Tính ưu việt của nuôi con bằng sữa mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ là là phương pháp dinh dưỡng tự nhiên và tuyệt đối an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, nuôi con bằng sữa mẹ tốt hơn và kinh tế hơn nhiều nuôi bằng sữa nhân tạo hay sữa bò.

1. Giai đoạn sữa non

Sữa non là sữa mẹ được tạo ra từ tuần thứ 16 của thai kì và chỉ được tiết ra trong 2-3 ngày đầu sau đẻ. Sữa non có đặc điểm màu vàng nhạt, sánh đặc, có năng lượng rất cao, nhất là vitamin A, nồng độ globulin miễn dịch. Sữa non có tác dụng sổ nhẹ giúp tống phân su nhanh, giảm nguy cơ vàng da.

Sữa non tuy bài tiết ít, khoảng 100ml/ngày nhưng chất lượng cao thoả mãn nhu cầu của trẻ, giúp trẻ chống đói, rét. Sữa có chứa đầy đủ chất dinh dưỡng cân đối, các kháng thể diệt vi khuẩn, virus độc hại và các chất điều hòa miễn dịch, giúp cho cơ thể trẻ sơ sinh chống lại bệnh tật và phát triển khỏe mạnh. Sau giai đoạn sữa non, sữa mẹ chuyển tiếp thành sữa ổn định.

2. Giai đoạn sữa vĩnh viễn: (Từ tuần thứ 2 trở đi)

Sữa mẹ là chất dinh dưỡng hoàn hảo, dễ tiêu hoá, dễ hấp thu: Số lượng protein trong sữa mẹ ít hơn trong sữa bò, nhưng lại có đủ các acid amin cần thiết và tỷ lệ cân đối.

Trong sữa mẹ, 70% là protein hoà tan trong nước, khi vào dạ dày sẽ kết tủa thành các phân tử nhỏ nên thấm dịch tiêu hoá tốt và dễ hấp thu. Trái ngược trong sữa bò chủ yếu là casein cao, khi vào dạ dày sẽ kết tủa thành hạt lớn khó hấp thu.

Thành phần lipid trong sữa mẹ rất cao. Có nhiều acid béo không no như acid linoleic rất cần thiết cho sự phát triển của não, mắt, vững bền mạch máu của trẻ. Trong sữa mẹ còn có men lipase, vì vậy lipid trong sữa mẹ được hấp thu ngay ở dạ dày (còn sữa bò không có lipase nên chỉ hấp thu lipid khi xuống tới ruột non).

Đường trong sữa mẹ chủ yếu là đường beta-lactose trong khi sữa bò chủ yếu là alpha-lactose. Đây là 1 đặc tính ưu việt hơn của sữa mẹ do tại đường tiêu hoá, beta-lactose chuyển thành axit lactic giúp hấp thu tốt canxi, sắt và nhiều muối khoáng. Nó cũng tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn Lacto Bifidus (Gr(+)) phát triển, tăng khả năng hấp thu và tiêu hoá. Bifidus phát triển sẽ ức chế vi khuẩn Gr (-) như E.Coli giúp trẻ ít bị tiêu chảy hơn so với sữa bò.

Alpha-lactose trong sữa bò tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn E.Coli phát triển, tăng hấp thu vitamin K nhưng lại cản trở hấp thu dinh dưỡng, khiến cho bé dễ tiêu chảy.

Sữ mẹ có đầy đủ các loại vitamin, đặc biệt là vitamin A, C, giúp trẻ phòng một số bệnh như khô mắt do thiếu vitamin A, thiếu máu thiếu sắt (vì sữa mẹ nhiều vitamin C giúp tăng hấp thu sắt).

Sữa mẹ cung cấp đủ nước và muối khoáng cho trẻ trong 4 tháng đầu, vì vậy trẻ không cần uống thêm nước. Các muối khoáng trong sữa mẹ phù hợp với sự phát triển của trẻ. Canxi tuy ít hơn sữa bò nhưng thoả mãn được nhu cầu của trẻ. Quan trọng là tỉ lệ Ca++/Phospho từ 1,5-2 dễ dàng hấp thu, giúp trẻ ít bị còi xương. Hàm lượng sắt cao hơn sữa bò, đồng thời sữa mẹ lại có vitamin C cao hơn nên dễ hấp thu sắt hơn, do đó trẻ ít bị thiếu máu.

Sữa mẹ cung cấp năng lượng lớn cho trẻ: Sữa non cung cấp 700kcal/1000ml. Sữa vĩnh viễn cung cấp 1500 kcal/1000ml, đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng lớn cho sự phát triển của trẻ.

Sữa mẹ có các chất kháng khuẩn giúp trẻ chống lại các bệnh nhiếm khuẩn: Một số kháng thể từ mẹ truyền qua rau thai đến bào thai  giúp trẻ mới đẻ có sức đề kháng và miễn dịch một số bệnh đặc biệt.

Trong 4-6 tháng đầu, trẻ không mắc một số bệnh như sởi, cúm, ho gà. Bên cạnh đó, sữa mẹ vô khuẩn, sạch, trẻ bú trực tiếp ngay khiến vi khuẩn không có điều kiện phát triển. Do đó trẻ ít bị một số bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy.

Sữa mẹ còn có nhiều globulin miễn dịch, nhất là IgA (thường không được hấp thu qua niêm mạc ruột  mà hoạt động tại niêm mạc ruột) giúp chống lại một số vi khuẩn đường ruột như E.coli và virus.

Sữa mẹ có các tế bào miễn dịch như lympho bào sản xuất ra IgA và Interferon giúp ức chế hoạt động của một số virus; các đại thực bào giúp tiêu diệt nấm candida và vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn Gr- (Clostridium, Klebsiella) là các vi khuẩn gây viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh. Sữa mẹ bài tiết Lysozyme (tiêu diệt vi khuẩn) và Lactoferin, là protein gắn sắt có tác dụng kìm khuẩn, không cho vi khuẩn cần sắt phát triển.

Sữa mẹ tác động tới các vi khuẩn đường ruột, vì trong sữa có yếu tố bifidus, là một carbonhydrat có chứa Nitrogen cần cho vi khuẩn Lactobacillus bifidus phát triển, ngăn cản các vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa.

Beta-lactose khi vào sẽ chuyển hoá thành axit lactic, là môi trường thuận lợi cho Lactobacillus bifidus phát triển, ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Do đó trẻ bú sữa mẹ sẽ giảm tỉ lệ mắc và tử vong do các bệnh nhiễm khuẩn hơn so với trẻ nuôi nhân tạo.

Sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo và phù hợp nhất đối với sự phát triển của trẻ. Là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ  dưới 1 tuổi mà không gì thay thế được.

Leave a Reply

Or