Vệ sinh răng miệng sai khiến bé bị loét miệng

Từ một tháng nay, khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội mỗi ngày đều tiếp nhận 15-20 cháu bị chân, tay, miệng. Đáng chú ý trong số đó có những cháu bị bội nhiễm nha chu vì bố mẹ chăm sóc không đúng cách.

Chị Nguyễn Hoài Phương (Trung Kính, Cầu Giấy) có con gái bốn tuổi bị mắc bệnh chân, tay, miệng. Vì lo lắng khi thấy miệng con phồng rộp gây khó khăn trong việc ăn uống nên chị Phương đã dùng gạc để “cạo” rộp trắng cũng như vệ sinh răng miệng cho con. Tuy nhiên, các vết phồng rộp không có dấu hiệu thuyên giảm mà lại càng gây đau đớn cho con. Kết quả cháu bị bội nhiễm nha chu.

Cách ngăn ngừa và chăm sóc trẻ bị tay chân miệng

Ảnh minh họa.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Có nhiều trường hợp các cháu bị bội nhiễm nha chu do bị bố mẹ vệ sinh răng miệng theo kiểu thủ công. 10 cháu bị biến chứng nha chu thì chín cháu do mẹ lau mồm, cọ răng bằng gạc”.

Bệnh nha chu là bệnh lý viêm nhiễm mãn tính ở mô nướu và mô nâng đỡ của răng, do các vi khuẩn hiện diện trong mảng bám răng gây nên. Nha chu thường xảy ra sau đợt sốt, vừa giảm sốt thì đau miệng dữ dội. Khi trẻ cười có thể gây chảy máu, hai hàm răng sưng, đỏ tía.

Khi trẻ bị chân, tay, miệng, các nốt phỏng trong miệng khiến trẻ không thể ăn uống được. Vì thế, không ít bà mẹ nôn nóng tìm mọi cách can thiệp với mục đích các nốt phỏng nhanh chóng biến mất. Một số bà mẹ lấy khăn sữa, gạc để vệ sinh răng miệng cho trẻ mà không biết mình đang mang vi trùng vào miệng con. Hơn nữa nguy cơ chạm, vỡ các nốt phỏng càng tăng, làm vết loét thêm nặng gây bội nhiễm vi khuẩn, nấm vì niêm mạc miệng rất mỏng và dễ bị tổn thương. Tình trạng này dẫn khiến trẻ tiếp tục đau kéo dài, ăn uống sẽ càng kém đi.

Vì vậy các bậc phụ huynh nếu chăm sóc răng miệng cho con, thường xuyên uống nước là quan trọng. “Miệng có cơ chế làm sạch do nước bọt tiết ra liên tục, sát trùng. Các bà mẹ không nên lo lắng và cũng không phải làm gì hơn, cho con uống nước thường xuyên”, bác sĩ Dũng lưu ý.

Trẻ bị tay chân miệng thường rất biếng ăn, thậm chí có thể bỏ ăn do các vết loét trong niêm mạc miệng gây đau đớn. Hơn nữa, cơ thể sốt, đau họng… khiến trẻ mệt mỏi, khó chịu và thường xuyên quấy khóc nên dễ sụt cân.

Do vậy, chuyện ăn uống của trẻ mắc bệnh cần chú ý một số điểm sau:

– Cho trẻ ăn những món ăn mà trẻ thích.

– Do đau trong miệng (miệng loét) nên trẻ thường khảnh ăn. Vì thế, để trẻ dễ ăn hơn, cần nấu thức ăn thật nhuyễn, mềm, đủ chất. Cho ăn thức ăn như bình thường nhưng làm lỏng, mềm như cháo bột (kể cả trẻ lớn) vì thức ăn cứng làm trẻ đau rát miệng.

– Không nên cho trẻ ăn thức ăn còn nóng. Có thể làm mát đồ ăn nhằm tạo cảm giác dễ chịu, kích thích trẻ ăn uống ngon miệng hơn.

– Nên chia nhỏ các bữa ăn. Không cố gắng ép trẻ ăn (vì trẻ đau miệng, ăn nhiều một lúc sẽ gây cảm giác khó chịu).

– Cần chú ý: Tránh chọn những loại muỗng, thìa có cạnh sắc để đút cho trẻ. Không đụng vào các vết loét ở đầu lưỡi và môi làm trẻ đau dẫn đến sợ hãi, không ăn.

– Trẻ có thể ăn sữa chua, sữa bột, hoặc bột dinh dưỡng, cháo nấu thật nhuyễn, súp hầm kỹ, nước hoa quả tươi mát. Có thể thay một bữa ăn bằng một hũ yaourt, một ly sữa mát.

– Nên lưu ý: Với trẻ còn bú mẹ cần cho bú như bình thường, có thể tăng số lần lên vì trẻ mỗi lần bú không được nhiều như lúc khỏe mạnh. Khi trẻ hồi phục và hết các vết loét gây đau trong miệng, cần động viên trẻ ăn uống bình thường trở lại.

– Sau khi ăn cần súc miệng sạch sẽ và để trẻ nghỉ ngơi ( nhịn hoàn toàn) trong 3- 4 giờ sau đó mới cho ăn bữa khác.

– Khi trẻ giảm bệnh (thường là sau 4 – 5 ngày) cho bé quay ăn uống theo chế độ dinh dưỡng hợp với lứa tuổi, không kiêng khe

Phòng bệnh tay chân miệng

– Tăng cường sức đề kháng và giữ vệ sinh sạch sẽ

– Cho trẻ ăn đủ bữa ( 3-5 bữa trong ngày), đủ dinh dưỡng (bột, đạm, dầu, rau).

– Ăn nhiều trái cây sạch sau khi ăn cháo, bột để tăng cường vitamin và yếu tố vi lượng.

– Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn.

– Không cho trẻ ngậm đồ chơi hay núm vú cao su.

– Đồ chơi và muỗng, chén của trẻ phải rửa sạch mỗi ngày và không nên chơi chung, ăn chung với những trẻ có bệnh.

 

theo: mecon

Leave a Reply

Or