Tại sao có hiện tượng song sinh dính liền và thai trong thai?

Tuy hiếm gặp nhưng hiện tượng song sinh dính liền và thai trong thai luôn thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ giới y khoa với những trường hợp vô cùng nan giải.

Song sinh dính liền

Theo các nhà khoa học, song sinh dính liền thường là những cặp song sinh cùng trứng, gặp sự cố trong thời gian phân bào trong tử cung người mẹ. Song sinh dính liền xảy ra với tỷ lệ dao động từ 1/50.000 – 1/200.000 ca. Tỷ lệ sống sót ở những cặp song sinh dính liền cũng rất thấp, chỉ đạt 25%. Các cặp song sinh dính liền là con gái có khả năng xảy ra nhiều gấp 3 lần so với các cặp song sinh dính liền là nam giới.

Song sinh dính liền.

Về mặt lý thuyết, song sinh dính liền là những cặp song sinh cùng trứng, khiến họ giống nhau hoàn toàn về giới tính. Quả trứng được thụ tinh và tách thành 2 hợp tử riêng biệt nhưng quá trình này bất ngờ ngừng lại khi chưa được hoàn tất sẽ khiến cặp song sinh bị dính liền với nhau.

Có 2 giả thuyết vẫn được sử dụng để giải thích về hiện tượng song sinh dính liền. Lý thuyết được nhiều thế hệ chấp nhận gọi là sự phân chia nhân, là trứng thụ tinh được tách ra chưa hoàn toàn. Trong khi đó, lý thuyết thứ hai là sự hỗn hợp, là trứng thụ tinh đã được tách biệt, nhưng tế bào gốc sẽ tìm những điểm giống nhau và kết hợp (dính) với nhau.

Cặp song sinh dính liền đầu.

Khi còn ở trong bụng mẹ, các cặp song sinh dính liền cùng chung nhau thai và túi ối. Điều này hoàn toàn khác biệt so với các cặp song sinh tách rời nhau khi được nuôi dưỡng ở 2 túi ối khác nhau bằng 2 dây rốn riêng biệt. Khi chào đời, các cặp song sinh dính liền sẽ ra cùng lúc, gây nhiều khó khăn và nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi trong quá trình sinh nở tự nhiên.

Trên thực tế, có rất nhiều kiểu song sinh dính liền và không ít những trường hợp trong đó có thể dễ ràng được tách biệt khi phần bị dính không gây nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp song sinh dính liền chung nhau những bộ phận quan trọng như nội tạng hay thậm chí là chung nhau não bộ.

Một cặp song sinh dính liền vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường.

Dù các tiến bộ y khoa đang ngày càng vượt trội nhưng việc tách các ca song sinh dính liền thường rất nguy hiểm, có thể cướp đi mạng sống của một trong 2 người hay thậm chí giết chết cả cặp song sinh, nếu phần chia sẻ là các bộ phận quan trọng. Nó làm dấy lên hàng loạt câu hỏi về đạo đức, khiến các ca phẫu thuật phân tách khó lòng được tiến hành nếu gây nguy hiểm tới tính mạng của một trong 2 người.

Thai trong thai

Xảy ra với tỷ lệ 1/500.000, thai trong thai là một trong những hiện tượng hiếm gặp bậc nhất thế giới. Về mặt thực chất, thai trong thai là những cặp song sinh đồng trứng nhưng do phân chia quá muộn của một trong 2 phôi khiến nó bị phần kia bao bọc toàn bộ. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp thai trong thai đều bị chết khi còn trong bụng mẹ trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ. Dù vậy, không ít trường hợp vẫn được sinh ra đời.

Một em bé mang thai nhi khác trong bụng.

Xét về mặt cấu thành, thai trong thai khó xảy ra hơn so với hiện tượng song sinh dính liền. Tuy nhiên, nếu thai nhi vượt qua được giai đoạn khó khăn, nó sẽ được sinh ra bình thường, với cơ hội sống sót cao hơn nhiều so với những trường hợpsong sinh dính liền.

Khi chào đời, việc phát hiện và loại bỏ bào thai kí sinh bên trong cơ thể những đứa trẻ thai trong thai cũng dễ dàng và ít nguy hiểm hơn rất nhiều so với việc bóc tách những cặp song sinh dính liền. Đa phần, những bào thai nằm trong bụng người anh em song sinh đều hiếm có khả năng tồn tại sự sống.

Những trường hợp thai trong thai dù hiếm nhưng vẫn thường xuyên được truyền thông nhắc đến.

Khi chưa được loại bỏ, những bào thai này lấy dinh dưỡng trực tiếp từ bên trong cơ thể người người anh em song sinh. Tuy nhiên, đa phần những bào thai này đều phát triển khiếm khuyết, và khó có khả năng phát triển hoàn thiện. Dù vậy, sự lớn lên không ngừng của bào thai gây ra hiện tượng chèn ép mạnh các cơ quan nội tạng, đe dọa tính mạng người anh em song sinh.

Tuy chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ra hiện tượng thai trong thai nhưng các bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ mang thai không nên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Việc tiêm phòng nhằm hạn chế mắc các căn bệnh truyền nhiễm cũng được khuyến cáo để bảo vệ sự phát triển của thai nhi.

 

theo: zing

Leave a Reply

Or