Trả lời câu hỏi “tại sao” của bé

Khoảng 3 – 4 tuổi, trẻ nhỏ rất hay đặt ra câu hỏi “tại sao” và đôi khi những câu hỏi này của trẻ sẽ khiến cho cha mẹ lúng túng, không biết phải trả lời thế nào, thậm chí có những cha mẹ còn nổi cáu với trẻ. Vậy, chúng ta cần trả lời trẻ như thế nào khi trẻ đặt những câu hỏi tại sao? 

Hiểu được điều gì khiến trẻ hay đặt câu hỏi “tại sao”

Việc trẻ thường xuyên đặt câu hỏi “tại sao” một mặt là do nhu cầu khám phá thế giới xung quanh ở trẻ rất lớn, mặt khác trẻ muốn được giao tiếp với người lớn, lôi kéo sự chú ý của người lớn… và kết quả quan trọng là qua đó thắt chặt mối quan hệ giữa trẻ với cha mẹ, giúp trẻ phát triển nhận thức, tư duy, sáng tạo.

con-thong-minh1

Cha mẹ không được cáu gắt với trẻ

Đây là giai đoạn trẻ ham muốn tìm hiểu, khám phá mọi thứ, bước đầu cho sự phát triển trí tuệ sau này của trẻ. Nếu bị từ chối trả lời với một thái độ khó chịu và xem thường của người lớn sẽ khiến trẻ bị tổn thương lòng hiếu kỳ, nảy sinh tâm lý không muốn hỏi nữa, thậm chí không dám đặt ra câu hỏi để tìm lời giải đáp, cản trở sự phát triển của trẻ.

Phân biệt loại câu hỏi “tại sao” mà trẻ đặt ra

Trong những câu hỏi “tại sao” của trẻ, bạn cần chú ý có những câu hỏi trẻ hỏi chỉ để hỏi mà đôi khi không cần cha mẹ trả lời, nhưng có những câu hỏi trẻ hỏi để khẳng định suy nghĩ của trẻ; hỏi để biết, thậm chí phải biết đến tận cùng.

Với những câu hỏi ở loại thứ nhất sẽ dễ dàng với cha mẹ, vì có khi bạn không cần phải trả lời. Nhưng với loại câu hỏi thứ hai thì thật sự trở thành vấn đề mà cha mẹ phải đặc biệt quan tâm.

Không nên trả lời ngay câu hỏi “tại sao” của trẻ

Khi trẻ đặt câu hỏi “tại sao”, cha mẹ hãy cho trẻ cơ hội có thời gian tự suy nghĩ, tự khám phá. Điều này vừa giúp trẻ thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu thế giới xung quanh của mình, vừa phát triển chính bản thân mình, đặc biệt là thúc đẩy sự phát triển của trí tuệ. Hơn nữa khi cha mẹ dành thời gian cho trẻ suy nghĩ cũng là dành thời gian cho chính mình suy nghĩ cách trả lời cho những câu hỏi đó của trẻ, vì chúng ta không phải là cuốn bách khoa toàn thư biết rõ mọi điều.

Không cần phải trả lời chính xác tất cả các câu hỏi “tại sao” của trẻ

Khi trả lời những câu hỏi “tại sao” của trẻ không nên quá chú ý đến tính chính xác, tính khoa học của câu trả lời, vì đôi khi những câu trả lời đó không thỏa mãn được trẻ, thậm chí lại càng làm trẻ thắc mắc nhiều hơn.

Cách này đặc biệt có hiệu quả khi trẻ hỏi những câu có liên quan đến kiến thức khoa học: Tại sao chúng ta lại có thể nhìn mặt trời vào buổi sáng, nhưng không thể nhìn được vào buổi trưa, vì chói mắt?… Cha mẹ có thể chọn cách trả lời dí dỏm, hài hước như “vì ông mặt trời cũng vừa mới ngủ dậy “mắt nhắm mắt mở” nên ông chiếu sáng không nhiều lắm, đến trưa ông mở cả hai mắt to để làm việc rồi nên ánh sáng chói chang”…

Gợi ý cho trẻ để trẻ tự tìm ra câu trả lời

Cũng có khi cha mẹ không cần trực tiếp trả lời vào câu hỏi của trẻ, mà có thể gợi ý cho trẻ tự tìm ra câu trả lời bằng cách: kể cho trẻ nghe một câu chuyện mà nội dung của câu chuyện cuốn hút trẻ, nội dung chứa đựng câu trả lời, qua đó giúp trẻ tự tìm được câu trả lời thích hợp…

Đá ngược quả bóng về phía trẻ

Khi trẻ hỏi “tại sao” hãy để cho trẻ cơ hội tự suy nghĩ câu trả lời bằng cách “đặt câu hỏi ngược lại trẻ”. Cách này tác dụng giúp trẻ tự mình trải nghiệm, tự mình nói lên những suy nghĩ của mình. Khi trẻ tự trả lời đúng, cha mẹ hãy kịp thời khen ngợi để giúp trẻ cảm thấy tự tin vào bản thân mình. Nếu trẻ còn lúng túng hoặc trả lời sai thì qua đó cha mẹ biết được cách suy luận, suy nghĩ của trẻ để có sự khuyến khích và bồi đắp kịp thời và đúng đắn. Còn nếu trẻ nói “con cũng không biết” thì hãy khuyến khích trẻ suy nghĩ tiếp, hoặc hỏi thêm ý kiến của người khác giúp trẻ tăng thêm mối quan hệ qua lại với người khác.

Khi trả lời câu hỏi “tại sao” cần chú ý đến cảm xúc của trẻ

Nếu như trẻ hỏi những câu hỏi tại sao trong trạng thái rất bức xúc thì cha mẹ hãy cố gắng “đánh lạc” hướng của trẻ bằng cách: lái câu chuyện với trẻ sang hướng khác một cách nhẹ nhàng hơn để những cảm xúc tiêu cực ở trẻ giảm xuống rồi dần tan biến mất. Như vậy, chúng ta vừa giúp trẻ hiểu được vấn đề trẻ hỏi đồng thời vượt qua những trạng thái tâm lý không tốt.

Theo Mangthai

Leave a Reply

Or