Tâm lý trẻ 2 tuổi và các lĩnh vực phát triển đặc biệt mẹ cần chú ý

Tâm lý trẻ 2 tuổi là một trong những cột mốc đánh dấu sự phát triển của trẻ ở nhiều lĩnh vực khác nhau – bao gồm hành vi, cảm xúc, kỹ năng vận động và ngôn ngữ ban đầu. Hãy cùng Yêu Trẻ tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn tâm lý trẻ 2 tuổi và tìm ra biện pháp dạy con thật phù hợp với độ tuổi của bé nhé.

1. Những thay đổi về hành vi của trẻ 2 tuổi

bé khóc ăn vạ

Bé 2 tuổi bắt đầu biết khóc lóc ăn vạ để đòi theo ý mình – Ảnh Internet

Bước vào độ tuổi này, trẻ trở nên ương bướng khủng khiếp. “Cứng đầu”, khóc lóc ăn vạ, khó bảo là một phần bình thường trong quá trình phát triển của trẻ, bắt nguồn từ việc trẻ muốn thể hiện sự độc lập và phá vỡ những nguyên tắc của mẹ.

Ở tuổi lên 2, trẻ rất dễ xúc động, chưa biết kiểm soát cảm xúc của mình, cũng như các kỹ năng ngôn ngữ chưa đầy đủ, khiến bé lúng túng khi bày tỏ nỗi thất vọng, sợ hãi và những cảm xúc khác. Tốc độ suy nghĩ nhanh hơn tốc độ nói nên khả năng trình bày suy nghĩ, bộc lộ cảm xúc của trẻ sẽ không bắt kịp với những gì đang diễn ra trong đầu trẻ.

Các mẹ thử hình dung xem, nếu bản thân mình biết mình muốn gì nhưng lại không biết cách nói ra, không diễn tả được, bạn có thấy khó chịu và bất lực không? Đó là lý do các trẻ dễ nóng giận và la lớn lên, để bày tỏ cảm xúc của mình đồng thời thu hút sự chú ý của mọi người. Do đó, các mẹ nên thông cảm với những thay đổi tâm sinh lý của trẻ trong giai đoạn này để tránh cáu gắt, nóng giận quá mức với các con.

dạy bé 2 tuổi

Mẹ hãy cố gắng giữ bình tĩnh khi dạy con 2 tuổi – Ảnh Internet

Biện pháp tốt nhất để xử lý cơn tức giận trong quá trình phát triển tâm lý trẻ 2 tuổi là sự bình tĩnh của các mẹ. Các mẹ cố gắng kiềm chế bản thân mình, đợi trẻ giải tỏa sự giận dỗi xong và nhẹ nhàng hỏi han về mong muốn của trẻ, mẹ cũng nên nói về cơn tức giận của trẻ khiến chúng trông như thế nào, khiến mẹ và mọi người trong gia đình cảm thấy như thế nào. Chính điều đó sẽ giúp trẻ phần nào hạn chế sự nóng vội của mình ở những trường hợp sau này. Mẹ nên hướng dẫn trẻ muốn gì thì “trình bày” với mẹ và mẹ sẽ giúp trẻ thể hiện được mong muốn đó. Như thế, trẻ sẽ biết làm gì và tự giải quyết được vấn đề của mình mà không cần la hét.

Việc nổi giận của trẻ cũng thường xuất phát từ sự phát triển tính tự lập trong tâm lý trẻ 2 tuổi. Ở tuổi này, nhu cầu độc lập này của trẻ hoàn toàn phù hợp với sự phát triển kỹ năng vận động và sự phát triển trí não ở nửa năm cuối. Trẻ thích tự làm mọi việc trong khả năng của mình. Do đó, nếu ba mẹ thiếu kiên nhẫn trong việc chờ đợi, hoặc không cho trẻ hoàn thành công việc yêu thích của trẻ, thì đó sẽ dễ khiến trẻ nóng giận.

2. Sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ 2 tuổi

tam-ly-tre-2-tuoi-2

Có thể cho bé 2 tuổi xem một số loại sách thiếu nhi phát triển ngôn ngữ – Ảnh: Internet

Đến 2 tuổi, trẻ cần có vốn từ vựng khoảng 50 từ, chẳng hạn “bà”, “nước”, “không”, “nữa”… Trong giai đoạn này, trẻ cũng có thể nói được cụm hai từ có nghĩa, như “quả bóng”, “đi xe”… Các mẹ đừng quá lo lắng về vấn đề phát âm, trong quá trình phát triển tâm lý trẻ 2 tuổi thì chỉ có khoảng 50% những gì trẻ nói là nghe được và dễ hiểu. Tuy nhiên, cũng không hiếm các trường hợp, trẻ không phát âm được từ có nghĩa mà chỉ như những âm thanh bập bẹ.

Những trẻ ở độ tuổi này thường “chuyện trò” với ba mẹ bằng những ngôn ngữ riêng của chúng. Tuy điều này rất đáng yêu nhưng thỉnh thoảng nó sẽ khiến các mẹ “đau đầu”, vì không phải mọi lúc đều có thể đoán được chúng đang nói cái gì. Dù vậy, điều trái lại là, biểu hiện khác mà cha mẹ cần quan tâm là trẻ hiểu được những gì mẹ nói. Như vậy, nếu trẻ liên tục bỏ qua yêu cầu của mẹ hoặc mẹ yêu cầu một việc đơn giản nhưng phải lặp đi lặp lại vài lần thì nên lưu ý tới trẻ, để hướng dẫn giúp đỡ trẻ, hoặc tìm hiểu trẻ điều gì đang diễn ra với bé, qua thái độ này.

3. Phát triển quan hệ xã hội ở tâm lý trẻ 2 tuổi các mẹ cần lưu ý

bé 2 tuổi chơi với bé khác

Bé 2 tuổi bắt đầu hình thành tương tác xã hội khi chơi với các bé khác – Ảnh Internet

Tính sở hữu trong tính cách bé 2 tuổi cũng được định hình rõ ràng. Trẻ ý thức được những đồ đạc thuộc về trẻ và trẻ thường do dự mà không muốn chia sẻ với những trẻ khác. Trẻ ở tuổi này thích chơi với trẻ khác nhưng theo kiểu ngồi cạnh rồi chơi. Chia sẻ tất nhiên là rất khó khăn và là thách thức đối với tâm lý của trẻ 2 tuổi, tuy nhiên, bạn có thể rèn tính chia sẻ cho con bằng cách chờ tới lượt khi chơi.

Khi các trẻ tranh nhau một món đồ chơi, hãy đề nguyên tắc mỗi trẻ chỉ được chơi một phút để giảm bớt sự tranh giành. Các mẹ có thể giúp trẻ hào phóng hơn bằng cách làm gương tốt cho con về tính sẻ chia, như để trẻ thấy mẹ chia sẻ bánh kẹo, tờ báo, điều khiển tivi,…với các thành viên khác trong nhà và với trẻ. Đây cũng là lứa tuổi lý tưởng để dạy trẻ dọn dẹp. Trẻ có thể bắt chước tập thu dọn đồ chơi hoặc nhặt rác, bỏ vào thùng rác. Ngoài ra, trẻ cũng thích bắt chước cha mẹ về ngôn ngữ và hành vi, điệu bộ trong cuộc sống hàng ngày nữa.

4. Những vấn đề khác trong tâm lý trẻ 2 tuổi

bé nhè đồ ăn

Bé 2 tuổi có thể ngồi lì ngậm đồ ăn suốt nhiều tiếng trước dĩa đầy thức ăn – Ảnh Internet

Nếu các mẹ rèn được tính kiên nhẫn để xử lý và chịu đựng những thay đổi ngoạn mục khi bé lên 2 tuổi thì đó là một điều vô cùng tuyệt vời. Tuy nhiên, còn rất nhiều những tình huống mà các mẹ nên chuẩn bị tinh thần, chẳng hạn như:

  • Trẻ có thể ngồi lì 2 tiếng trước một dĩa đầy thức ăn và miệng cũng ngậm đầy thức ăn trong suốt 2 tiếng đó.
  • Với trẻ 2 tuổi, dù đã được dạy ra hiệu lệnh khi muốn đi tè thì trẻ sẽ nói cho mẹ biết ngay sau khi đã tặng cho mẹ một “bãi chiến trường”, và mọi việc sẽ cứ lặp lại nhiều lần như thế. Các mẹ chỉ cần chăm chỉ dọn dẹp và dọn dẹp là được! Dù mẹ có la mắng trẻ nhiều như thế nào thì trẻ vẫn chưa thể tuân thủ đúng yêu cầu của mẹ ngay sau đó.
  • Trẻ sẽ muốn được bạn quan tâm, chú ý đến trẻ suốt cả ngày ngay cả khi bạn mệt, ốm, đói hay đi tắm.
  • Trẻ có thể “ăn vạ” ở khắp mọi nơi, ở nhà hay nơi công cộng như siêu thị hay khu mua sắm đông người.

Tâm lý trẻ 2 tuổi có những biến động có thể khiến ba mẹ khủng hoảng theo trẻ. Tuy nhiên, các bé con độ tuổi này cũng có rất nhiều biểu hiện cực kỳ dễ thương làm xua tan đi mọi lo lắng, mệt mỏi của ba mẹ, giúp ba mẹ có thêm nguồn động lực tích cực để làm việc mỗi ngày, cũng như chăm sóc trẻ với tình yêu vô bờ không lay chuyển.

Minh Tâm tổng hợp

Leave a Reply

Or