Tâm sự ứa nước mắt của ông bố có con thi đại học được 21 điểm dù chào đời chỉ nặng 1,35kg

Con sinh non khi mới 6 tháng 10 ngày, nặng 1,35kg và phải nằm trong lồng ấp. Ba tháng sau, con nặng 2,5kg, cái mông con như cuốn sách nhăn nhúm, đen mốc… 

Đó là dòng tâm sự của anh Nguyễn Đức Hiển (sống tại TP.HCM) viết về con trai và hành trình vượt qua khó khăn của cả gia đình. 

Chúng tôi xin chia sẻ lại nội dung câu chuyện đầy xúc động của anh:

“Con trai!

Con ra đời chỉ 1,35kg, khi tròn 6 tháng 10 ngày tuổi thai. Khi bố mẹ đang làm nhà từ 100% tiền vay cả mua đất lẫn làm nhà. 

Con nằm 20 ngày trong lồng kính.

Thị lực 0%, Bệnh viện Từ Dũ mời bác sĩ Nhi Đồng 1 và Viện Mắt qua hội chẩn nói con cần đi Thái Lan thay giác mạc. Khoa Kangaroo biết bố mẹ nghèo, họ nhờ cậy các tổ chức để tìm một suất từ thiện cho con đi Thái. Với điều kiện bố mẹ không đi cùng.

Nhà mình vừa xây xong 1 tuần, 1 căn nhà cấp 4 trên bãi đất trống.

510129181

Con ra đời chỉ 1,35kg, khi tròn 6 tháng 10 ngày tuổi thai (Ảnh minh họa).

Bố chuẩn bị bán nhà (nhà mình hoàn thành trước ngày con ra đời 1 tuần, dù bố dự kiến 3 tháng sau con mới ra đời) để đưa con qua Thái chữa mắt. Bố không nghĩ có thể để con đi đâu mà không có bố mẹ đi cùng.

Điều thần kỳ đã xảy ra, mắt con tăng thị lực từng ngày. Đến ngày lẽ ra bay qua Thái, nó đạt 11/10 như những đôi mắt khoẻ nhất.

Bác sĩ nói phải nuôi con bằng phương pháp Kangaroo. Vì tim và phổi con chưa hoàn thiện, nó không tự hoạt động.

Tức là mặc một cái áo không tay, như cái ống, kê cao gối nửa ngồi nửa nằm. Con nằm trong đó, úp vào ngực người lớn như con ếch nhằm tối đa diện tích tiếp xúc và được sưởi bằng thân nhiệt của người lớn để nhịp tim và nhịp thở người lớn kích thích nhịp tim con.

Ba tháng trời. Bố, mẹ, cậu Ba và bà ngoại đã chia ra mỗi người 6 tiếng/ngày, chia làm 2 ca mỗi ca 3 tiếng, ấp con như thế.

Ba tháng sau, con đạt 2,5kg cân nặng. Tính ra mỗi tháng lên có mấy trăm gram. Ngày các cô chú đồng nghiệp vào thăm, cái mông con như cuốn sách nhăn nhúm, đen mốc.

Con được 2,7kg thì da tái nhợt, đêm đó nhà mình đi 3 chuyến taxi với 6 đợt đi về phòng cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1. Bác sĩ trả về vì con không bệnh gì, chỉ cảm sốt thường.

Hôm sau, đưa vào, họ nói sao anh đưa trễ, cháu bị sốt cao.

Hôm sau nữa, con giảm tiểu cầu không rõ nguyên nhân. Hai ngày sau thì phát hiện con xuất huyết não. Khi đó con chỉ còn 2,5kg.

Sáu tháng trời con nằm trong bệnh viện. Bố viết bài cho báo mình xong, cộng tác với 20 báo và tạp chí. Khi đó có mệnh lệnh duy nhất: tháng nào thu nhập của bố xuống thấp thì con chết.

Bố mẹ, không thể nhìn con chết được.

Ở tuổi 28 (hơn con bây giờ 10 tuổi), bố chỉ ngủ 3 tiếng/đêm trong 6 tháng trời. Mẹ nghỉ việc chăm con. Bà và cậu làm bảo mẫu.

Rồi 6 tháng cũng qua. Con ra viện. Nhưng con mất 2 năm tập vật lý trị liệu: tập cầm nắm, tập nói, tập phân biệt màu xanh với màu đỏ, màu vàng.

Bố mẹ không đủ tiền thuê người. Bà ngoại đưa con về Cù Lao ở Bến Tre. Bố đi cày kiếm tiền, mẹ thì muốn trầm cảm và con có dấu hiệu tự kỷ.

Mỗi tuần bà ngoại đưa con đi xe tốc hành (16 chỗ, đưa đón tận nhà) lên thành phố cho con tập bài tập vật lý trị liệu…

Hai năm trời chúng ta đã chiến đấu. Con rất kiên cường.

Hai năm sau, con đạt huy chương vàng trong cuộc thi của trường mầm non phường 8, quận 10 “Ai thông minh nhất?”.

Đời bố đã qua ti tỉ lần thi. Nhưng cho tới giờ, với bố, đó là tấm huy chương vĩ đại nhất. Con, sau những gì đã qua, là một đứa trẻ bình thường về tư duy, tâm lý và thể chất. Dù có một điều chúng ta đều biết: Con bị điếc 2 độ, nhẹ, nhưng con khó khăn nghe và phát âm tròn những âm gió khi học ngoại ngữ.

1435889375-dsc0114

Con đi thi tốt nghiệp THPT mà bố mẹ hồi hộp… Nhưng thẳm sâu, bố chỉ muốn con là người bình thường và hạnh phúc (Ảnh minh họa).

Năm nay, con đi thi tốt nghiệp THPT mà bố mẹ hồi hộp. Đẻ con ai cũng muốn con thành kỹ sư, bác sĩ, tổng thống. Nhưng thẳm sâu, bố chỉ muốn con là người bình thường và hạnh phúc.

 Theo Afamily

Leave a Reply

Or