Trẻ ngạt nước dễ tử vong nếu được sơ cứu sai cách

Nhiều bé bị tai nạn chưa đến mức nguy kịch nhưng cuối cùng tử vong chỉ vì phụ huynh không biết sơ cứu hoặc sơ cứu sai cách.

Bé 17 tháng tuổi bị ngạt do cắm đầu vào xô nước được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng tím tái. Bệnh nhi tử vong sau khi hôn mê sâu và trụy tim mạch dù đã được các bác sĩ hồi sức tích cực. Các bác sĩ xác định, nếu được sơ cứu kịp thời trước khi đưa đến viện, có thể bệnh nhi đã không qua đời.

tre-ngat-nuoc-de-tu-vong-neu-duoc-so-cuu-sai-cach

Sơ cứu sai cách dễ khiến trẻ ngạt nặng hơn.

Đây không phải là trường hợp duy nhất gặp nguy do người lớn sơ cứu sai. Cách đây không lâu, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai tiếp nhận 2 bé bị ngạt nước kèm bỏng nặng. Theo lời kể của gia đình, sau khi phát hiện hai bé bị ngạt do rơi xuống giếng, thay vì đưa đến bệnh viện, người trông trẻ lại đốt lửa rồi hơ. Cách làm ấm cơ thể của người lớn đã khiến các bé nguy kịch.

Một trường hợp khác ở Tiền Giang, phụ huynh sau khi thấy con bị té sông, người bố đã vác con lên vai, dốc ngược thằng bé rồi chạy để nước trút ra ngoài. Đến khi thấy con tím tái, đưa đến bệnh viện, phụ huynh mới biết cách sơ cứu của mình đã khiến con bị ngạt nặng hơn do nước chảy vào phổi. Dù đã được cấp cứu tích cực, bé vẫn tử vong.

Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương, trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1, phát hiện rồi nhồi tim, hà hơi thổi ngạt trong 4 phút đầu sau khi ngạt là cách duy nhất giúp các bé có thể bình phục. Tuy nhiên hầu hết các trường hợp nhập viện, phụ huynh đều làm sai.

“Ngạt nước hơn 10 phút thì không còn có cách cứu chữa, song nếu mới ngạt mà phụ huynh sơ cứu sai khiến trẻ ngạt nặng hơn thì quả là đáng tiếc. Tại bệnh viện, chúng tôi không ít lần tiếp nhận những trường hợp sơ cứu sai như thế”, bác sĩ Phương nói.

Cách sơ cứu khi trẻ bị ngạt nước

Bước 1: Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.

Bước 2: Đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.

Bước 3: Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không.

Nếu lồng ngực không di động, tức là trẻ ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim trẻ còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không.

Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim trẻ đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở ½ dưới xương ức bên trái) theo tỷ lệ 15/2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người, hoặc 30/2 nếu có 1 người. Sau đó vừa làm vừa đưa trẻ đi viện.

Nếu trẻ còn tự thở, cho trẻ nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn.

 Theo ngoisao

Leave a Reply

Or