Tôi sắp bước chân ra khỏi nhà chồng mà lòng không hề nhẹ nhõm

Chỉ hơn 1 tháng nữa, chồng tôi sẽ về hẳn. Tôi sẽ thôi không ở với bố mẹ chồng nữa. Nhưng tôi bước chân ra đi khỏi nhà chồng mà lòng không hề nhẹ nhõm. Sao hai người phụ nữ đều hết lòng vì chồng tôi, mà sống với nhau 3 năm rồi vẫn không hiểu được nhau?

Vợ chồng tôi cưới nhau đã được 6 năm. Chúng tôi cùng là dân tỉnh lẻ nên từ lúc yêu nhau thời sinh viên đã cố gắng phấn đấu để xây dựng sự nghiệp, công việc ở Hà Nội.

Chúng tôi được học bổng cao học ở nước ngoài nên công việc cũng có nhiều thuận lợi, thu nhập không đến nỗi nào. Cách đây 3 năm, tôi chuẩn bị sinh đôi 2 bé đầu lòng thì chồng tôi được cử sang Mĩ làm việc theo chương trình trao đổi nhân lực của tập đoàn.

Bố mẹ chồng và chồng đều động viên tôi về nhà chồng (cách Hà Nội hơn 100km) để sinh con, tiện ông bà chăm sóc cháu. Chứ một mình tôi chăm 2 con nhỏ sợ quá sức. Phần vì muốn chồng đi được yên tâm, phần vì nghĩ ông bà khuyên cũng có lý nên con đầy tháng thì tôi đưa 2 cháu về ở với bố mẹ chồng. Từ đó, những chuyện vụn vặt cứ xảy ra làm tôi dần dần không còn tình cảm với mẹ chồng như trước.

Vì mang thai đôi không quay đầu nên tôi phải sinh mổ, lại bị sản hậu nên sức khỏe sau sinh khá yếu. Tôi lại không đủ sữa cho 2 bé bú nên cháu phải bú kèm sữa ngoài. Phải tội 2 đứa bé, đứa nào cũng chỉ đòi ti mẹ, chẳng chịu bú bình.
Nhìn cháu khóc vì đói, bà nội xót xa nên suốt ngày mỉa mai trách móc tôi là hạng đàn bà vô dụng, không nuôi được con. Phần vì thương con, phần vì ảnh hưởng bởi suy nghĩ của mẹ chồng, tôi lúc nào cũng căng thẳng vì cảm giác có tội với con, có lỗi với nhà chồng.

Tuần nào tôi cũng có nguy cơ đi làm muộn vì những “phát sinh” từ mẹ chồng. Dần dà, tôi phải cho con dậy sớm thêm 30 phút, chỉ để “trừ hao” phần cảm nhận thời trang, thời tiết, thể thao hay giao lưu xã hội đột xuất của bà nội cháu.

Cũng vì tội tôi thiếu sữa, mẹ chồng cắt luôn khoản chăm sóc sau sinh. Từ ngày về nhà chồng, tôi phải tự tay làm mọi việc. Hàng ngày tôi cơm nước việc nhà chăm con mọi khoản, đêm thì lục đục pha sữa dỗ dành 2 đứa con vừa đầy tháng.

Vì lương thai sản của tôi khá cao, nên tôi ngỏ lời thuê một người giúp việc để mình có thời gian nghỉ ngơi. Ai ngờ mẹ chồng tôi gạt đi, còn gọi điện cho má tôi bảo tôi là đứa lười nhác, muốn bôi tro trát trấu vào mặt mẹ chồng.

Tôi không muốn má lo, nên nói với má tại không quen cách sống nên không biết ở đây không ai làm vậy. Má tôi vì chuyện này mà áy náy với thông gia. Tôi thì cũng nghĩ mình không khéo, để mẹ hiểu lầm nên hết lời xin lỗi. Từ đó, tôi chỉ cố sức tự mình làm hết mọi việc.

Mẹ chồng tôi tuy không hài lòng với con dâu, nhưng lại rất sợ mang tiếng với người ngoài. Bà bảo bà đau yếu luôn, chỉ có thể tự chăm mình, tôi không nên trông đợi gì. Tôi cũng nghĩ, con mình thì mình phải có trách nhiệm nên cũng không dám đòi hỏi ai.

Với lại, hồi tôi ở Anh, thấy ai sinh con đều phải tự chăm sóc, chứ không bao giờ có ông bà đỡ đần như ở Việt Nam. Thế nên tôi tự động viên mình theo nếp sống phương Tây cho tiến bộ.

Thế nhưng, sang họ hàng làng xóm, mẹ chồng toàn kể phải thức đêm bế cháu cho tôi ngủ mà tôi thì không biết điều, ban ngày cũng không biết đường ôm con cho bà chợp mắt một lát. Mẹ còn gọi điện cho chồng tôi kêu khổ. Cũng may bố chồng tôi nói đỡ cho vài lời mà anh không trách móc tôi.

Mẹ kể với mọi người là phải nuôi báo cô 3 mẹ con tôi. Trong khi thực tế tôi phải đóng 9 triệu tiền sinh hoạt mỗi tháng không kể tiền sữa, bỉm cho con. Tôi thực sự không hiểu tại sao mẹ chồng lại làm thế?

Tôi không đòi bỏ Hà Nội về ở với mẹ. Là tự gia đình chồng muốn tôi về. Tôi cũng chưa bao giờ thể hiện là tôi ngại về nhà chồng, trái lại còn rất thật lòng muốn hòa nhập. Bố chồng, cô bác họ hàng bên chồng đều rất quý tôi.

Trước đây, mọi người có việc ở Hà Nội, tôi đều chu đáo tận tình, chưa bao giờ để mất lòng ai. Lúc chúng tôi yêu và cưới nhau, mẹ cũng chưa một lần lên tiếng phản đối. Thậm chí bà còn có vài phần tự hào vì con dâu có công việc ổn định, có bằng cấp hẳn hoi.

Tôi cũng chưa nhận một tài sản nào từ phía chồng, nhà cửa xe cộ ở Hà Nội đều do 2 vợ chồng tôi tay trắng mà làm nên. Tôi cứ nghĩ mãi, không biết mình sai ở đâu.

Được một thời gian, không hiểu bà nói chuyện với chồng tôi thế nào, lại biết được chúng tôi có 1 sổ tiết kiệm. Bà bảo tôi con cái rối trí có khi lại lẫn lộn, nên đưa bà cầm hộ cho an tâm. Tôi chẳng nghĩ mình có thể đánh mất được sổ tiết kiệm, nhưng thấy mẹ chồng đã nói thế nên cũng không giữ làm gì. Chỉ tội cứ loanh quanh chăm con cái nên tôi chưa kịp lấy đưa mẹ ngay.

Sáng sớm hôm sau dậy, vừa lò dò xuống cầu thang, tôi đã bị mẹ chồng mắng té tát. Bà bảo tôi là đứa lẻo mép, nói không giữ lời, lại rắp tâm thủ riêng tiền của chồng. Nếu không có bố chồng tôi can, mẹ còn định gọi điện sang mắng tôi với má tôi. Tôi bị sốc thực sự.

Tôi lờ mờ hiểu ra, là mẹ sợ tôi giấu tiền của con trai, để sau này con trai mẹ thiệt thòi. Thôi thì mẹ nào chả thương con, với lại tôi cũng không có ý đó nên vội đưa cả sổ tiết kiệm cho mẹ. Tiền chồng tôi gửi về, tôi cũng chủ động đưa hết cho mẹ cầm. Tôi tin là mình có lòng, người khác dần sẽ hiểu. Bao nhiêu năm tôi đã sống như thế, chưa gặp phải trở ngại gì.

Hết 5 tháng nghỉ sinh, cả chồng và bố mẹ chồng đều khuyên tôi ở nhà chăm con. Mẹ chồng tôi đợt đó hay kêu đau người, rồi bị u xơ khiến chồng tôi lo lắng không yên. Thương chồng, thương con nhỏ, thương cả bố mẹ chồng con cái đều đi xa, tôi nghỉ việc ở Hà Nội, nhận làm thêm biên dịch và luyện thi tiếng Anh tại nhà.

Cũng may là người có bằng cấp và kinh nghiệm như tôi ở cái thành phố nhỏ này khá hiếm, bố mẹ chồng tôi lại quan hệ rộng nên thu nhập của tôi cũng đủ trang trải. Sau đợt tôi chăm mẹ mổ 2 tuần, tôi thấy mẹ có vẻ dễ tính với tôi hơn, tình cảm với tôi hơn. Tôi nghĩ cuối cùng mẹ cũng mở lòng với mình.

Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, mọi việc lại quay về như cũ. Tôi làm hư, làm đổ cái gì, bà cũng nói rất lâu. Không việc gì tôi làm mà mẹ vừa ý. Ai khen tôi, mẹ nói luôn là thằng Huy (chồng tôi) hay con Hoa, con Linh (chị chồng tôi) còn tốt vạn lần hơn.

Phải nói, tôi sống được ở nhà chồng là nhờ bố chồng. Bố tốt tính, thương con dâu nên cuối tuần ở nhà ông lau chùi hết 3 tầng nhà. Hàng ngày tôi chỉ phải lau dọn phòng ngủ của mình và tầng 1. Tối tôi cắm máy giặt, thì sáng ông dậy sớm phơi trước khi đi làm. Mỗi khi đi họp được cái phong bì, ông cũng về hỏi con dâu thích ăn gì ông mua.

Đi đến cơ sở nào ông cũng khoe con dâu giỏi. Ông còn lấy hết cả bằng cấp, chứng chỉ của tôi photo đem cho mọi người xem để “tiếp thị” cho công việc dạy tiếng Anh tại gia của tôi nữa.

Tôi nghĩ trên đời hiếm có người bố chồng nào tốt như ông. Nên khi ông bảo “Mẹ con như vậy nhưng tâm rất tốt, chẳng qua là vì thương con, thương cháu. Con đừng trách mẹ”, thì tôi càng quyết tâm cảm hóa mẹ chồng.

Cứ vậy con tôi 1 tuổi, rồi 2 tuổi. Cứ mỗi khi tôi có ý định quay lại Hà Nội đi làm thì mẹ lại trở ốm, tôi chẳng đành lòng đi. Không phải tôi không nghi ngờ mẹ chỉ viện cớ để cản trở tôi. Mà tôi nghĩ mẹ một đời vất vả vì con, nay con cái lớn lại đi cả, có 2 đứa cháu ríu rít giờ lại đi nốt thì mẹ buồn và tìm cách trì hoãn là đương nhiên.

Ba má tôi có con gái út lấy chồng xa, nhưng bù lại 4 anh chị tôi đều quây quần trong thành phố. Nghĩ nếu ba má tôi cô quạnh như bố mẹ chồng, tôi đã rơi nước mắt. Tôi biết thương ba má mình, thì sao lại nỡ bỏ mặc bố mẹ chồng được.

Hơn nữa mỗi lần mẹ kêu ốm, là chồng tôi lại lo lắng. Tôi quyết định tìm một công việc ở quê chồng. Sáng đưa con đi trẻ, đến chỗ làm, chiều về cơm nước, tắm rửa cho con, tối vẫn duy trì công việc làm thêm.

Tôi không muốn kêu khổ, nhưng quả thật lúc nào cũng quay cuồng, chưa bao giờ được đi ngủ trước nửa đêm. Mẹ chồng tôi lúc nào cũng xét nét, từ bữa cơm nấu không vừa khẩu vị, đến bộ quần áo con tôi mặc. Nhiều buổi sáng, tôi cho cháu ăn xong, đã lên xe rồi mẹ còn bắt xuống vì bộ quần áo cháu mặc “nóng quá”, “lạnh quá” hay thậm chí là “nhà quê quá”.

Mặc cho tôi trình bày là cháu có nhiều bộ thay đủ các loại thời tiết trong ba lô, tôi phải vào làm đúng giờ nên sẽ nhờ cô giáo ở lớp thay hộ, bà vẫn nhất định bắt phải thay ngay ở nhà.

Hôm thì tôi bê cháo của con ra, đã thấy 2 đứa đi đâu với bà nội. Chờ chán chờ chê, 2 bố con đi tìm thì thấy 2 đứa ra công viên đạp xe thể dục buổi sớm hay đang hát hò múa may ở quán nước nào đấy.

Hôm khác thì bà bảo tôi chở con đi học nhưng chở bà đi cùng sang nhà người quen gần nhà trẻ. Đến nơi bà bảo tôi đứng đợi “mẹ vào một tý rồi ra” xong lại mãi chẳng thấy đâu. Hôm thì 3 mẹ con chuẩn bị đi, bà lại gọi lại làm con cá cho tươi…

Tuần nào tôi cũng có nguy cơ đi làm muộn vì những “phát sinh” từ mẹ chồng. Dần dà, tôi phải cho con dậy sớm thêm 30 phút, chỉ để “trừ hao” phần cảm nhận thời trang, thời tiết, thể thao hay giao lưu xã hội đột xuất của bà nội cháu.

Bố chồng tôi cũng từ đó mà thêm việc trông trẻ buổi sáng, vì để ông dắt cháu đi thì tôi mới yên tâm được là ông sẽ dắt về đúng giờ. Trong lúc đó ở nhà, tôi sẽ hỏi mẹ sáng nay cháu mặc bộ này có được không, mẹ có đi đâu không… Và để yên tâm không phải làm cá, xay cua bất thình lình, tôi chuyển luôn việc đi chợ buổi chiều sang sáng sớm, dặn người ta làm luôn cho ở chợ rồi mới mang vào nhà.

Nhưng gừng càng già càng cay, mẹ vẫn là mẹ, mẹ phải hơn tôi một cái đầu. Mẹ chuyển sang giữa buổi gọi tôi về chở mẹ đi khám đau đầu, đau tay đau răng, hay chiều đón cháu về sớm để mẹ cho sang cơ quan mẹ giao lưu. Mỗi lần như thế, tôi lại phải lấy lý do gặp đối tác, đi ngân hàng để rời văn phòng. Khi không được thì chuẩn bị tinh thần tối về nghe mẹ chì chiết đến mệt mới thôi.

Tiền mẹ bảo giữ hộ vợ chồng tôi, mẹ sẵn sàng đem cho chị chồng mua tủ lạnh, hay gửi mua vi tính cho con chị mà chẳng cần hỏi ý kiến vợ chồng tôi trước. Mà nào tôi có hẹp hòi với 2 chị chồng. Dịp này dịp nọ, tôi đều gửi quà gửi tiền cho anh chị và các cháu. Lúc chợ có tôm cua ngon, tôi cũng mua đóng hộp gửi xe lên Hà Nội.

Thế mà con tôi chưa bao giờ nhận được cái bánh cái kẹo từ hai bác. Vẫn biết lọt sàng xuống nia, nhưng đến khi cháu tôi từ trong Nam ra Hà Nội thi học sinh giỏi, mới ghé đến thăm cô, tôi dắt cháu ra chợ mua vài bộ quần áo và ít quà gửi về cho ba má và anh chị, mẹ mắng tôi đem tiền cho nhà ngoại ngay trước mặt cháu. Đợt đó cháu về kể với anh tôi, làm anh trai chị dâu phiền lòng.

Chị dâu tôi vì sợ ba má buồn, nên dặn con không nói cho ai biết. Tôi càng thấy có lỗi với gia đình. Hai tuần sau anh với chị dâu nói đi công tác Hà Nội, ghé vào nhà chồng tôi, mang rất nhiều quà miền Nam, còn sang thăm tất cả chú bác bên bố mẹ chồng.

Trước lúc về, anh nói với mẹ, tôi là út nên từ nhỏ được cưng chiều, với nếp sống miền Bắc có lẽ còn chưa quen, nhưng đã thương ai là thương hết lòng chứ không phải người bạc nghĩa, cũng chưa bao giờ lấy của ai cái gì. Thế nên nếu tôi ở đây có gì không phải, mẹ cảm thấy không hài lòng, thì cứ gọi cho anh chị. Anh với ba má tôi sẽ ra tận ngoài này xin lỗi và dắt tôi về dạy lại. Tôi nghe anh nói, muốn khóc mà cố nén vì sợ mẹ suy diễn. Sau hôm đó, mẹ không nói chuyện với tôi mấy tuần liền.

Năm ngoái, giá nhà trên Hà Nội giảm, tôi bàn với chồng đem tiền tiết kiệm mua một đám đất. Chồng tôi đồng ý, nhưng mẹ thì phản đối quyết liệt, bảo rằng vợ chồng tôi trên đó có nhà rồi, còn mua thêm làm gì nữa. Tôi thấy mẹ gay gắt nên cũng không nhắc lại.

Thời gian sau, có lần nghe mẹ nói với bố, là mẹ không đồng ý vì chồng tôi đi vắng, để tôi mang tiền đi mua bán, nhỡ đâu qua mặt chồng thì mấy tỉ bạc bị tôi cướp trắng. Tôi biết mẹ thương và lo cho chồng tôi, nhưng không lẽ con người tôi thế nào, sống chung mấy năm mà mẹ còn không hiểu?

Nếu tôi ăn ở hai lòng, thì việc mẹ kêu ốm kêu đau sao giữ được tôi ở đây cùng mẹ đến giờ và chịu bao nhiêu cái vô lý của mẹ? Như bố chồng tôi, thẻ ngân hàng của ông, mẹ cũng giữ. Ông mấy chục năm đi làm chưa bao giờ được cầm đồng lương của mình. Tôi không làm như thế với con trai mẹ mà mẹ vẫn còn nghĩ xấu cho tôi đến vậy.

Mẹ chồng tôi không phải người xấu. Tôi thấy bà thương con, thương cháu y như má tôi thương tôi vậy. Đối với họ hàng, xóm giềng hay đồng nghiệp mẹ đều sống có tâm. Không phải ai cũng hoàn hảo, nên mẹ có va chạm với người này người kia tôi nghĩ cũng là chuyện bình thường. Nhưng mẹ không bao giờ có ý hại ai, không tham của người. Đi đường gặp chuyện, mẹ cũng nhón tay làm phúc.

Nên tôi càng không hiểu nổi, một người xa lạ có thể khiến mẹ động lòng, mà sao tôi ở với mẹ 3 năm, sinh ra cháu nội mẹ, một lòng yêu con trai mẹ, thực tâm muốn báo hiếu mẹ, mà mẹ vẫn không hài lòng về tôi? Phải như tôi càn quấy thì là một chuyện. Đằng này bố chồng, họ hàng cô bác đều quý tôi, thương tôi chứng tỏ tôi đâu phải đến mức không thể chấp nhận được.

Sao hai người phụ nữ đều hết lòng vì chồng tôi, mà sống với nhau 3 năm rồi vẫn không hiểu được nhau?

Tôi biết con người ai cũng có lúc sai lúc đúng. Tôi cũng còn vụng về nhiều chuyện. Nấu nướng cũng có bữa ngon bữa dở. Đi chợ có khi mua nhầm ghẹ ộp, cá ươn. Đi làm có khi về muộn, phải nhờ bố chồng đón con và mẹ chồng nấu bữa tối. Sáng cũng có khi ngủ quên vì đêm trước thức khuya, thành ra con cái không kịp ăn uống đàng hoàng phải mua cháo nhà trẻ cho cô giáo đút… Nhưng lúc nào tôi cũng cố gắng, chưa bao giờ tôi dám ngồi không. Tôi nghĩ tôi có thể còn dở nhiều chuyện, nhưng tôi bản chất không phải người xấu.

3 năm ở nhà chồng, tôi chưa bao giờ cãi mẹ một lần, mẹ bảo gì tôi đều cố gắng tiếp thu theo phương châm “nhập gia tùy tục”. Ngay cả thái độ vùng vằng, đá thúng đụng nia cũng chưa bao giờ có. Ngày lễ, Tết hay sinh nhật mẹ, tôi đều có quà chu đáo.

Thi thoảng tôi cũng đưa mẹ đi chọn sắm quần áo, rủ mẹ đi chùa, nấu món này món kia mời cả đồng nghiệp của mẹ đến giao lưu. Các anh chị họ bên phía mẹ, hay thậm chí là con của đồng nghiệp của mẹ, tôi đều giúp được gì là giúp, mong mẹ được mở mày mở mặt.

Tôi dạy con yêu quí ông bà, trước mặt con chưa bao giờ tôi nói điều không hay về mẹ. Tôi cũng chưa một lần kể chuyện ở nhà chồng cho chồng, cho bạn bè hay ba má anh chị tôi nghe. Mọi người từ hàng xóm đến họ hàng đều nghĩ quan hệ mẹ chồng với tôi rất tốt đẹp. Tuy có nhiều việc mọi người hiểu lầm tôi, nhưng mọi người cũng không coi đó là chuyện lớn, chỉ nghĩ tôi trẻ người non dạ, bản thân tôi cũng chưa hề thanh minh.

Tôi cũng có đôi lần tâm sự với mẹ, rằng tôi về đây mọi sự đều là lạ. Chỉ có bố mẹ là gần gũi nhất, nên mong mẹ coi tôi như con gái, vì tôi cũng sẽ đối với mẹ như chồng tôi với mẹ. Vậy mà 3 năm rồi, mẹ vẫn khó chịu gì đó với tôi.

Chỉ hơn 1 tháng nữa, chồng tôi sẽ về hẳn. Vì cam kết với công ty nên chắc chắn anh phải làm tiếp ở Hà Nội. Tôi sẽ thôi không ở với bố mẹ chồng nữa. Nhưng tôi bước chân ra đi khỏi nhà chồng mà lòng không hề nhẹ nhõm. Sao hai người phụ nữ đều hết lòng vì chồng tôi, mà sống với nhau 3 năm rồi vẫn không hiểu được nhau?

 

theo: camnanggiadinh

3 thoughts on “Tôi sắp bước chân ra khỏi nhà chồng mà lòng không hề nhẹ nhõm

Leave a Reply

Or