Top 4 điều cần biết khi tiêm phòng vắc-xin 5 trong 1 cho trẻ

Cho trẻ tiêm ngừa vắc-xin 5 trong 1 là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khỏi những căn bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, mẹ có chắc mình đã hiểu tường tận về loại vắc-xin này?

Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và vi khuẩn Hib đều là những căn bệnh nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao, đồng thời biến chứng để lại cũng rất nặng nề. Cách duy nhất để bảo vệ bé cưng khỏi những căn bệnh này là tiêm phòng. Chỉ với 1 mũi vắc-xin 5 trong 1, mẹ có thể bảo vệ bé cưng an toàn khỏi 5 trong số 6 căn bệnh nguy hiểm trên. Tuy nhiên, mẹ có chắc mình đã hiểu hết về loại vắc-xin 5 trong 1 này?

Vắc-xin 5 trong 1 và những điều cần biết

Tiêm phòng vắc-xin 5 trong 1 cho trẻ là cách bảo vệ bé cưng an toàn và hiệu quả nhất

1. So sánh 2 loại vắc-xin 5 trong 1

Vắc-xin 5 trong 1 ở Việt Nam hiện nay có 2 loại: Vắc-xin Quinvaxem và Pentaxim. Không chỉ khác nhau về tên gọi, 2 loại vắc-xin 5 trong 1 này cũng khác biệt về giá cũng như mục đích phòng bệnh.

– Tác dụng phòng bệnh

Tiêm phòng vắc-xin Quinvaxem cho bé có tác dụng ngăn ngừa 5 loại bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, vi khuẩn Hib. Những bé tiêm phòng Quinvaxem sẽ được uống thêm vắc-xin ngừa bại liệt.

Với vắc-xin Pentaxim, bé cưng sẽ được bảo vệ khỏi 5 căn bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, nhiễm trùng hô hấp và vi khuẩn Hib. Không có tác dụng phòng viêm gan B nên những bé tiêm Pentaxim sẽ phải tiêm thêm vắc-xin ngừa viêm gan B.


– Thành phần vắc-xin

Cùng có tác dụng phòng ngừa ho gà, nhưng vắc-xin Quinvaxem sử dụng kháng nguyên là những tế bào vi khuẩn ho gà đã bất hoạt nên sẽ kích thích hệ miễn dịch tốt hơn. Còn vắc-xin Pentaxim chỉ có 2 kháng nguyên đặc trưng của vi khuẩn ho gà.

– Mức độ an toàn

Tất cả các loại vắc-xin trước khi được đưa vào sử dụng rộng rãi đều đã trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt. Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã xác nhận vắc-xin Quinvaxem là loại an toàn nhất hiện nay.

Quinvaxem nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí dành cho trẻ dưới 1 tuổi theo lịch tiêm chủng 3 mũi vào các thời điểm 2 tháng, 3 tháng và 4 tháng tuổi.

Pentaxim là vắc-xin tiêm dịch vụ. Với mỗi mũi tiêm, mẹ phải trả trung bình khoảng 700.000 đồng. Giống như Quinvaxem, Pentaxim cũng theo lịch tiêm chủng 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tháng trước khi bé được 1 tuổi. Mũi chích thứ 4 nên chích sau khi bé được 1 tuổi, vào khoảng 13 tháng, trễ nhất là khi trẻ 24 tháng.

2. Tiêm phòng lẫn lộn 2 loại vắc-xin có gây nguy hiểm?

Nghiên cứu công bố năm 2005 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh CDC (Mỹ) cho thấy, việc tiêm lẫn lộn 2 loại vắc-xin có thành phần tế bào vi khuẩn ho gà toàn phần và ho gà vô bào không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Ngược lại còn bảo vệ bé khỏi bệnh ho gà tốt hơn. Đặc biệt, so với những trường hợp tiêm lẫn lộn khác, những trường hợp tiêm phòng cho bé 3 mũi toàn bào và 1 mũi vô bào có tác dụng hiệu quả hơn hẳn.


3. Trẻ tiêm phòng vắc-xin 5 trong 1 bị sốt có nguy hiểm?

Không chỉ vắc-xin 5 trong 1, tất cả các loại vắc-xin hiện nay đều hoạt động theo phương pháp: Đưa kháng nguyên vào cơ thể để kích thích hệ miễn dịch hoạt động tạo ra kháng thể chống lại các bệnh do những vi khuẩn đó gây nên.

Quá trình tạo thành kháng thể có thể dẫn đến một số tác dụng phụ không mong muốn. Chẳng hạn: Đau, sưng tấy tại vị trí tiêm phòng, sốt… Trong một số trường hợp đặc biệt, trẻ có thể bị sốc phản vệ sau khi tiêm phòng: phát ban, nổi mẫn ngứa… Chính vì vậy, mẹ không cần quá lo khi trẻ bị sốt sau tiêm phòng vắc-xin 5 trong 1. Khoảng 10% trẻ sau tiêm phòng đều gặp phải tình trạng này.

Lưu ý dành cho mẹ: Có thành phần toàn tế bào nên những bé tiêm phòng Quinvaxem sẽ có khả năng gặp phải tác dụng phụ như sốt, đau, sưng tấy… cao hơn so với các bé tiêm dịch vụ vắc-xin Pentaxim. Tuy nhiên, hiệu quả miễn dịch của Quinvaxem cao hơn so với vắc-xin có thành phần vô bào.

4. Tiêm vắc-xin 5 trong 1 ở đâu?

Vắc-xin Quinvaxem nằm trong chương trình Tiêm chủng mở rộng được tiêm miễn phí tại các trạm xá, điểm tiêm chủng của địa phương.

Còn với vắc xin dịch vụ Pentaxim, mẹ có thể đưa bé đến tiêm phòng tại một số địa chỉ sau đây.

Tại Hà Nội:

  • Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật và y tế dự phòng – 131 Lò Đúc, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
  • Trung tâm Y tế dự phòng: 70 Nguyễn Chí Thanh, Quận Đống Đa, Hà Nội.
  • Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung Ương – Số 1 Yecxanh, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
  • Bệnh viện Nhi Trung ương – 18/879 La Thành, Quận Đống Đa, Hà Nội.

Tại TP.HCM:

  • Bệnh viện Nhi đồng 2 – 14 Lý Tự Trọng, Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM.
  • Bệnh viện Hùng Vương – 128 Hồng Bàng, phường 12, Quận 5, TP.HCM.
  • Trung Tâm Dinh Dưỡng Thành Phố Hồ Chí Minh – 180 Lê Văn Sỹ, phường 10, Quận Phú Nhuận, TP.HCM
  • Viện Pasteur – 167 Pasteur, Phường 8, Quận 3, TP.HCM.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay trên thế giới không có loại vắc-xin an toàn tuyệt đối. Sau khi tiêm phòng vắc-xin 5 trong 1 hay bất kỳ loại vắc-xin nào khác, bé có thể gặp phải một số phản ứng phụ từ nhẹ, vừa đến nặng nhưng rất hiếm những trường hợp phản ứng nặng gây nguy hiểm.

Tiêm phòng vắc-xin 5 trong 1 cho bé: Khi nào cần nói không?

Tiêm phòng vắc-xin 5 trong 1 là điều cần thiết. Tuy nhiên, nếu trẻ thuộc 1 trong những trường hợp sau, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiêm phòng cho bé.

– Trẻ sốt cao trên 40 độ trong vòng 48 giờ sau khi tiêm vắc-xin. Một số bé sẽ có biểu hiện co giật kèm theo.

– Sốc trong vòng 48 giờ sau khi tiêm phòng.

– Khóc dai dẳng trong 3-48 giờ sau chủng ngừa.

– Trẻ đang sốt, mệt mỏi hoặc mắc các bệnh cấp tính.

– Trẻ dưới 6 tuần tuổi.

Theo MarryBaby

Leave a Reply

Or