Tai nạn đuối nước rình rập trẻ mùa hè

Bé trai 2 tuổi ở Phú Xuyên (Hà Nội) vào cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, tím tái, co giật… vì ngã xuống ao.

Người nhà cho biết, vào chập tối bé chơi cùng với một bé khác cũng trạc tuổi ở gần bờ ao thì ngã xuống nước. Đến khi được vớt lên, bé đã bất tỉnh, gia đình đưa đến trạm y tế xã, sau đó chuyển lên bệnh viện huyện và chuyển tiếp đến Bệnh viện Bạch Mai.

tam11-4752-1402557926.jpg

Nguy cơ đuối nước luôn thường trực với trẻ nhỏ khi vào hè. Ảnh minh họa: Phan Dương. 

Bác sĩ Nguyễn Hồng Phong, khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trẻ được đưa vào khoa cấp cứu trong tình trạng tím tái, tăng trương lực cơ, nhịp tim nhanh, tự thở, hôn mê. Suốt cả quá trình từ lúc được vớt lên đến khi nhập viện, bé không tỉnh nên nguy cơ tổn thương não rất lớn.

“Gia đình không làm động tác sơ cứu trước cho trẻ mà đưa bé đến trạm y tế. Đây là trường hợp khá may mắn vì không để lại di chứng, dù có phù não”, bác sĩ Phong cho biết. Hiện trẻ đã xuất viện, không bị di chứng.

Các bác sĩ khuyến cáo, cứ đến hè, trời nóng, trẻ được nghỉ học thì số ca bị đuối nước thường tăng. Vì thế, cha mẹ cần hết sức cảnh giác không nên để trẻ nhỏ chơi gần ao, mương, rạch; khi đi bơi cần có sự theo dõi sát sao của người lớn. Thực tế, bệnh viện từng tiếp nhận trẻ đi trên thành bể bơi không may ngã xuống nước.

Trong trường hợp trẻ bị đuối nước thì cần sơ cứu đúng cách. Nhiều người lớn sau khi vớt trẻ lên hay bế dốc ngược lên vai và chạy để nước ra ngoài. Cách làm này không đúng, không có tác dụng nếu trẻ không tự thở được. Thay vào đó, điều quan trọng đầu tiên khi sơ cứu là khai thông đường thở, kiểm tra mũi, miệng trẻ xem có dị vật hay không. Nếu có dùng thủ thuật Hemlich đẩy nước, dị vật ra ngoài; làm thủ thuật hô hấp nhân tạo… Có trẻ có cả cá, bùn đất trong miệng. Sau đó, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Không sơ cứu trước khi chuyển tới bệnh viện sẽ làm mất thời gian cứu nạn nhân, gây ra di chứng não sau này nếu bệnh nhân còn sống. Nguyên nhân là do thiếu oxy ở các tổ chức trong một thời gian dài, đặc biệt là não.

Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý nếu trẻ bị đuối nước, đặc biệt là ở nguồn nước tự nhiên, sau khi cấp cứu ban đầu, kể cả bệnh nhân tự thở được thì dứt khoát vẫn phải đưa đến bệnh viện kiểm tra. Lý do là khoảng 25-30% trong số này có khả năng bị phù phổi cấp, xảy ra ngay sau đó vài giờ. Thế giới phân đuối nước ra làm 2 loại: Ở hồ bơi và ở nguồn nước tự nhiên như ao, hồ, sông ngòi, kênh rạch… Nếu nguồn nước tự nhiên bị ô nhiễm, chứa vi trùng… thì sau vài tiếng vào phổi có thể phá hủy phổi.

Phương Trang

Theo Vnexpress

Leave a Reply

Or