Thay vì quát mắng, cha mẹ áp dụng 5 cách này để con hết ương bướng

Chẳng có bậc cha mẹ nào muốn la hét, mắng mỏ con cái. Tuy vậy, không phải ai cũng biết cách để có thể dễ dàng uốn nắn, bảo ban con.

Thiết lập các quy tắc rõ ràng

Bố mẹ sẽ ít phải quát mắng nếu như thiết lập quy tắc gia đình rõ ràng về đạo đức, cách ứng xử cho con. Hãy in một văn bản quy tắc và dán lên những nơi nổi bật trong nhà như tủ lạnh, bàn ăn. Mỗi khi con mắc lỗi, bố mẹ không cần cằn nhằn, nói nhiều mà cứ theo quy tắc đã đề ra để xử phạt.

Đừng quát mắng, hay chì chiết con vì những điều đó chỉ khiến chúng ức chế và không sửa đổi hành vi xấu. Nhiều trường hợp, bố mẹ càng quát mắng, con lại càng bất chấp.

Cảnh báo trước hậu quả của việc phạm lỗi

Bố mẹ hãy cảnh báo trước những hậu quả cũng như hình phạt con sẽ phải nhận nếu mắc lỗi. Các hình phạt như lấy đi đặc quyền (không được xem tivi, không được đọc truyện tranh…) hay ngồi im suy nghĩ lại hành động của bản thân sẽ khiến con bạn học hỏi được nhiều điều.

day con uong buong

Ảnh minh họa

Chẳng hạn con lười biếng không chịu làm bài tập, bố mẹ chẳng cần quát mắng, la hét hay thậm chí roi vọt. Thay vào đó, hãy cảnh cáo: “Nếu con không làm bài thì tối nay không được xem tivi nữa”. Sau đó, con bạn sẽ xem xét và chọn làm bài tập vì không muốn mất đặc quyền xem tivi.

Tất nhiên, bố mẹ hãy xem xét chọn lựa hậu quả thích hợp nhất. Ví dụ con thích ăn kem thì cảnh báo chúng sẽ không được ăn kem nữa nếu không làm bài. Hãy chọn đặc quyền bị lấy dựa trên sở thích của con để chúng biết sợ mà sửa đổi.

Nói chuyện, đừng ép buộc

Khi trẻ em bị buộc làm điều gì đó không đúng ý muốn, chúng có khuynh hướng nổi dậy và làm mọi điều có thể trong khả năng để không nghe lời. Thuật ngữ mô tả chính xác nhất hành vi này là “phản đối”: một khái niệm được mượn từ tâm lý học, có nghĩa là xung lực bản năng để chống lại bất kỳ cảm giác ép buộc hoặc ràng buộc nào. Đây là đặc điểm không chỉ của trẻ em mà là của con người nói chung, đặc biệt là với những người cứng đầu.

Để khắc phục điều này, bạn cần nói chuyện thay vì ép buộc con làm việc này việc kia. Ví dụ: nếu con bạn kiên quyết xem TV ngay cả khi đã đến giờ đi ngủ, bạn đừng cố buộc trẻ ngừng xem. Thay vào đó, hãy ngồi xuống bên cạnh và cho con thấy bạn cũng đang quan tâm đến những gì con đang xem. Bạn càng quan tâm, càng cởi mở thì con sẽ càng gần bạn hơn. Và cuối cùng, khi con đạt đến sự giao tiếp tốt với bố mẹ, chúng sẽ dễ dàng hợp tác hơn

5 cach tri con uong buong

Ảnh minh họa

Khen thưởng nếu con làm tốt

Bên cạnh các hình phạt, bố mẹ cũng cần đưa ra lời khen, phần quà nếu con cư xử tốt và tuân thủ quy tắc. “Bố mẹ rất vui vì con đã làm việc nhà và đánh giá cao điều này”, một lời khen sẽ giúp con cảm thấy vui vẻ, tự hào về bản thân và có thêm động lực cư xử đúng đắn.

Bạn hãy dành thời gian mỗi ngày để động viên trẻ nỗ lực cư xử tốt và có thể tạo ra hệ thống khen thưởng con. Chẳng hạn mỗi lần con làm tốt việc gì đó thì sẽ được một sao thưởng, khi đủ năm sao thì sẽ được tặng một món quà.

Quát mắng chưa chắc đã khiến con sửa đổi hành vi nhưng khen thưởng thì luôn giúp ích nhanh chóng.

Xem xét lại những lý do quát mắng con

Nếu bố mẹ hay quát mắng con, hãy xem xét vì sao mình làm thế. Nhiều khi con chỉ phạm lỗi nhỏ nhưng bố mẹ cũng quát mắng chỉ bởi bản thân đang gặp stress và muốn giải tỏa cảm xúc. Khi tranh luận với trẻ cứng đầu rất dễ khiến bố mẹ nổi nóng, bực bội, la hét, lên giọng để át đi sự không nghe lời của con. Trường hợp này, bố mẹ cần học cách kiềm chế cơn nóng giận và chờ đến khi bình tĩnh mới đưa ra biện pháp kỷ luật con.

Để làm điều này, trước và sau mỗi cuộc trò chuyện, hãy làm bất cứ điều gì khiến bạn bình tĩnh: Hít thở sâu, nghe nhạc êm dịu,… như vậy, con bạn cũng có thể cùng nghe và bình tĩnh lại cùng với bạn.

Theo Giadinhvietnam

Leave a Reply

Or