Tưa lưỡi ở trẻ nhỏ, phòng và trị thế nào?

Việc vệ sinh khoang miệng cho bé còn nhỏ không hề dễ dàng vì thế bé rất dễ mắc các bệnh liên quan đến khu vực này. Một trong số những bệnh thường gặp nhất ở bé sơ sinh và trẻ nhỏ là tưa lưỡi. Vậy mẹ cần làm gì để phòng và điều trị bệnh này cho bé yêu? Cùng BSnhi tìm hiểu qua bài viết hôm nay nhé!

Tưa lưỡi ở trẻ nhỏ, phòng và trị thế nào?

1. Tưa lưỡi là gì?

Tưa lưỡi có biểu hiện là các mảng màu trắng nhìn như sữa đông bám trên bề mặt lưỡi của con. Đôi khi các mảng bám này xuất hiện cả ở vòm họng và khoang miệng. Những lớp màu trắng này khi bong ra sẽ khiến bé bị đau, rát lưỡi, dẫn đến khó nuốt, chán ăn, quấy khóc.

Nguyên nhân dẫn đến tưa lưỡi là gì

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh tưa lưỡi ở bé. Nguyên nhân chính là do nấm Candida albican hoặc các loại virut gây ra. Một con đường khác là do bé uống kháng sinh, khiến nấm Candida phát triển. Ngoài ra, hệ miễn dịch yếu và chăm sóc bé chưa đúng cách, nhất là trong giai đoạn bé bắt đầu ăn dặm cũng là một nguyên nhân gây ra chứng tưa lưỡi.

2. Phòng và điều trị tưa lưỡi thế nào?

Phòng ngừa tưa lưỡi

Để phòng ngừa tưa lưỡi, mẹ cần thường xuyên vệ sinh vùng khoang miệng và lưỡi của con. Ở bé sơ sinh, mẹ nên thường xuyên dùng khăn mềm lau sạch phần nướu và miệng của con. Với các bé đã bước vào độ tuổi ăn dặm, có thể cho bé uống nước lọc để làm sạch khoang miệng và lưỡi sau khi ăn. Mẹ cũng có thể dùng nước muối sinh lý 0,9 % để súc miệng và lau lưỡi cho bé mỗi ngày. Cách vệ sinh lưỡi khá đơn giản, mẹ chỉ cần thấm nước muối sinh lý vào gạc sạch, lau nhẹ phần lưỡi của con 2 lần, trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy. Với các bé đã có răng, mẹ cần dùng bàn chải phù hợp, chà và vệ sinh răng cho con mỗi ngày.

Chữa trị tưa lưỡi như thế nào?

Nếu bé có các dấu hiệu như mảng bám trên lưỡi, mẹ cần cho con đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị thích hợp. Quan trọng nhất trong việc điều trị tưa lưỡi chính là giữ gìn vệ sinh cho phần khoang miệng của con, thuốc chỉ dùng để chữa trị các tổn thương, tránh lây lan. Vì nếu không giữ sạch dù có chữa khỏi, bệnh cũng sẽ quay lại.

3. Lưu ý khi phòng và điều trị tưa lưỡi

Không được “đánh tưa”

Một số mẹ được khuyên nên “đánh tưa” cho con, tức là cạo sạch hết lớp mảng bám màu trắng trên lưỡi khi con bị tưa lưỡi. Tuy nhiên, việc làm này hoàn toàn không tốt cho trẻ. Bởi nếu mẹ cạo lớp mảng bám này ra có thể làm chảy máu lưỡi, khiến tổn thương của con trầm trọng hơn.

Không tùy tiện thoa chất lạ lên lưỡi

Mẹ cần lưu ý không dùng mật ong, nước chanh rơ miệng và lưỡi cho bé dưới 1 tuổi vì có thể gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, mẹ cần nhớ, khi con bị các tổn thương, bất kỳ chất lạ nào cũng có khả năng gây nguy hiểm bởi sức đề kháng và hệ miễn dịch của bé còn yếu. Vì thế mẹ không nên tự ý dụng thuốc hay các biện pháp dân gian mà nên cho con đi khám chuyên khoa để được điều trị tốt nhất.

Tuy không gây nguy hiểm, nhưng tưa lưỡi khiến bé khó chịu và biếng ăn, thế nên cách tốt nhất là giữ vệ sinh khoang miệng cho bé để không phải lo về căn bệnh này. Đồng thời, mẹ cũng cần chuẩn bị cho bé một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng để bé luôn khỏe mạnh, mẹ nhé!

Chúc bé khỏe, mẹ vui ^^

Theo bsnhi

Leave a Reply

Or