Xử lý khủng hoảng tuổi lên 3

Ngang bướng, lì lợm, cứng đầu… chính là biểu hiện thường thấy mà nhiều bố mẹ than phiền về “tên giặc” lên 3 của mình. Tuy nhiên, đây là hiện tượng bình thường “khủng hoảng tuổi lên 3”, cha mẹ nắm bắt tâm lí và có cách hành xử đúng sẽ uốn nắn trẻ dễ dàng.

Vì sao trẻ lại bị khủng hoảng tuổi lên 3?

Trẻ lên 3 bắt đầu nhận thức được nhiều điều xung quanh. Lúc này trẻ đã biết phân biệt giới tính, biết ba là đàn ông còn mẹ là phụ nữ. Trẻ đã biết tự làm một số việc như: trẻ tự chọn và mặc quần áo theo ý thích của mình, tự xúc ăn, muốn tự tắm và tự chải tóc… Trẻ ở lứa tuổi lên ba bắt đầu xuất hiện khuynh hướng tự lập, muốn tự làm, không còn muốn phụ thuộc vào cha mẹ và người lớn và luôn muốn khẳng định bản thân. Trẻ thường bắt chước và thích làm những việc mà người lớn làm.

Tuy nhiên, ở lứa tuổi này, trẻ chỉ làm được một số việc đơn giản, chưa đủ khả năng làm nhiều việc như mình mong muốn. Hơn nữa, khả năng ngôn ngữ của trẻ 3 tuổi còn bị hạn chế, bé chưa thể diễn đạt hết những mong muốn của mình với người lớn, vì vậy, trẻ thường bị người lớn ngăn cấm, dọa nạt vì vậy tâm lí của trẻ bị ức chế, nên xảy ra những xung đột với người lớn, tỏ vẻ ngang ngạnh, không chị nghe lời.


Một số biểu hiện khủng hoảng của trẻ lên 3

Khủng hoảng tuổi lên 3 trẻ thường có những biểu hiện sau:

  • Trẻ không nghe lời người lớn: Vì muốn khẳng định bản thân, muốn mọi người phải chú đến mình nên trẻ thường làm ngược lại với những yêu cầu của người lớn. Ví dụ như mẹ yêu cầu bé không được nghịch nước thì bé càng cố tình múc nước đổ vương vãi, mẹ nói bé thu dọn đồ chơi khi chơi xong, bé lại vứt bừa bãi hơn…
  • Trẻ muốn gì là làm cho bằng được: Khi trẻ muốn thứ gì đó thì ngoan cố làm cho bằng được để thỏa mãn nhu cầu bản thân.
  • Trẻ thường hay vô lễ với người lớn: Trẻ trở nên bướng bĩnh, nói năng trống không và thậm chí hỗn, đánh người lớn.
  • Trẻ hay tự tiện: Trẻ muốn làm gì theo ý thích của mình, không muốn phụ thuộc, xin ý kiến của người lớn.
  • Trẻ tỏ ra chống đối, nổi loạn: Thể hiện rõ nhất là trẻ thường hay cãi bướng, không làm theo lời bố mẹ, trẻ có thể cào cấu, ẩu đả với bất cứ ai ra lệnh cho trẻ.

Đây là một số biểu hiện tâm lí khủng hoảng của trẻ lên 3, tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lí đây là biểu hiện tâm lí hoàn toàn bình thường của con người. Thường con người trải qua ba giai đoạn khủng hoảng tâm lí: Tuổi lên 3, tuổi dậy thì và tuổi già. Ba mẹ cần hiểu tâm lí của trẻ để có cách cử xử đúng mực giúp trẻ bước qua giai đoạn khủng hoảng an toàn và không làm tổn hại đến tinh thần trẻ.

Khủng hoảng tuổi lên 3

Tìm hiểu về tâm lý trẻ 3 tuổi sẽ giúp ba mẹ và bé vượt qua cơn “khủng hoảng” dễ dàng hơn

Giải pháp nào giúp trẻ đi qua khủng hoảng?

Trẻ 3 tuổi bắt đầu có xu hướng độc lập, vì vậy cha mẹ nên khuyến khích, tạo điều kiện cho trẻ tự làm một số việc trong khả năng của mình. Không nên cấm đoán, hay dọa nạt trẻ quá mức nếu trẻ làm chưa hoàn hảo. Mẹ nên cho trẻ làm những việc nhỏ chăm sóc thân thể như: tự mặc quần áo, đánh răng, chải tóc… Mẹ nhớ, đừng tiếc những lời khen khi bé làm tốt nhé.

Khi trẻ có đòi hỏi quá đáng thì cha mẹ và người thân trong gia đình cần có thái độ nghiêm khắc, tuyệt đối không thỏa hiệp với trẻ. Ba mẹ nên đưa ra một số giao với trẻ như trẻ được coi tivi bao nhiêu phút trong ngày, khi đi siêu thị trẻ được mua những thứ gì… Vì rất nhiều trẻ cứ ăn vạ một lần mà cha mẹ đáp ứng thì lần sau trẻ lại tiếp tục. Khi trẻ ăn vạ người lớn nên lờ đi chỗ khác, đánh lạc hướng trẻ bằng cách bày ra những trò chơi rủ trẻ chơi.

Trẻ lên 3 thường hay bướng bĩnh. Tuy nhiên người lớn không nên quát tháo la lối trẻ mà nên nhẹ nhàng giải thích cho trẻ nghe. Nếu giải thích rồi trẻ vẫn tái phạm, ba mẹ có thể phạt trẻ. Hình thức phạt là không cho trẻ xem ti vi, hay mẹ sẽ không kể chuyện cho con nghe, không cho con đi chơi công viên… Mẹ nhớ đừng dùng đòn roi để phạt. Trẻ sẽ chai lì và sẽ bắt chước theo hành vi của mẹ mà hành xử với bạn bè hay em nhỏ hơn mình.


Khủng hoảng ở tuổi lên 3 cũng bởi trẻ thường thích làm những việc của người lớn như nhặt rau, nấu cơm, đi chợ, giặt quần áo, rửa xe… mà người lớn không cho làm. Để giải quyết bức xúc này của trẻ, mẹ hãy chơi đồ hàng cùng với bé, cho trẻ đóng vai gì, làm nhưng việc gì mà bé thích. Lúc đó, trẻ sẽ được thể hiện bản thân mình.

Tâm lí của trẻ lên 3 rất phức tạp đòi hỏi cha mẹ cần kiên nhẫn, nhẹ nhàng uốn nắn. Và trên hết là tình thương dành cho con để giúp con vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 mệt mỏi này và ngày một trưởng thành hơn

 Theo MarryBaby

Leave a Reply

Or