cho rằng con mình bị sốt phát ban và tự điều trị tại nhà.
Thời tiết thay đổi đột ngột, độ ẩm trong không khí cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh sởi bùng phát thành dịch. Thực tế, hiện nay sởi đã xuất hiện tại 44 tỉnh thành phố trong cả nước, tại Hà Nội đã có ít nhất 150 ca mắc sởi được ghi nhận.
Riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương hiện đang điều trị cho 30 trẻ mắc sởi và mỗi ngày có từ 3-15 ca sởi được ghi nhận. Đó cũng là tình trạng đang xảy ra tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Đa số các trẻ điều trị tại hai bệnh viện này đều có biến chứng nặng, thậm chí có trẻ nguy kịch đến tính mạng. Một trong số nguyên nhân khiến trẻ mắc sởi bị biến chứng đó chính là sự chủ quan đến từ phía phụ huynh.
Các chuyên gia cho biết, khi trẻ có dấu hiệu mắc sởi nhưng bố mẹ lại nghĩ con bị sốt phát ban nên không đưa đến viện kịp thời, thậm chí là tự điều trị từ đó dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Phụ huynh cần phân biệt sởi và sốt phát ban để tránh gây biến chứng cho trẻ.
Ths. BS Đỗ Thiện Hải – Phó khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương) cho biết, bệnh sởi cũng có biểu hiện sốt và phát ban, tuy nhiên phát ban của sởi lại có đặc điểm khác so với sốt phát ban thông thường.
Để các bậc phụ huynh có thể phân biệt phát ban của sởi và sốt phát ban thông thường, BS Hải chỉ ra 3 điểm khác biệt cơ bản nhất. Thứ nhất đó là nốt ban sởi trình tự mọc ban từ sau tai lan ra mặt – lưng, sau từ 2-3 ngày ban sẽ lan ra toàn thân.
Khi thấy trẻ sốt cao buổi sáng có phát ban ở sau tai, chiều các ban lan ra mặt và ngực thì cha mẹ cần nghĩ ngay tới sởi. Còn sốt phát ban thông thường thì sẽ mọc toàn thân ngay khi mọc ban.
Điểm khác biệt thứ hai đó là, để nhận ra trẻ mắc sởi sớm vào ngày thứ 2 trẻ sốt cao sẽ có thêm biểu hiện mắt hơi đỏ (viêm kết mạc) hoặc mắt trẻ có rỉ mắt nhiều hơn.
Điểm khác biệt thứ 3 là khi trẻ mắc sởi thường kèm thêm các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi do bị viêm long đường hô hấp. Trẻ bị sốt phát ban thông thường sẽ không có viêm kết mạc và viêm long đường hô hấp.
BS Hải cũng cho rằng, khi mắc sởi nếu không có biểu hiện bất thường thì có thể chăm sóc được ở nhà. Tuy nhiên khi chăm sóc cần phải lưu ý một số vấn đề. Đó là khi trẻ sốt thì cần phải hạ sốt đúng cách, dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định 10g-15g/kg, uống 5 – 6 tiếng cho trẻ uống/lần. Chỉ uống thuốc khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ, hạ sốt dưới 38,5 độ không cần phải dùng thuốc, mà chỉ cần cho trẻ mặc quần áo thoáng mát.
Ngoài ra, cần vệ sinh nơi ở và cơ thể trẻ sạch sẽ, ngày vệ sinh 3-4 lần mũi, họng để phòng biến chứng. Do vi rút sởi gây tổn thương đường hô hấp nếu không vệ sinh sạch sẽ sẽ gây ra biến chứng viêm phổi. Một điều đặc biệt lưu ý là không cần kiêng tắm cho trẻ khi mắc sởi. Nếu không tắm khiến cho vi khuẩn trên da rất nhiều trẻ ngứa gãi bội nhiễm gây nhiễm trùng.
Khi ăn uống cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu đủ chất, uống nhiều nước, nước ép hoa quả chứa nhiều vitamin A để bổ sung kịp thời các chất dinh dưỡng mất do quá trình nhiễm trùng. Hạn chế, cho trẻ ăn những thức ăn dễ bị dị ứng như tôm, cua…
Về lâu dài, muốn phòng bệnh sởi cho trẻ thì cần phải được tiêm phòng đầy đủ theo lịch quy định. Phụ nữ trước khi mang thai cũng cần tiêm phòng sởi để tạo miễn dịch cho trẻ khi mới chào đời.
Theo Sọngkhoe