Sức mạnh của lời nói trong giáo dục con của người Mỹ

Trong thời gian sinh sống ở Mỹ tôi quan sát và để ý thấy các bố mẹ người Mỹ sử dụng lời nói của họ đối với con cái rất hiệu quả, quả thật lời nói có sức mạnh. Chẳng hạn như thấy đứa bé tầm 4-5 tuổi chạy nhảy lung tung tại siêu thị, họ chỉ nói 1 lời là đứa bé có thể dừng hành động chạy nhảy lại ngay hoặc một đứa bé 2-3 tuổi đang khóc mà chỉ sau một lời nói là bé nín khóc và lại tươi cười. Vậy làm cách nào mà lời nói của họ có sức mạnh đến như vậy?

Tôi đi tìm hiểu câu trả lời này trong suốt thời gian dài, từ gặp gỡ tiếp xúc với các gia đình bạn bè người Mỹ đến các trường học nuôi dạy trẻ và cả sách vở lưu trữ tại thư viện. Tôi phát hiện ra rằng người Mỹ luôn được khuyến khích sử dụng lời nói luôn đi kèm với cảm thông, đồng cảm, và đặc biệt là có lý lẽ đối với trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời.

Điều này khiến tôi vô cùng bất ngờ vì trước đây tôi nghĩ các thủ thuật đắc nhân tâm chắc chỉ dành trong giao tiếp xã hội, công việc buôn bán, thượng mại chứ ai lại dùng đối với giáo dục trẻ nhỏ, ấy vậy mà chúng được áp dụng ở đây một cách rất tự nhiên và nhuần nhuyễn, từ giáo dục mầm non đến cả ở giáo dục gia đình.
Sau đây, tôi xin giới thiệu một vài tình huống thực tế để làm rõ cách người Mỹ dùng lời nói giáo dục con cái của họ như thế nào.

dsc_0170

Người Mỹ được khuyến khích dùng lời nói thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ và có lý lẽ để nói với con

Tình huống 1: Con khóc khi bạn đang thay tả cho bé.

Thay vì nói: “Nín khóc nào. Không sao đâu”

Thử nói như thế này: “Mẹ đang nghe thấy con khóc đây. Con đang khó chịu đúng không nào. Mẹ biết cảm giác khó chịu đó của con. Mẹ biết là con không muốn cho mẹ thay tả cho con. Mẹ sẽ cố gắng thay tả thật nhanh, nhanh nhất có thể để con không còn khó chịu nữa nhé. Sắp xong rồi con à, một chút xíu nữa thôi…vậy là xong rồi đó, con thấy dễ chịu chưa nào?”

Lý do: Trong lúc này, thật sự con của bạn cảm thấy khó chịu mà bạn lại nói không sao đâu. Cũng giống bạn vậy đó, khi mà bạn đang khó chịu, buồn bực vì chuyện gì đó mà một người bạn của bạn lại nói với bạn là “không sao đâu” thì bạn có cảm thấy dễ nghe không? bạn có cảm thấy được cảm thông không? Chắc chắn là không. Đứa bé cũng vậy, nó cũng muốn được cảm thông, hiểu được cảm xúc và nhu cầu thực của bé. Bạn không chỉ đem đến cho đứa bé sự an toàn mà bạn cũng cần đem đến cho bé sự cảm thông, chia sẻ. Thông qua việc hiểu được cảm xúc của trẻ, bạn đồng thời dạy cho bé biết cách chia sẻ và sự chân thành, sau này bé lớn lên sẽ có ảnh hưởng tích cực về sự phát triển trí tuệ cảm xúc.

Tình huống 2: Con bạn làm rơi đồ chơi xuống nền nhà và bắt đầu khóc toáng lên

Thay vì nói: “Thôi bỏ nó đi, nó chỉ là đồ chơi thôi mà, con lấy cái khác đi.”

Thử nói như thế này: “Mẹ thấy con làm rơi đồ chơi của con rồi. Mẹ thấy con rất là buồn. Con chơi chưa xong với đồ chơi này phải không? Để mẹ tìm cách nhặt lên cho con chơi tiếp nhé! Con đợi mẹ chút xíu nhé!”

Lý do: Đúng là chúng ta chẳng có gì quá buồn khi rơi món đồ chơi, nhưng đối với trẻ nhỏ, món đồ đang chơi là một điều vô cùng quan trọng và đặc biệt. Rơi mất món đồ chơi đối với trẻ là một điều vô cùng buồn bã. Do vậy, hãy thể hiện sự cảm thông này đối với trẻ. Phải đặt bản thân mình vào tình huống của trẻ để hiểu cảm xúc của trẻ. Bằng cách chia sẻ cảm xúc với trẻ, trẻ cảm thấy bạn gần gũi và hiểu được chúng, bạn tạo cho chúng một sự an toàn. Đồng thời bạn cũng dạy được trẻ sự cảm thông và chia sẻ.

Người Mỹ được khuyến khích dùng lời nói thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ và có lý lẽ để nói với con

1376104443_mo-hinh-tau-hoa-3-jpg

Tình huống 3: Con của bạn không muốn ngồi vào ghế để ăn cơm

Thay vì nói: “Con ngồi vào ghế để ăn cơm nào, nhanh lên!” hay “Có ngồi vào ghế không thì bảo!”

Thử nói như thế này: “Con muốn tự mình ngồi vào ghế hay con muốn mẹ phải bắt con ngồi vào ghế nào?”

Lý do: Cách nói này bạn vừa đưa ra mệnh lệnh nhưng vừa thể hiện sự chọn lựa. Lúc này con bạn sẽ được quyền chọn lựa, và bé sẽ có ít sự phản kháng hơn là chỉ có 1 mệnh lệnh duy nhất. Nếu con bạn lại tiếp tục từ chối ngồi vào ghế thì bạn có thể nói: “Có vẻ như con không có đói bụng phải không, chắc là con mệt quá rồi, con chẳng muốn ăn nữa phải không nào. Vậy thì con muốn ngồi vào ghế hay là muốn đi lên giường ngủ nào? Con chọn cái nào?” Nếu con bạn vẫn chưa quyết định được chọn cái nào thì bạn nói sẽ quyết định cho con, và bắt đầu đếm 1 đến 3 một cách chậm rãi để con suy nghĩ. Điều này sẽ dạy bé biết tự quyết định, và nếu không quyết định được thì sẽ bị người bắt phải làm theo.

Tình huống 4: Mặc dù đã đến giờ đi ngủ mà con của bạn vẫn cứ chạy lung tung quanh phòng đùa giỡn.

Thay vì nói: “Nằm vào giường nào. Mẹ đã bảo con là vào giường ngủ nào”

Thử nói như thế này: “Mẹ thấy con đang có vấn đề là không tự dừng vận động lại được. Có vẻ như con đang cần mẹ giúp con phải không nào.” Bạn đến ôm con hoặc bế bé lên nhẹ nhàng.

Lý do: Trẻ con rất thích vận động, vốn tự nhiên của trẻ mà. Đôi khi chúng không thể nào tự chủ bản thân chúng được, chúng cần được chúng ta hướng dẫn và chỉ bảo, và dần dần theo thời gian chúng mới tự mình làm điều đó được. Do vậy không nên ép trẻ phải tự làm ngay. Thay vào đó là những hành động, cử chỉ nhẹ nhàng, êm ái từ cha mẹ, chúng hiểu được cảm xúc của yêu thương, và từ đó làm dịu sự nóng nảy của chúng.

Tình huống 5: Bạn cho con bạn một vài cái bánh, bé ăn hết, và lại đòi thêm nữa. Vừa đòi vừa khóc mếu.

Thay vì nói: “Không! Con ăn đủ rồi. Bánh hết rồi.”

Thử nói như thế này: “Mẹ biết là con rất thích ăn bánh. Ngày mai, mẹ sẽ cho con tiếp nữa nhé. Hôm nay con ăn vậy là đủ rồi. Nếu con còn cảm thấy đói thì con có thể ăn những thức ăn khác trên dĩa của con nhé.”

Lý do: Nếu bạn nói cấm đoán cộc lốc và đưa ra lý do không đúng để hạn chế món ăn ưa thích của bé thì bé sẽ thấy bạn không hiểu được cảm xúc của bé. Nhu cầu, sở thích của bé vô cùng quan trọng nên khi bị cấm, bé rất buồn và khó chịu. Bé có thể biết bạn đang nói dối bé. Nhưng nếu bạn nói đầy đủ và có lý hơn, bé sẽ học được cách chọn lựa món ăn khác và biết để dành cho tương lai. Đặc biệt là bé biết bạn đang hiểu nhu cầu và sở thích của bé.

Tình huống 6: Con bạn đang chơi với một bé khác và giựt lấy đồ chơi của bé đó.

Thay vì nói: “Con không được làm thế, hãy lịch sự nào” hay thậm chí là nói bé đó phải chia sẻ đồ chơi với con bạn.

Thử nói như thế này: “Con đã lấy đồ chơi của bạn. Mẹ nghĩ là bạn đang chơi lở dở, chưa xong đâu. Hãy đưa lại cho bạn và hỏi bạn là khi nào thì bạn chơi xong. Khi nào bạn chơi xong thì sẽ đến lượt con chơi mà.”

Lý do: Trẻ từ 18 tháng tuổi là đã có thể hiểu được khái niệm sở hữu rồi, trẻ sẽ không hiểu được đầy đủ ý nghĩa của việc chia sẻ cho đến khi trẻ được 3 tuổi. Đối với trẻ, đồ vật chỉ là sự mở rộng của bản thân mà thôi. Đã là sở hữu là thuộc về bản thân mình. Bạn có muốn chia sẻ với người khác cánh tay hay bàn chân của bạn không? Chắc chắn là không. Vậy thì trẻ cũng hiểu như vậy đấy. Hãy giải thích cho trẻ biết là đồ chơi này là của bạn. Con muốn chơi thì phải hỏi ý của bạn trước, sau đó con cũng sẽ có cơ hội được chơi.

Nguồn: Webtretho

3 thoughts on “Sức mạnh của lời nói trong giáo dục con của người Mỹ

Leave a Reply

Or