Trẻ thiếu khả năng tự chủ phải làm sao?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến khả năng tự chủ của trẻ kém như có nhiều sự cám dỗ từ môi trường bên ngoài hoặc từ nhỏ trẻ không có thói quen cố gắng hoàn tất việc của mình, thiếu lý tưởng và tinh thần phấn đấu, thiếu hứng thú trong học tập cũng như làm việc. Khả năng tự chủ kém cũng có thể do nguyên nhân thần kinh.

Vấn đề thiếu khả năng tự chủ phổ biến ở những trẻ là con một trong gia đình. Cha mẹ thường nghĩ rằng, khả năng tự chủ có thể được kiểm soát bằng ý thức chủ quan của trẻ. Thực ra việc hình thành khả năng tự chủ ở trẻ không chỉ là riêng bản thân các trẻ mà còn đòi hỏi sự giáo dục dạy dỗ đúng đắn của cha mẹ đối với trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Vì thế nếu trẻ có thiếu khả năng tự chủ, một phần nguyên do là do sự dạy bảo của cha mẹ.

Ảnh: Inmagine

Có bậc cha mẹ khi nhìn thấy trẻ vất vả một chút liền cảm thấy xót ruột, hỏi han rối rít, khiến trẻ không thể tập trung làm một việc gì đó. Một số cha mẹ khác lại bận rộn tối ngày với công việc, không có thời gian quan tâm đến trẻ, hiếm có lúc nào vui chơi và trò chuyện cùng trẻ, không khí căng thẳng kéo dài khiến trẻ không thể làm việc một cách thoải mái, lúc nào cũng lo ứng phó với những thay đổi mới…

Thói quen tự chủ kém của trẻ là kết quả tác động trong thời gian dài của các nhân tố, do đó việc thay đổi thói quen tiêu cực này cho trẻ cũng cần nhiều thời gian. Có thể áp dụng một số phương pháp sau đối với trẻ thiếu khả năng tự chủ:
– Cụ thể hóa những mục tiêu lâu dài: vì trẻ nói riêng cũng như con người nói chung thường dễ bị chi phối bởi những thứ có tính kích thích mạnh trong một thời gian ngắn, tương đối cụ thể, rõ ràng, chứ không dễ bị ảnh hưởng bởi những thứ xa xôi trừu tượng và mơ hồ.

– Theo dõi và nhắc trẻ tập trung tinh thần khi làm việc gì đó: cha mẹ cần chú ý những biểu hiện thường ngày của trẻ. Tránh những điều làm trẻ mất tập trung. Khi trẻ làm việc không đến nơi đến chốn, cha mẹ cần khích lệ trẻ tiếp tục để hoàn thành.

– Tạo thêm hứng thú cho trẻ: tìm hiểu những điều mà trẻ ưa thích, bạn hãy chọn một điều để trẻ kiên trì theo đuổi và cố gắng cho trẻ tiếp xúc nhiều với những sự vật mới mẻ, làm phong phú thêm vốn kinh nghiệm của trẻ, từ đó tạo thêm hứng thú cho trẻ.

– Quan tâm chú ý những việc mà trẻ đã cố gắng: cha mẹ nên thường xuyên động viên trẻ, tâm sự trao đổi với trẻ để trẻ biết là cha mẹ luôn quan tâm, yêu thương trẻ, điều đó góp phần thúc đẩy trẻ tích cực làm việc.

– Hãy để cho trẻ có thời gian thư giãn cần thiết và được khen thưởng: Khi trẻ đang chuyên tâm làm một việc gì đó, cha mẹ không nên cắt ngang, làm mất sự tập trung của trẻ. Nhưng khi trẻ hoàn thành mỗi phần của việc làm, có thể cho trẻ nghỉ ngơi một lát, ăn một món ngon gì đó, chơi đùa một lúc, nghe một vài bài hát, tập một vài động tác thể dục, khen ngợi trẻ đã làm xong một phần việc làm…sẽ khiến cho việc trẻ đang làm không trở nên khô khan, nhàm chán.

– Uốn nắn hành vi trút giận không tốt của trẻ: khi bực tức hoặc không được đáp ứng yêu cầu, một số trẻ ném đồ đạt lung tung, xé rách sách vỡ, gào khóc, bỏ ăn…điều này có thể trở thành tính cách tiêu cực của trẻ. Cha mẹ cần nắm bắt những nguyên tắc hợp lý, cố gắng tạo cho trẻ có những cách trút giận có giáo dục ngay từ nhỏ, bộc lộ nỗi ấm ức với người lớn để tìm cách giải quyết.

Theo Monngonmoingay

Leave a Reply

Or