Trẻ cũng cần thể diện

Dù có nóng giận bao nhiêu thì cha mẹ cũng không thể bắt con cái chịu đựng sự xấu hổ công khai.

Mãi sau này, tôi mới dám khơi lại chuyện cũ với cô Tư. Trái ngược với sự nặng nề đã đeo bám trong tâm trí tôi hơn 14 năm nay, cô Tư dường như chẳng nhớ gì. Phải đợi tôi nhắc chính xác từng chi tiết thì cô mới “à” lên rồi lấy tay vỗ nhẹ lên trán mình, tệ thật, cô Tư già rồi nên chẳng nhớ rõ chuyện ngày xưa.Nghe xong, tôi cảm thấy giận, tại sao cô Tư lại có thể dễ dàng quên như thế? Lẽ ra, chính cô Tư mới là người cần phải nhớ và nhớ rất rõ nữa là khác. Bởi người bị tổn thương nặng nề trong câu chuyện này không ai khác mà là con gái cô – em họ tôi.Hôm đó là ngày giỗ của ông nội. Bà con họ hàng xa gần tề tựu đông đủ. Như thường lệ, các mẹ, các chị, các em gái lăng xăng nấu nướng dưới bếp, còn các ông bố và đám trẻ con trò chuyện rôm rả ở nhà trên. Lẽ ra hôm đó sẽ rất vui nếu như thím Út không nói vài câu bình phẩm con gái cô Tư. Nào là, lớn tồng ngồng rồi mà không biết xếp rau cho gọn, hay nhìn cách cắt trái cà thế kia là biết ở nhà được mẹ cưng chiều rồi v.v… Ngay lúc đó, tôi vô tình bắt gặp ánh mắt cô Tư nhìn thím Út như muốn ăn tươi nuốt sống.

trẻ nhỏ cũng cần được tôn trọng
Trẻ nhỏ cũng cần được tôn trọng. Ảnh minh hoạ
Một lát sau, trong lúc bày đồ ăn lên bàn, do loay hoay sắp xếp chén đũa, nhỏ em họ vô ý làm đổ tô cà ri. Nghe tiếng đổ vỡ, mọi người liền xúm lại xem chuyện gì xảy ra. Trong khi mẹ tôi xua tay cười bảo không sao thì cô Tư xăm xăm bước tới nắm đầu con gái tát tới tấp. Mặc cho mọi người can ngăn, cô Tư vẫn không chịu buông tay trong khi miệng không ngớt kể tội: “Mày là cái thứ ăn hại. Tao nuôi mày lớn tới chừng này mà không làm nên trò trống gì. Đi học thì đội sổ. Về nhà thì làm biếng nhớt thây. Cái thứ của mày còn ngu hơn cả chó. Ai đời lớn tồng ngồng vậy mà tối vẫn đái dầm. Biết vậy ngày xưa tao đẻ trứng gà, trứng vịt ăn cho sướng. Mày…”. Cũng may lúc đó mẹ tôi đã kịp ngăn lại, các chú, các bác thấy thế cũng góp lời năn nỉ xin tha cho nhỏ em họ. Tưởng vậy là xong, nào ngờ khi nhỏ em họ đang thay đồ trong nhà tắm thì cô Tư giật mạnh cửa, bắt nó bước ra ngoài để… chửi tiếp. Lúc đó tôi sợ đến run bắn người nên vội chạy lên phòng trốn nhưng vẫn kịp nhìn thấy nó đang co ro dùng hai tay che thân.Rất nhiều lần, trong lúc thủ thỉ tâm sự với tôi, nhỏ em họ đã buông lời nói nặng cô Tư. Nó nói thà mồ côi còn hơn là có người mẹ chẳng biết tôn trọng con cái. Duy nhất một lần mẹ tôi đứng gần đó nên nghe được câu chuyện của tụi trẻ. Không la mắng vì thái độ hỗn hào của chúng tôi, mẹ nhẹ nhàng mở lời can gián và khuyên nhủ hai đứa. Mẹ nói cả hai chị em hãy cố quên chuyện cũ và mở lòng tha thứ cho cô Tư. Hãy xem đó là một chuyện xui rủi chẳng ai muốn. Bởi trong phút nóng nảy không kiềm chế được, cô Tư mới lỡ chứ chẳng người mẹ nào muốn nhục mạ con gái mình trước mọi người.Nghe mẹ giải thích xong cả hai đứa tôi đều vâng dạ nhưng trong lòng đều cảm thấy không thoải mái. Bởi dù có nóng giận bao nhiêu thì cha mẹ cũng không thể bắt con cái chịu đựng sự xấu hổ công khai. Hình phạt đó sẽ không làm người bị phạt nhận ra vấn đề mà chỉ khiến họ cảm thấy tức giận và sợ hãi hơn. Trẻ con lên ba cũng đã biết hãnh diện khi ai đó khen đồ đẹp, đã biết mắc cỡ, giấu mặt sau lưng cha mẹ khi gặp người lạ. Vậy thì một đứa trẻ 12 tuổi làm sao không biết nhục nhã khi bị chê bai giữa chốn đông người. Quan trọng hơn là ở cái tuổi không còn là trẻ con nhưng chưa hẳn là người lớn, đầy những hoài nghi lo lắng về bản thân, trẻ rất dễ tổn thương và hoảng loạn giữa đúng, sai. Sỉ nhục một đứa trẻ rất dễ nhưng để làm lành vết thương tâm hồn cho trẻ thì rất khó. Và cũng như người lớn, trẻ con rất cần giữ thể diện để có thể lớn lên với sự tự tin và lạc quan.

Theo Kienthucgiadinh

Leave a Reply

Or