Thời tiết chuyển mùa, mẹ lo “sốt vó” phòng bệnh hen cho trẻ

Thời tiết đã chuẩn bị sang thu, đây là thời điểm trẻ dễ mắc hen. Các mẹ nên có sự chuẩn bị thật tốt để giúp trẻ vượt qua những cơn hen đầy khó chịu.

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi lần đến thời điểm giao mùa là chị Hoàng Hà (Ba Đình, Hà Nội) lại lo ngay ngáy vì không biết khi nào cơn hen của con lại tái phát. Bé Bi nhà chị Hà năm nay lên 5 tuổi, rất ngoan ngoãn và thông minh, chỉ có điều bé hay ốm vặt và gặp vấn đề về hô hấp.

Nhìn con khổ sở mỗi lần ho kéo dài và cổ họng thở khò khè, chị Hà rất xót xa. Mặc dù đã chữa Đông Tây y kết hợp, làm đủ chiêu trò do người thân, bạn bè giới thiệu nhưng tình trạng hen của bé Bi vẫn không suy chuyển. Chị Hà chỉ còn cách chăm sóc và phòng bệnh cho con thật chu đáo để các cơn hen xuất hiện giãn dần.

ảnh minh họa

Bệnh hen ở trẻ em là một bệnh mạn tính của đường hô hấp. Bệnh biểu hiện bằng sự co thắt phế quản và làm tăng tiết chất nhầy niêm mạc phế quản. Hai hiện tượng này làm cản trở sự lưu thông của không khí, vì vậy trẻ khó thở.

Mỗi khi thời thiết thay đổi từ nắng ấm sang lạnh, gió mùa đông bắc, áp thấp nhiệt đới, ẩm ướt, trẻ cảm lạnh do mặc không đủ ấm, tắm khi có gió lùa, mặc quần áo bị ướt, là những thời điểm khiến trẻ dễ lên cơn hen nhất.

Dưới đây là một số kiến thức cơ bản về bệnh hen ở trẻ em mà các mẹ có con hay mắc như chị Hà nên nắm vững để chăm sóc thật tốt cho con:

Làm thế nào để biết bé đã bị hen?

Các triệu chứng thông thường của hen phế quản: Ho dai dẳng, đặc biệt nặng hơn về đêm, thở khò khè, thở gắng sức, thấy nặng ngực ở trẻ lớn.

Ở trẻ nhỏ, nhiều khi tình trạng co thắt phế quản chỉ biểu hiện duy nhất bằng những cơn ho giống như ho gà nhưng lúc hít vào không thấy ồn ào, đôi khi lẫn lộn giữa cơn ho có tiếng rít. Hen trẻ em cũng có thể biểu hiện dưới dạng viêm phế quản khó thở. Khi khó thở và ho nhiều, dịch tiết ra. Không giống như hen kinh điển ở người lớn, cơn hen ở trẻ em bắt đầu và kết thúc không đột ngột.

Tác nhân gây cơn hen ở trẻ

Các yếu tố khởi phát cơn hen thường gặp là: Thời tiết và nhiệt độ thay đổi đột ngột, cảm cúm/nhiễm trùng đường hô hấp, gắng sức (tập thể dục, nô đùa, khóc, xúc cảm quá mức), khói thuốc lá, khói than, phấn hoa, nấm mốc, vảy, da, lông thú vật, một số loại dược, mỹ phẩm.

Lưu ý khi phòng ngừa bệnh hen

Thường bệnh hen có thể phòng ngừa được nếu các tác nhân là yếu tố khởi phát cơn hen được nhận biết và loại trừ. Ở đây, phải nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp kiểm soát môi trường cả ở nhà lẫn nơi làm việc, ngăn chặn không cho cơn hen phát sinh.

Tránh xa khói thuốc lá: Người bị bệnh hen tuyệt đối không được hút thuốc lá và những người xung quanh người bệnh hen cũng không được hút thuốc. Qua một số nghiên cứu tác hại của việc hút thuốc đối với chứng hen đã khuyên rằng không được hút thuốc, nhất là khi cửa nhà đóng kín.

Đây là điều tối quan trọng, bởi nếu một người hút thuốc trong nhà có bệnh nhân hen sẽ dẫn tới tình trạng hen nghiêm trọng hơn, nhất là trẻ em. Cần thận trọng khi người lớn sử dụng những chất có mùi thơm khác lạ dễ kích ứng làm xuất hiện cơn hen như mùi keo xịt tóc, mùi nước thơm xịt phòng…

Không đốt lửa sưởi trong nhà, củi cháy trong nhà thì khói bụi có thể gây cơn hen. Nếu cần đốt lửa sưởi, phải đảm bảo giảm đến mức tối đa những bụi nhỏ thoát ra trong phòng và vào phổi bệnh nhân.

Không ra ngoài gió lạnh, vì khi mở cửa bước ra ngoài đột ngột thay đổi nhiệt độ có thể lên cơn hen. Bởi vậy, bệnh nhân bị hen khi trời lạnh không nên ra ngoài, nếu phải ra ngoài thì phải mặc ấm, dùng khăn choàng rộng hoặc khẩu trang che mũi, miệng. Nếu có điều kiện thì thay đổi môi trường sống ở những nơi khí hậu ấm áp, khô ráo.

ảnh minh họa

Nằm giường kê đầu cao hoặc gối cao khi ngủ để tránh hiện tượng trào ngược dịch vị axit vì hiện tượng này có thể gây cơn hen.

Thận trọng với thức ăn hàng ngày, nếu đã biết đồ ăn nào, thực phẩm nào trẻ bị dị ứng thì không bao giờ dùng, nhưng một số thực phẩm mới lần đầu dùng thì bệnh nhi nên thận trọng. Qua nghiên cứu thực tế, người ta thấy sữa, trứng, đồ ăn liền là những món ăn thường gây hen. Nếu có thể hãy tránh xa bếp ăn, bởi một số người bệnh không cần phải ăn món ăn kiêng mà chỉ ngửi mùi thức ăn cũng có thể lên cơn hen.

Chú ý khi trẻ lên cơn hen cấp, xử trí ngay bằng cách cho trẻ ra chỗ thoáng khí, không khí trong lành; cho uống nhiều nước hoặc hít hơi nước làm đờm loãng ra sẽ dễ thở. Cần để ý thường xuyên theo dõi bệnh của con em mình, cần phát hiện sớm những dấu hiệu báo động cơn hen và cần có sự can thiệp kịp thời để bệnh không phát triển nặng thêm, gây nguy hiểm đến tính mạng.

 

theo: giadinh

Leave a Reply

Or