Tuần sau sinh: Bí quyết “sống sót”

Tuần lễ đầu tiên đảm nhận vai trò làm mẹ sẽ rất phức tạp và khó khăn đấy!

Nhiều mẹ bầu dành thời gian mang thai để tập trung tìm hiểu làm thế nào để mẹ và thai nhi khỏe mạnh, làm thế nào để giảm bớt cơn đau đẻ… mà quên mất rằng việc chăm sóc bé sau khi sinh cũng vô cùng quan trọng. Dù “bản năng làm mẹ” luôn tồn tại ở mỗi người phụ nữ  nhưng chỉ sau khi sinh bé, mẹ mới có thể làm quen với vai trò mới này. Giây phút đón bé yêu chính là khoảnh khắc đánh dấu sự thay đổi trong cuộc sống của mẹ.

Trước khi sinh con, nhiều thai phụ cho rằng họ đã chuẩn bị và bố trí mọi thứ rất chu đáo và luôn trong tư thế sẵn sàng để chăm sóc bé yêu. Nhưng rồi mọi thứ dường như rối tung lên đến nỗi mẹ không biết phải xoay xở như thế nào, ngay cả những việc tưởng như đơn giản nhất cũng có thể khiến mẹ lúng túng. Tuần lễ đầu tiên đảm nhận vai trò này sẽ vô cùng phức tạo và khó khăn đối với bất kỳ người phụ nữ nào, đó cũng là thời gian thử thách lớn nhất đối với các mẹ.

Tuần sau sinh: Bí quyết "sống sót" - 1
Tuần đầu sau sinh là thời gian thử thách lớn nhất đối với các mẹ (ảnh minh họa)

Hiểu biết những gì bạn và bé sẽ trải qua trong những ngày đầu tiên sau sinh là việc vô cùng quan trọng để mẹ vượt qua được những khó khăn bước đầu và thích nghi với vai trò làm mẹ một cách tốt nhất.

Phục hồi sau sinh

– Mẹ nên biết rằng việc phục hồi sau sinh của mỗi sản phụ là khác nhau. Mẹ có thể thấy mình lấy lại sức sống nhanh chóng nhưng cũng có thể phải mất thời gian khá lâu để hồi phục lại sau cơn “vượt cạn” khó nhọc.

Mẹ hãy tin rằng những gì mình đang trải qua là hoàn toàn bình thường như bao sản phụ khác, hầu như mẹ nào cũng bị xuất huyết sau sinh nhưng điều này không về nghiêm trọng nên mẹ không cần quá lo lắng. Ban đầu mẹ có thế bị chảy máu nhiều nhưng tình trạng này sẽ giảm hẳn sau tuần đầu tiên.

Cảm giác đau, sưng tấy quanh âm đạo và kiệt sức là điều dễ nhận thấy, đặc biệt là đối với những mẹ đẻ mổ hoặc có những vết khâu tầng sinh môn thì cảm giác khó chịu càng rõ ràng. Cảm giác này sẽ thuyên giảm khi mẹ dùng túi chườm vào đúng vị trí trong vài ngày đầu sau sinh và nhớ thay đổi tấm lót thai sản hay băng vệ sinh dành cho sản phụ thường xuyên để ngăn ngừa việc nhiễm trùng âm đạo.

– Chấp nhận sự thật rằng các mẹ dùng phương pháp mổ đẻ sẽ mất nhiều thời gian hơn để chữa lành. Vết mổ đẻ khiến mẹ cảm thấy đau nhức và chuyển động khó khăn. Vì vậy, sau sinh, mẹ nên dành phần lớn thời gian để nghỉ ngơi. Nên nằm nghiêng sang một bên để tránh bị đau do tử cung co thắt và tránh bị nôn. Khi cảm thấy đỡ đau và thoải mái hơn, mẹ nhớ ngồi dậy và di chuyển xung quanh để thông huyết, tránh tình trạng bị dính ruột và viêm tắc tĩnh mạch, thúc đẩy quá trình phục hồi của cơ thể.

Tuần sau sinh: Bí quyết "sống sót" - 2
Các cơn chuột rút xảy ra mãnh liệt sau một hoặc hai ngày đầu sau sinh (ảnh minh họa)

– Bị chuột rút. Hiện tượng này xảy ra đối với hầu hết các sản phụ do tử cung co thắt từ từ để trở lại kích thước ban đầu. Quá trình này được gọi là co hồi và có thể phải mất tới sáu tuần để hoàn thành.

Các cơn chuột rút sẽ rất mãnh liệt trong một hoặc hai ngày đầu tiên sau sinh nhưng sẽ giảm dần sau đó. Mẹ đừng lo lắng cũng như ngừng cho bé bú khi cơn chuột rút xảy ra vì động tác mút sữa của bé sẽ thúc đẩy sản xuất một loại hoocmon oxytocin kích thích tử cung co lại, đẩy nhanh tốc độ của quá trình co hồi.

Hầu hết các cơn đau sau sinh không cần sự can thiệp của bác sĩ. Thuốc giảm đau hoặc massage nhẹ nhàng thưởng đủ để giảm bớt sự khó chịu nhưng nếu cơn đau vẫn tiếp tục kéo dài hơn một tuần hoặc khiến mẹ không thể chịu đựng nổi, mẹ cần đến bệnh viện để được các bác sĩ chăm sóc.

– Để lấy lại dáng cần một thời gian dài. Mẹ đừng cho rằng có thể lấy lại được cân nặng, vóc dáng như trước khi mang thai ngay sau sinh. Rất nhiều chị em đã thất vọng khi thấy mình vẫn trông như đang có bầu ngay cả sau khi sinh. Mặc dù mẹ có thể giảm vài kg tại thời điểm sinh nhưng để lấy lại được trọng lượng trước khi mang thai là cả một quá trình lâu dài có thể mất đến vài tháng. Và đây không phải là điều mẹ nên lo lắng quá nhiều trong những ngày đâu bởi có những điều sau khi sinh mẹ cần dành sự quan tâm nhiều hơn.

Liên kết với bé

– Bắt đầu xây dựng mối liên hệ với bé yêu. Dù mẹ có thể cảm thấy đau đớn, kiệt sức sau khi sinh và chỉ muốn được nghỉ ngơi nhưng mẹ cần tạo nên một mối quan hệ thân thiết với bé ngay lập tức, điều này rất quan trọng.

Nhiều bác sĩ sẽ đặt em bé trực tiếp lên ngực của bạn ngay sau khi bé ra đời để hai mẹ con nhìn thấy nhau và bắt đầu quá trình liên kết, cải thiện mối tương tác giữa bạn và bé.

Các bác sĩ cũng khuyên mẹ nên cho bé bú càng sớm càng tốt. Cố gắng thực hành cho bé ăn nhiều lần trong bệnh viện, các bác sĩ, y tá sẽ có những lời khuyên hữu ích cũng như hướng dẫn, giúp đỡ mẹ nếu em bé gặp khó khăn trong việc ngậm núm vú.

– Cho con bú, hãy kiên nhẫn. Mẹ có thể nhận thấy mình dành một phần lớn thời gian để cho bé bú trong suốt tuần đầu tiên bởi trẻ sơ sinh có xu hướng ăn chậm. Vì vậy mẹ cần thật kiên nhẫn khi cho bé bú. Chỉ ngừng khi bé không muốn bú sữa mẹ nữa và nhớ không ngừng sớm vì bé sẽ không nhận đủ sữa mẹ. Nếu mẹ chọn cho bé bú bình, nhớ đảm bảo để bé nằm thoải mái, chắc chắn và an toàn trong vòng tay của mẹ trong khi tay kia đang cầm bình sữa.

Tuần sau sinh: Bí quyết "sống sót" - 3
Những hành động cưng nựng, vuốt ve, lắc lư nhè nhẹ của mẹ có thể kích thích các giác quan và cảm xúc của trẻ sơ sinh (ảnh minh họa)

Tiếp xúc da kề da sau sinh là đăc biệt quan trọng. Đặt bé lên ngực để bé lắng nghe nhịp tim của mẹ là một cách hiệu quả để thắt chặt tình cảm giữa mẹ và bé. Nhiều nghiên cứu cho thấy tiếp xúc da kề da có thể giúp bé phát triển nhanh và phương pháp này đặc biệt được khuyến khích cho trẻ sinh non hoặc nhẹ cân.

– Dỗ dành bé yêu. Mẹ đừng bao giờ nghĩ rằng sự vỗ về hay nuông chiều của mẹ có thể làm hư một đứa trẻ sơ sinh. Những em bé trong khoảng thời gian đầu ra khỏi bụng mẹ rất cần được giữ ấm và cảm nhận mọi thứ thật nhẹ nhàng, hệt như lúc bé còn nằm trong bụng mẹ. Vì thế những hành động cưng nựng, vuốt ve, lắc lư nhè nhẹ của mẹ có thể kích thích các giác quan và cảm xúc của trẻ sơ sinh. Khi bé khóc, mẹ có thể sử dụng những cách này để dỗ dành và mang lại cho bé cảm giác ấm áp, dễ chịu.

Tạo ra một thói quen

– Hãy chuẩn bị tâm lý cho một thời gian biểu “lộn xộn” trong tuần đầu sau sinh. Khi cha mẹ nhìn lại những ngày đầu tiên đón bé yêu, không khó để thấy đó là quãng thời gian lộn xộn khi bé thường xuyên đòi ăn đêm, thích ngủ lúc nào thì ngủ và thay tã thường xuyên.

Trẻ sơ sinh ngủ hầu như cả ngày và thời gian bé thức giấc gần như có thể vào bất cứ thời điểm nào trong chu kỳ 24 giờ và mẹ thường không thể dự đoán được thói quen này của bé sẽ thay đổi như thế nào từ ngày này qua ngày khác. Chu kỳ ăn cũng vậy, mỗi trẻ lại có nhu cầu ăn khác nhau. Trẻ sơ sinh có thể cần ăn mỗi lần cách nhau 1,5-2 giờ trong khi trẻ bú bình có khoảng cách giữa các lần ăn dài hơn, thường là 3-4 giờ.

– Linh hoạt để tìm ra cách thiết lập thói quen cho bé. Điều tốt nhất để làm trong tuần đầu tiên này đó đừng quá đặt nặng việc nhất định phải thành lập được một thói quen ăn ngủ cho bé, điều này chỉ khiến mẹ đặt ra một thói quen cứng nhắc mà thôi.

Việc khó nhất trong giai đoạn này đó là mẹ cần học cách phát hiện, nhận biết cũng như hiểu rõ các tín hiệu của bé: tiếng khóc khi bé đói như thế nào, khi bé buồn ngủ thì khóc ra sao, phải làm gì khi bé ợ, trớ.

Cố uốn nắn bé ăn, ngủ vào một giờ giấc nhất định sẽ gây ra những căng thẳng, áp lực không cần thiết cho mẹ và bé. Các bác sĩ cho hay, trẻ sơ sinh được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ là tốt nhất, trong khi sữa mẹ dễ tiêu hóa khiến bé nhanh đói hơn, có khi 90 phút sau khi bú mẹ trẻ lại muốn ăn nữa. Do đó, hãy để trẻ ăn theo nhu cầu, đừng ép bé phải theo một khuôn khổ nào cả. Linh hoạt, học cách dự đoán nhu cầu của bé và mẹ sẽ sớm thấy mình đang chăm sóc bé theo một thói quen tự nhiên, phù hợp với mẹ như thể vốn dĩ nó phải như vậy.

Để gia đình “cùng chung tay” chăm sóc bé

– Ưu tiên nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe và xây dựng những mối quan hệ mới. Trong những ngày đầu tiên sau khi sinh, điều mẹ nên tập trung đó là nghỉ ngơi, phục hồi và gần gũi bé chứ không phải là chậu quần áo cần giặt hay bữa tối nay nên nấu món gì.

– Học cách chấp nhận sự giúp đỡ từ những người khác. Mẹ đừng cố ôm đồm tất cả mọi việc mà hãy chia sẻ với những người xung quanh, đặc biệt là anh xã. Giai đoạn này là khoảng thời gian tuyệt vời để hai vợ chồng cùng chăm sóc bé, dành thời gian chăm lo tổ ấm, xích lại gần nhau hơn, học cách chăm sóc lẫn nhau. Nếu như em bé thường quấy khóc vào ban đêm, mẹ có thể nhờ người thân trông bé để có được một giấc ngủ trọn vẹn trong một đêm nào đó, đừng cố gắng đến kiệt sức mà hãy biết giữ gìn sức khỏe của mình. Chỉ khi khỏe mạnh, mẹ mới có thể chăm sóc bé một cách tốt nhất.

Tuần sau sinh: Bí quyết "sống sót" - 4
Hãy để bé yêu trở thành cầu nối để hai vợ chồng càng xích lại gần nhau, cùng nhau trải nghiệm và thích nghi với vai trò mới của mình (ảnh minh họa)

Thay đổi cảm xúc

– Chấp nhận phản ứng ban đầu khi mẹ nhìn thấy bé. Thời điểm khi bác sĩ đặt bé vào vòng tay của mẹ thường là một trong những cảm giác kỳ diệu khó có thể diễn đạt bằng lời. Nhiều sản phụ cảm giác như mình “phải lòng” bé yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhưng có những mẹ mất nhiều thời gian hơn để tương tác với bé, điều này cũng hoàn toàn bình thường nhất là khi mẹ kiệt sức, đau đớn sau khi “vượt cạn”. Cảm xúc của mẹ sẽ dần thay đổi khi bé trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mẹ cũng như mẹ quen với vai trò mới của mình.

– Chuẩn bị cho những lúc cảm xúc thất thường. Sau khi trở về nhà từ bệnh viện khoảng ngày thứ ba hoặc thứ tư, mẹ có thể thấy cảm thấy cảm xúc của mình thay đổi. Nhiều sản phụ cảm thấy dễ khóc hay buồn rầu, điều này hoàn toàn bình thường, không phải là một dấu hiệu của trầm cảm sau sinh. Vì vậy mẹ không cần lo lắng, đó chỉ là một triệu chứng của việc thay đổi nội tiết trong cơ thể mẹ mà thôi.

– Tôn trọng cảm xúc của người bạn đời. Có thêm một thành viên nữa trong gia đình không chỉ là một thay đổi lớn lao đối với cuộc sống của riêng mình mẹ. Ông xã cũng cảm nhận được sự thay đổi về vị trí của mình trong gia đình, về sự quan tâm của bạn dành cho anh ấy. Nhiều đấng mày râu phải đối mặt với viễn cảnh mình như “người thừa” giữa hai mẹ con, cảm thấy bị cho “ra rìa”, không an toàn hay không được coi trong. Hãy để người bạn đời góp sức trong việc chăm sóc bé càng nhiều càng tốt là một cách để tránh tình trạng này, hãy để bé yêu trở thành cầu nối để hai vợ chồng càng xích lại gần nhau, cùng nhau trải nghiệm và thích nghi với vai trò mới của mình.

 

theo: eva

Leave a Reply

Or