15 bí quyết khuyến khích những hành vi tốt ở con

Nếu bạn muốn con nghe lời, ép buộc hay đánh mắng không phải là cách hiệu quả. Hãy thử những bí quyết sau để khuyến khích con có những hành vi mà bạn mong muốn.

 

Ảnh minh họa: Internet

Làm gương cho con

Trẻ sẽ nhìn vào bạn để học cách ứng xử, do đó hãy dùng chính những hành vi thường ngày của mình để hướng dẫn con. Điều bạn làm sẽ mang lại tác động lớn lao hơn những điều bạn nói. Nếu bạn muốn con nói “Con xin”, hãy tự mình nói câu đó. Nếu bạn muốn con nói chuyện nhẹ nhàng, đúng mực, hãy trò chuyện với người khác đúng như vậy.

Cho con biết cảm nhận của bạn

Hãy thẳng thắn nói cho con biết hành vi của con đã tác động đến bạn như thế nào. Điều này sẽ giúp con thấy được cảm xúc của chính mình bên trong con người bạn, tựa như một tấm gương vậy. Hay nói một cách khác, đó chính là sự đồng cảm. Đến năm 3 tuổi là trẻ đã có thể thể hiện sự đồng cảm thực sự. Vì thế nên bạn có thể nói: “Mẹ cảm thấy buồn bực vì có quá nhiều tiếng ồn, mẹ không thể nói chuyện điện thoại được”. Khi bạn dùng chủ ngữ ám chỉ bản thân mình, con sẽ có cơ hội nhìn nhận mọi thứ từ góc độ của bạn.

Dành cho con những lời khen

Khi con có hành vi tốt, hãy dành cho con những phản hồi tích cực. Ví dụ, bạn có thể nói: “Ồ, mẹ rất thích cách con xếp những khối hộp trên bàn”. Điều này tốt hơn nhiều so với việc chờ các khối hộp rơi xuống sàn và bạn quát lên “Dừng lại ngay”. Cố gắng dành cho con 6 nhận xét tích cực (chẳng hạn như lời khen ngợi, động viên) cho mỗi nhận xét tiêu cực (chỉ trích, khiển trách) mà bạn nói ra. Tỷ lệ 6-1 này sẽ giúp cân bằng mọi thứ. Hãy nhớ rằng nếu trẻ chỉ được lựa chọn giữa việc không được chú ý và được chú ý tới những hành vi tiêu cực, trẻ sẽ chọn vế sau.

Ngồi ngang tầm mắt của con để nói chuyện

Quỳ gối hoặc ngồi xổm nói chuyện với con là một cách giao tiếp rất hiệu quả. Ngoài ra, ngồi gần con sẽ giúp bạn nắm bắt được những suy nghĩ và cảm nhận của con. Không chỉ có vậy, điều này còn giúp con tập trung vào những điều bạn nói. Lưu ý, nếu bạn ngồi gần và có được sự chú ý của con, không cần phải bắt con nhìn vào bạn.

“Bố/mẹ đang nghe đây”

Chủ động lắng  nghe và cố gắng hiểu những điều con nói là một cách khác giúp trẻ đối mặt với cảm xúc của bản thân. Sẽ có những lúc trẻ cảm thấy cực kỳ mệt mỏi, buồn chán, đặc biệt là khi chúng không thể bộc lộ hết cảm nhận bằng lời nói. Khi bạn nói ra những cảm nhận thực sự của con, điều này sẽ giúp con cảm thấy đỡ căng thẳng, đồng thời thấy được an ủi và được tôn trọng. Như vậy, những nỗi buồn phiền của con sẽ vơi bớt rất nhiều.

Giữ lời hứa

Khi bạn tuân thủ lời hứa của mình, con sẽ học được cách tin tưởng và tôn trọng bạn. Nếu bạn hứa đưa con đi dạo sau khi chọn đồ chơi, hãy làm đúng như vậy. Điều này sẽ mang lại cho con cảm giác an toàn, bởi bạn đã tạo dựng cho con một môi trường kiên định, trước sau như một.

Giảm bớt sự cám dỗ

Nếu bạn có cặp kính sặc sỡ, nhìn rất vui mắt, thật khó để bảo con không được đụng vào. Hãy giảm bớt sự cám dỗ bằng cách đặt những vật dụng kích thích trí tò mò ngoài tầm mắt của con.

Cân nhắc trước khi can thiệp

Trước khi bạn can thiệp vào một việc gì đó con đang làm, đặc biệt khi bạn định nói “không được” hoặc “dừng lại”, hãy tự hỏi bản thân xem điều đó có thực sự quan trọng hay không. Bằng cách giảm những yêu cầu và phản hồi tiêu cực tới mức thấp nhất, bạn sẽ hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra các cuộc xung đột. Vậy đấy, quy tắc là rất cần thiết, nhưng nhớ chỉ sử dụng chúng trong những trường hợp quan trọng.

Hãy cứng rắn khi con nài nỉ

Nếu nhượng bộ khi con van xin một thứ gì đó, điều đó nghĩa là bạn đang dạy con van xin, nài nỉ nhiều hơn, kể cả khi bạn không có ý đó. “Không được” nghĩa là “không được” chứ không phải là “có thể”, do đó đừng nói như vậy trừ khi bạn thực sự làm đúng như vậy. Nếu bạn nói “không” sau đó lại nhượng bộ, con sẽ van nài nhiều hơn vào lần sau, với hi vọng bạn sẽ chấp nhận một lần nữa.

Hướng dẫn con bằng những câu đơn giản

Nếu bạn hướng dẫn con một cách đơn giản, rõ ràng, trẻ sẽ hiểu được bạn đang trông chờ điều gì ở chúng. Ví dụ: hãy chỉ dẫn con những câu kiểu như “nhớ nắm tay mẹ khi sang đường”. Ngoài ra, nên dùng những câu khẳng định, chẳng hạn như câu “Nhớ đóng cửa” thì tốt hơn nhiều so với câu “Đừng để cửa mở”.

Dạy con về trách nhiệm và hậu quả

Khi con lớn lên, hãy để con chịu trách nhiệm cho những hành vi của bản thân. Bạn cũng có thể để con trải nghiệm hậu quả của hành vi đó. Ví dụ: nếu con quên mang hộp cơm trưa, con sẽ bị đói. Đó là hậu quả mà con phải gánh chịu. Đôi lúc chúng ta làm quá nhiều việc cho con, chính điều đó đã khiến con không thể tự mình học những điều mới. Đi đôi với việc để con chịu trách nhiệm cho hành vi của mình, bạn cần chỉ cho con thấy rõ hậu quả của những hành vi nguy hiểm hoặc những hành động không chấp nhận được.

Chỉ nói một lần

Cứ liên tục cằn nhằn và chỉ trích con chỉ khiến bạn và con thấy mệt mỏi chứ không hề mang lại hiệu quả. Nếu bạn muốn cho con cơ hội cuối cùng để hợp tác, hãy nhắc nhở con về hậu quả của việc không hợp tác, sau đó chờ đợi. Không đứa trẻ nào thích một ông bố, bà mẹ suốt ngày cằn nhằn, lẩm bẩm, hãy nhớ điều đó.

Khiến con cảm thấy mình quan trọng

Trẻ em rất thích khi cảm thấy chúng có thể đóng góp điều gì đó cho gia đình. Do đó, bạn có thể hướng dẫn con làm một vài việc đơn giản. Con sẽ cảm thấy mình đóng một vai trò khá quan trọng trong gia đình và thấy rất tự hào. Nếu bạn để con thực hành nhiều lần, con sẽ làm tốt lên và tiếp tục cố gắng hơn nữa.

Chuẩn bị cho những tình huống thách thức

Có những thời điểm mà việc trông chừng con và làm việc bạn cần làm đòi hỏi rất nhiều sự khôn khéo. Tuy nhiên, nếu bản thân bạn và con đều chuẩn bị trước cho những tình huống như vậy, chắc chắn chuyện vượt qua không hề khó như bạn tưởng.

Giúp con cười vui

Một cách để giảm căng thẳng và xoa dịu xung đột là dùng óc hài hước của bạn tạo ra tiếng cười. Vào lúc này, bạn có thể giả vờ biến thành quái vật đe dọa con hoặc bắt chước tiếng một con vật nào đó. Nên nhớ, bạn phải giúp con cười vui chứ không phải trêu chọc con.

 

 

theo: yeutretho

Leave a Reply

Or