Thay đổi tâm lý khi mang bầu

Hãy tưởng tượng quá trình mang thai cũng giống như một cuộc “cải cách” toàn diện ở người phụ nữ. Sự thay đổi này, biểu hiện ở hình dáng, sức khỏe và biến đổi về thể chất của cơ thể. Có một sự đảo lộn khác quan trọng hơn mà nhiều khi chính bà mẹ tương lai cũng khó có thể kiểm soát đó là thay đổi về tâm lý.

Biểu hiện tâm lý suốt thai kỳ

Phụ nữ khi mang thai đều ít nhiều có những thay đổi, tùy thuộc vào cơ địa, thể chất và điều kiện sống của mỗi người. Nhìn chung, những bất ổn trong tâm lý của bà bầu suốt thai kỳ là điều khó tránh do chịu sự chi phối của những thay đổi về hooc-mon bên trong cơ thể. Thông thường, thai phụ sẽ có những biểu hiện tâm lý sau đây:

Tuần đầu phát hiện có thai: người mẹ không tránh khỏi tâm trạng hồi hộp, lo lắng về sinh linh nhỏ đang hình thành bên trong cơ thể mình. Đôi khi, sự ngờ vực, lo sợ cũng xen lẫn cảm giác yêu thương và tình cảm lẫn lộn. Điều này đặc biệt nặng nề hơn ở những bà mẹ lần đầu tiên mang thai.

Ba tháng đầu: do bị ốm nghén, nhiều thai phụ cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung, cáu kỉnh và hay quên. Ốm nghén cũng chi phối nhiều đến cách cư xử của người mẹ trong các mối quan hệ, vì vậy họ rất cần được người thân cảm thông và chia sẻ.

Vào ba tháng giữa của thai kỳ: thai nhi mỗi ngày một lớn và nồng độ hooc-mon Oxitocin tăng tiết ngày một nhiều. Đây là loại hooc mon khá “đặc biệt”, nó tác động đến tình cảm của người mẹ, làm nảy sinh những tình cảm mang tính bản năng, tình mẫu tử bắt đầu ngày càng rõ ràng và sâu sắc hơn. Nhờ vậy, người mẹ cũng có tâm thế chững chạc hơn, không chỉ đối với thai nhi mà còn nảy sinh nhiều cảm tình hơn với những người thân xung quanh.

Vài tuần cuối của thai kỳ: cùng với sự tăng nhanh về kích thước của thai nhi, người mẹ sẽ cảm thấy nặng nề hơn, tâm trạng có phần lo lắng nhiều hơn về cuộc “vượt cạn” sắp tới. Có những người từ lo lắng quá mức có thể phát sinh tâm lý buồn chán, cô đơn. Nên đây là lúc mà thai phụ cần có sự động viên an ủi từ người thân, đặc biệt là người chồng.

bắt mạch tâm lý bà bầu

Đó là những dấu hiệu dễ gặp và đặc trưng nhất mà hầu như người mẹ nào khi mang thai cũng trải qua. Tùy thuộc vào đặc tính của từng người mà mức độ có khác nhau, không ai giống ai hoàn toàn. Ngoài ra, có thể có những tình cảm và tâm lý khác, rất phong phú và phức tạp. Đôi khi bạn cảm thấy rất lo lắng, nhưng rồi cảm giác này cũng qua đi rất nhanh thay vào đó là những cảm nhận thiêng liêng, quý giá hơn về tình mẫu tử và bản năng làm mẹ.

Vì sao tâm lý thay đổi khi mang bầu?

Khi người phụ nữ mang bầu, cơ thể có những đổi khác toàn diện, do những biến đổi trong trao đổi chất của cơ thể hoặc bởi các hormone estrogen và progesterone. Sự thay đổi hàm lượng hormone có ảnh hưởng đến hệ thần kinh, trong đó có các chất có tác động “điều chỉnh” tâm trạng. Cảm giác mệt mỏi, căng thẳng, cáu gắt hay lo lắng đều xuất phát từ căn nguyên này.

Tâm lý thất thường chủ yếu trong 3 tháng đầu tiên (cao nhất là từ 6 đến 10 tuần đầu). Và sau đó, sự khó chịu này trở lại trong 3 tháng cuối thai kỳ, khi bạn chuẩn bị cho việc sinh nở.

Lời khuyên cho bà bầu

Vấn đề tâm lý bà bầu có thể kéo dài suốt thời kỳ mang thai và cho con bú. Bởi vậy, bà mẹ mang thai nên thực hiện các biện pháp “điều hòa” tâm lý một cách khoa học để đảm bảo cho sự phát triển ổn định của thai nhi.

bách mạch tâm lý bà bầu

Thực hiện chế độ nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý giúp cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cả mẹ và bé. Khi cơ thể cả hai mẹ con khỏe mạnh, cảm giác mệt mỏi bị đẩy lùi cũng có nghĩa bạn đã loại bỏ được phần lớn các yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý thai kỳ.

Tận dụng các khoảng thời gian trống để nghỉ ngơi thư giãn giúp bạn phục hồi sức khỏe. Những bản nhạc nhẹ nhàng, những quyển sách hay, thỉnh thoảng đi dạo đổi gió không chỉ có tác động tốt đến tinh thần của thai phụ mà còn rất hữu ích đối với sự phát triển tư duy của bé, giúp ổn định thai nhi hiệu quả.

Những thay đổi hàng ngày của bé và sự to lên nhanh chóng về kích cỡ của chiếc bụng bầu vào các tháng cuối có thể khiến bạn cảm thấy nặng nề và khó chịu hơn. Bởi vậy, bạn nên tạo thói quen tập luyện ngay từ những tháng đầu tiên. Các bài tập yoga nhẹ nhàng, thư thái sẽ rất tốt cho bạn cả về sức khỏe lẫn tâm lý trong suốt quá trình mang thai.

Đặc biệt, bà mẹ mang thai nên chú ý tự điều chỉnh tâm trạng để tránh ảnh hưởng đến em bé. Bạn hãy nhớ, nếu mẹ vui nghĩa là con cũng vui và ngược lại. Hãy học cách “tâm sự” vui vẻ với bé, bạn sẽ thấy bé có những phản hồi lại, dù rất nhỏ, nhưng chắc chắn sẽ khiến bạn thấy vô cùng hạnh phúc.

Khi có những dấu hiệu bất ổn tâm lý bạn cũng nên học cách chia sẻ với người thân, đặc biệt là người chồng. Hoặc giả sự thay đổi tâm sinh lý mà bạn cho là đã ở mức độ nghiêm trọng thì nên tìm đến bác sỹ chuyên khoa để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

 Sưu tầm

Leave a Reply

Or