Những dấu hiệu cảnh báo

Nhiều gia đình tẩm bổ cho mẹ bầu bởi suy nghĩ “ăn cho hai người”. Từ đó dẫn tới việc không ít mẹ bầu ăn uống vô tội vạ và tăng cân mất kiểm soát.

Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe, ThS. Lê Duy Toàn, Phó trưởng khoa Đẻ A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, chính việc mẹ bầu thừa cân, béo phì  là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường thai kỳ. Ngoài ra, mẹ bầu lớn tuổi khi mang thai (trên 35 tuổi), gia đình hay bản thân có tiền sử bị tiểu đường… cũng là yếu tố nguy cơ của căn bệnh này.

“Triệu chứng bệnh tiểu đường thai kỳ thường không có biểu hiện rõ ràng, nhưng mẹ bầu sẽ gặp một số biểu hiện giống những người mắc bệnh tiểu đường như luôn cảm thấy khát nước, đi tiểu nhiều, khó lành các vết trầy xước, vết thương, cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức”, ThS. Lê Duy Toàn cho biết.

Ngoài ra, mẹ bầu nấm men vùng kín, ngứa ngáy, khó chịu và nước tiểu có nhiều kiến bu chính là những dấu hiệu “nhắc nhở” về căn bệnh tiểu đường thai kỳ.

Thấy nước tiểu có nhiều kiến bu, mẹ bầu coi chừng mắc bệnh dẫn tới dị tật thai nhi - Ảnh 1

ThS. Lê Duy Toàn, Phó trưởng khoa Đẻ A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: BSCC

“Đối tượng dễ mắc tiểu đường thai kỳ là người mẹ từng có tiền sử tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước, từng sinh con nặng trên 4.1kg hoặc một thai chết lưu không rõ nguyên nhân. Vì vậy, nếu xuất hiện những dấu hiệu trên, mẹ bầu hãy thực hiện thăm khám, sàng lọc để phát hiện bệnh tiểu đường thai kỳ từ sớm để tránh các biến chứng đáng tiếc”, ThS. Lê Duy Toàn nói.

Mẹ bầu bị tiểu đường nên sinh thường hay sinh mổ?

Theo ThS. Lê Duy Toàn, mẹ bầu bị tiểu đường sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi trong suốt quá trình mang thai.

Người mẹ có thể gặp biến chứng nguy hiểm như tiền sản giật, sản giật cao gấp 4 lần so với người bình thường, nhiễm trùng, băng huyết sau sinh. Còn thai nhi có thể gặp biến chứng sinh non, hội chứng hạ đường huyết sau sinh gây ra tình trạng co giật dẫn đến hôn mê, tổn thương não. Ngoài ra, thai nhi cũng có nguy cơ bị các dị tật bẩm sinh ở hệ tiết niệu, hệ thần kinh, tim mạch và dễ bị vàng da trong 28 ngày đầu sau sinh.

Thấy nước tiểu có nhiều kiến bu, mẹ bầu coi chừng mắc bệnh dẫn tới dị tật thai nhi - Ảnh 2

Nước tiểu có kiến bu là dấu hiệu cho thấy mẹ bầu đang bị tiểu đường thai kỳ. Ảnh minh họa.

Không ít mẹ bầu bị tiểu đường thắc mắc nên sinh thường hay sinh mổ để tránh biến chứng? Giải đáp câu hỏi này, ThS. Toàn cho biết trong quá trình mang thai, nếu mẹ bầu có chế độ ăn uống phù hợp, có thể kiểm soát được lượng đường trong cơ thể thì thai kỳ vẫn phát triển bình thường không ảnh hưởng đến việc sinh nở.

“Quyết định sinh thường hay sinh mổ còn phụ thuộc vào nhiều lý do sản khoa, khó có thể dự đoán được trong thai kỳ. Khi mẹ bầu vào chuyển dạ, bác sĩ sẽ kiểm tra và dự đoán tình trạng sức khỏe của mẹ bầu để quyết định việc sinh thường hay sinh mổ. Điều quan trọng nhất là người mẹ phải thực hiện chế độ ăn uống phù hợp, làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ để phát hiện bệnh và có phương án xử lý kịp thời”, ThS. Toàn khuyến cáo.

Những việc mẹ bầu cần làm trước khi xét nghiệm tiểu đường thai kỳ:

-Ăn uống bình thường 3 ngày trước đó.

-Không dùng các thuốc thuộc nhóm glucocorticoid, thuốc lợi tiểu… ít nhất 3 ngày trước khi làm nghiệm pháp.

-Trước lúc làm nghiệm pháp phải nghỉ ngơi ít nhất 30 phút.

-Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ được tiến hành vào buổi sáng sau khi nhịn đói sau ăn ít nhất 8 giờ.

-Lấy máu xét nghiệm đường huyết lúc đói, sau đó cho mẹ bầu uống 75g glucose trong 5 phút. Định lượng glucose huyết tại thời điểm 1 giờ và 2 giờ sau khi uống nước đường.

-Trong thời gian làm nghiệm pháp mẹ bầu có thể ngồi nhưng không uống cà phê, hút thuốc lá.

“Cho đến nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính gây ra tiểu đường thai kỳ. Một số nguyên nhân như mẹ tăng cân nhiều, thay đổi hormone thai kỳ được cho là có liên quan đến chứng bệnh này. Để hạn chế tối đa nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ, bà bầu có thể phòng ngừa bằng cách cải thiện chế độ ăn uống, luyện tập cũng như có kế hoạch chuẩn bị trước khi mang thai. Khi mang thai, mẹ bầu nên tập thể dục nhẹ nhàng. Việc tập luyện mỗi ngày sẽ giúp cơ thể dễ dàng dung nạp glucose, đẩy lùi tiểu đường, khắc phục triệu chứng đau lưng, chuột rút…thường gặp ở mẹ bầu”, ThS. Lê Duy Toàn tư vấn.

Theo Phunusuckhoe