Trẻ bị bỏng rất nguy hiểm: Cha mẹ đừng cố tìm bất cứ thuốc gì, chỉ làm duy nhất việc này

Trẻ bị bỏng rất nguy hiểm: Cha mẹ đừng cố tìm bất cứ thuốc gì, chỉ làm duy nhất việc này

Theo các bác sĩ trẻ nhỏ bị bỏng rất nguy hiểm và nếu bỏng đến 10 % diện tích cơ thể được xem là bỏng nặng độ IV, độ V. Việc sơ cứu bỏng vô cùng quan trọng thay vì tìm các loại thuốc để bôi.

Trẻ bị bỏng nguy hiểm

Bé Vũ Hoàng Nh (13 tháng tuổi, quê Đông Anh, Hà Nội) điều trị bỏng tại Bệnh viện đa khoa Xanh pôn. Nguyên nhân gây bỏng hết sức bất ngờ, mẹ của bé lấy nước sôi cho vào bình sữa để pha cho con và bé với tay nên vô tình bình đựng nước đổ vào bụng bé.

Hoảng loạn vì bỏng, bé khóc và cào bụng của mình khiến cho lớp da phổng lên và trầy ra. Gia đình nhanh chóng, cởi áo rồi quấn khăn đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Hay như trường hợp bé Nguyễn Thanh Tr (1,5 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) bị bỏng do bố của bé pha mì tôm. Do bất cẩn bé đã đưa cả bàn tay vào bát mì và kết quả bé bị bỏng hết bàn tay trái. Khi bé bị bỏng, bố mẹ của cháu hoảng sợ nên lấy vội kem đánh răng bôi cho con với hi vọng làm mát cho bé.

Sau đó, bé Tr được sử dụng thuốc đắp ở nhà. 3 ngày sau khi đắp lá vết bỏng đen, chảy dịch xanh, các ngón tay dính sát vào nhau, lúc này gia đình mới vội vàng đưa bé tới viện.

Trẻ bị bỏng rất nguy hiểm: Cha mẹ đừng cố tìm bất cứ thuốc gì, chỉ làm duy nhất việc này - Ảnh 1.

Bỏng ở trẻ nhỏ nguy hiểm hơn người lớn.

Bé Trần Nguyễn H. Đ (2 tuổi quê Trực Ninh, Nam Định) được gia đình đưa vào cấp cứu tại Viện Bỏng Quốc gia với tình trạng vật vã, kích thích. Bé bị bỏng nước sôi và bố mẹ tự mua thuốc về đắp. Kết quả sau 8 ngày trị bỏng cháu sốt cao, vật vã, khó thở nên gia đình đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện tỉnh. Sau đó Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định giới thiệu lên Viện Bỏng Quốc gia.

Tại Viện bỏng, vết thương của bé Đ bị hoại tử thứ phát toàn bộ, tiết dịch nhiều, màu xanh, mùi hôi. Bệnh nhân được chuyển vào Khoa Điều trị tích cực, với chẩn đoán: Bỏng nước sôi độ IV, V bụng, ngực, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng.

Bệnh nhân diễn biến xấu, tiên lượng rất nặng; mặc dù đã được điều trị tích cực: thở máy, thuốc vận mạch, trợ tim, truyền dịch, kháng sinh mạnh, truyền khối hồng cầu, albumin, thay băng cắt lọc vết thương bỏng, nhưng tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng ngày càng nặng hơn. Sau đó gia đình cháu bé đã xin cháu về.

Sơ cứu bỏng như thế nào?

Tương tự tại Khoa Bỏng, Bệnh viện đa khoa Xanh pôn, trẻ em chiếm khoảng 50% tổng số nạn nhân bỏng, trong đó lứa tuổi 1-5 tuổi chiếm khoảng 50 – 60% số trẻ em bị bỏng.

Theo bác sĩ Nguyễn Thống, Nguyên trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh pôn đây là lứa tuổi trẻ rất hiếu động, thích khám phá tìm hiểu xung quanh nhưng lại chưa ý thức và chưa có khả năng phòng tránh các mối nguy hiểm.

Trẻ bị bỏng rất nguy hiểm: Cha mẹ đừng cố tìm bất cứ thuốc gì, chỉ làm duy nhất việc này - Ảnh 2.

Bác sĩ Thống cho biết cách sơ cứu bỏng tốt nhất là ngâm nước lạnh

Trẻ em khi bị bỏng dù diện tích nhỏ cũng có thể gây rối loạn toàn thân, diễn biến bệnh bỏng thường phức tạp hơn, quá trình điều trị cũng gặp khó khăn hơn người lớn do các cơ quan chưa hoàn thiện. Ở trẻ nhỏ, diện tích bỏng từ 10% diện tích cơ thể được xem là bỏng nặng, cần nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị đúng cách.

Theo bác sĩ Thống sơ cứu khi bị bỏng đúng rất quan trọng. Khi trẻ bị bỏng lửa hay bỏng nước sôi bạn không nên loay hoay tìm thuốc gì để bôi cho con mà chỉ cần nhanh chóng làm mát vết bỏng, tránh cho da khỏi bị rộp bằng cách mở vòi nước cho chảy chầm chậm lên vết bỏng khoảng 15 – 20 phút. Nếu ở chân tay, ngâm trong nước mát.

Việc ngâm hay đắp nước mát vào vào vùng bỏng ngay lập tức vô cùng quan trọng bởi các lý do sau:

Thứ nhất: Hạ được nhiệt độ của vùng mô dưới da xuống để phòng ngừa bỏng sâu thêm. Sau bỏng nhiệt độ bên ngoài da có thể đã về 30-35 độ nhưng nhiệt độ mô dưới da vẫn tầm 50-60 độ. Ở nhiệt độ này, protein trong các tế bào da vẫn bị tổn thương và thoái hóa. Tế bào sẽ chết.

Thứ hai: Một số tế bào bị “gần chết” do nhiệt ban đầu có thể phục hồi sống sót trở lại nếu được làm lạnh đủ thời gian. Nên cần ngâm 15-30 phút là vì vậy.

Thứ ba: Thời gian sau bỏng để xử trí quý giá từng giây một. Làm lạnh càng sớm được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Đừng cố gắng tìm kiếm một loại thuốc hay chất gì để bôi vào lúc đó – bác sĩ nhấn mạnh.

Sau đó nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, dép, vòng trước khi vết bỏng sưng nề, che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn. Nếu không có gạc có thể dùng vải sạch.

Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, tổn thương có thể tự liền nhờ quá trình biểu mô hóa, thì sau khi sơ cứu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu nặng hơn thì ngay sau khi sơ cứu cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ điều trị kịp thời.

Theo Soha

Leave a Reply

Or