10 Lời khuyên để thư giãn khi mang thai

Mang thai là niềm hạnh phúc của mọi phụ nữ. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ cũng cảm thấy lo lắng vì trong thời gian này có sự thay đổi đáng kể về cơ thể, sức khỏe, công việc và mối quan tâm về tài chính. Sự căng thăng quá mức khi mang thai có thể dẫn đến những biến chứng cho người mẹ và em bé.

1. Lên kế hoạch đi nghỉ cùng người thân

Một kỳ nghỉ dưỡng trước khi sinh em bé là một gợi ý không tồi cho bạn. Vợ chồng bạn có thể lên kế hoạch tổ chức một “tiểu trăng mật” ở đâu đó, đây là cơ hội tuyệt vời để hai bạn vui vẻ bên nhau trước khi tập trung thời gian và công sức vào việc chăm sóc em bé sắp chào đời. Nếu như bạn đã có em bé rồi, thì kỳ nghỉ này sẽ là thời gian hai bạn dành trọn tình yêu và sự quan tâm cho con, trước khi sự quan tâm đó được san sẻ với em bé nữa ở trong bụng.

2. Chăm sóc cơ thể tại spa

Các bà mẹ, đặc biệt là những người đã có con, thường không có nhiều thời gian để tới spa. Đây chính là cơ hội để bạn làm mới và chăm sóc bản thân như cắt tóc, sửa móng tay và móng chân, massage cơ thể, đó chính là liệu pháp kỳ diệu để xoa dịu những căng thẳng mà bạn gặp phải. Một bộ móng chân mới quả thực là một sự xa xỉ với bạn khi ở những tháng cuối thai kỳ việc bạn tự chăm sóc móng chân là vô cùng khó khăn. Và bạn đừng quên cắt tóc trong những tuần cuối của thai kỳ, điều này giúp bạn cảm nhận tốt hơn trong những ngày đầu tiên ở nhà với em bé mới sinh.

3. Chia sẻ công việc với mọi người

Có nhiều việc phải làm trước khi một đứa trẻ ra đời. Với cơ thể quá khổ vào những tuần cuối thai kỳ, bạn không thể thực hiện được hết những công việc đó, bạn nên chia sẻ nhiệm vụ này cho những người thân khác trong gia đình như nhờ họ giặt những bộ quần áo mới, tã lót cho em bé, trang trí giường cũi hoặc nôi, hay mua một số đồ dùng cần thiết khác. Mọi người cũng đang hạnh phúc chờ đón em bé như bạn nên họ rất sẵn sàng giúp bạn, bạn đừng ngần ngại.

4. Tập thể dục nhẹ nhàng

Tập thể dục là liệu pháp tuyệt vời và đặc biệt là miễn phí để giúp bạn giảm stress. Một số hình thức tập thể dục hữu ích cho phụ nữ mang thai như: yoga, đi bộ, bơi lội. Bạn nên lựa chọn bài tập phù hợp với cơ thể bạn thông qua sự tư vấn của bác sĩ và cần tránh những hoạt động có thể dẫn đến chấn thương. Hãy dành thời gian để tập thể dục mỗi ngày bởi nó giúp cơ thể bạn khỏe mạnh và tránh mọi căng thẳng.

5. Chia sẻ lo lắng của bạn

Khi mang thai, bạn lo lắng rất nhiều thứ và luôn tự hỏi em bé của bạn có khỏe mạnh hay không? Bạn hãy chia sẻ những thắc mắc, lo lắng này với bạn bè, hoặc chuyên gia y tế, họ sẽ giúp bạn. Bạn cần tham vấn các bác sĩ để lên một kế hoạch làm việc và chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh. Hãy nói chuyện với những bà mẹ có kinh nghiệm về những khó khăn mà bạn gặp phải như khó ngủ, đồ dùng cần chuẩn bị trước khi sinh, loại tã tốt nhất dành cho em bé.., họ sẽ cho bạn những lời khuyên bổ ích, giúp bạn quên đi những lo lắng để có thể nghỉ ngơi.

6. Ăn uống lành mạnh

Nhiều người nghĩ rằng, khi mang thai bạn có thể ăn bất cứ cái gì mà mình thích như bánh quy, các thực phẩm nhiều calo. Nhưng sự thật, đây là thời gian bạn phải ăn uống cẩn thận hơn bao giờ hết. Phụ nữ mang thai không cần nhiều calo như hầu hết mọi người nghĩ. Bạn nên bổ sung calo cho cơ thể từ các loại thực phẩm lành mạnh và không nên ăn vặt. Khi bạn căng thẳng thì đó là những loại thực phẩm hấp dẫn, tiện lợi mang lại cho bạn sự thoái mái, nhưng bạn nhớ ăn những thức ăn lành mạnh, đó là sự lựa chọn tốt nhất cho các bà mẹ mang thai muốn tìm cảm giác thư giãn.

7. Hãy nghỉ ngơi

Phụ nữ mang thai thường cảm thấy mệt mỏi và đó là điều hoàn toàn chính đáng khi em bé ngày một lớn lên thêm. Nghỉ ngơi đầy đủ là điều rất quan trọng không chỉ trong giai đoạn này mà ngay cả khi em bé chào đời. Được nghỉ ngơi đầy đủ sẽ giúp bạn giảm căng thẳng, cơ thể khỏe mạnh và rất tốt cho em bé. Hãy tận dụng mọi cơ hội để bạn có thể nghỉ ngơi thậm chí là một giấc ngủ ngắn.

8. Lên kế hoạch cho công việc

Bạn cần lên kế hoạch cho công việc trước khi nghỉ thai sản như: bạn nghỉ thai sản trong bao lâu, khi nào bạn quay lại làm việc, ai sẽ trông con cho bạn, tình hình tài chính của bạn như thế nào,..Quản lý của bạn chắc chắn rất muốn biết kế hoạch đó để sắp xếp công việc hợp lý khi bạn nghỉ và khi bạn quay trở lại làm việc.Trong khi đó tìm được người giữ trẻ sẽ mất một khoảng thời gian dài. Vì vậy nếu bạn có sẵn kế hoạch cho kỳ thai sản của mình thì bạn sẽ không còn phải bận tâm nữa và sẽ tập trung vào những tuần cuối cùng để chào đón em bé.

9. Dành thời gian với bạn bè và những điều bạn thích

Mang thai và chuẩn bị cho sự ra đời của em bé chiếm hầu hết thời gian của bạn. Bạn đừng nên quá bận rộn như thế, hãy hẹn hò với bạn bè, tán ngẫu, tâm sự, hãy làm những gì bạn thích, điều đó vừa có thể làm giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng của bạn lại vừa tăng cường các mối quan hệ hữu ích cho bạn trước và sau khi bạn sinh con.

10. Chăm sóc nhà cửa

Một số phụ nữ mang thai cảm thấy có một sự thôi thúc mạnh mẽ phải dọn dẹp nhà cửa, nhất là trong những tuần cuối thai kỳ. Nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp, trang trí căn phòng riêng của bé mang lại cảm giác thư thái, thoải mái, vui vẻ cho bạn. Đồ dùng của bé, tã lót, gối chăn gọn gàng, mọi thứ được chuẩn bị tươm tất khiến bạn bớt lo âu. Khi mang thai, bạn có rất nhiều mong muốn và kỳ vọng, nhất là giai đoạn này khi em bé sắp chào đời, nó càng khiến bạn căng thẳng và hồi hộp. Thư giãn là điều vô cùng quan trọng. Lên một kế hoạch giảm stress tại chỗ có thể giúp bạn thoải mái hơn và đặc biệt là tốt cho con.

Leave a Reply

Or